Trung Quốc buộc chính danh trên mạng xã hội

ANTD.VN - Trung Quốc tiếp tục thêm thắt chặt quản lý mạng xã hội tại quốc gia đông dân nhất thế giới này khi buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải xác định được tên thực của người dùng mới cho phép họ đăng tải các bình luận lên mạng.

Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội ở Trung Quốc phải xác định được danh tính thực mới cho phép người dùng đăng tải bình luận

Giới chức Trung Quốc vừa chính thức thông báo, kể từ ngày 1-10 tới, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội hoặc diễn đàn phải xác định danh tính thực của những người sử dụng trước khi cho phép họ đăng các nội dung và lời bình lên mạng xã hội. Quy định này buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các trang mạng phải kiểm tra danh tính chính xác những người sử dụng trước khi để họ được đăng các “comment” (bình luận) trên mạng. 

Ngoài ra, cơ quan quản lý Trung Quốc cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội và trang mạng phải tăng cường giám sát các thông tin của người dùng trên trang mạng do mình quản lý. Trong trường hợp phát hiện các thông tin bất hợp pháp, trái pháp luật phải lập tức gỡ bỏ, đồng thời báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước biết.

Những quy định mới trên đây là một phần trong việc triển khai thực hiện một đạo luật quan trọng về an ninh mạng được Quốc hội Trung Quốc thông qua và có hiệu lực từ 1-6 vừa qua. Đạo luật này nhằm tăng cường quản lý an ninh mạng thông qua các biện pháp mạnh tay như cấm đăng tải các nội dung “gây hại đến danh dự quốc gia”, “gây xáo trộn trật tự xã hội”…, và nặng nề nhất là “lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa”.

Việc Trung Quốc siết chặt thêm quản lý mạng xã hội và người dùng không phải là mới với quốc gia có tới hơn 1,4 tỷ dân này. Cho đến nay, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới vẫn áp dụng các biện pháp chặn các trang mạng xã hội phổ biến toàn cầu như Facebook, Twitter, YouTube, Google, Instagram… và nhiều trang mạng của các cơ quan báo chí phương Tây; thay vào đó là các mạng xã hội nội địa như Weibo, Baidu, WeChat…

Dù chỉ là các trang mạng trong nước nhưng với sự bùng nổ của Internet cùng các thiết bị công nghệ, đặc biệt là smartphone (điện thoại thông minh), Trung Quốc vẫn là quốc gia có số người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất thế giới với hơn nửa tỷ người. Trong đó, chỉ riêng mạng xã hội Weibo, được mệnh danh là Twitter của Trung Quốc, thậm chí còn nhiều hơn số người dùng Twitter trên thế giới khi số liệu tháng 3 vừa qua cho thấy có 340 triệu người dùng Weibo so với 328 triệu người dùng trên toàn cầu của Twitter.

Số người dùng quá đông trên môi trường mạng xã hội, dù quản lý chặt chẽ tới đâu vẫn có những yếu tố “ảo”, nên Trung Quốc vẫn phải đau đầu trước nạn thông tin giả (fake new) mà thế giới phải đối mặt, nhất là đối với các thông tin mà cơ quan quản lý Nhà nước cho là “nhạy cảm”, “xuyên tạc”, “kích động”, “gây mất ổn định an ninh trật tự”…

Nay với việc buộc nhà cung cấp xác định được danh tính thật của người sử dụng mạng xã hội (có thể kèm theo bản sao thẻ căn cước hay giấy tờ tùy thân có giá trị pháp lý), người sử dụng mạng xã hội có nguy cơ đối mặt với pháp luật nếu đăng tải các “comment” được xác định bất hợp pháp.

Quy định mới có hiệu lực từ 1-10, không chỉ là ngày Quốc khánh của Trung Quốc, còn là thời điểm quốc gia này tăng tốc cho các hoạt động chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào mùa thu năm nay.