Trừng phạt kinh tế Nga, phương Tây cũng “lãnh đủ”

ANTĐ - Tiếp sau tuyên bố áp đặt trừng phạt được Mỹ, EU đưa ra trước đó, hôm 26-4, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí thông qua việc áp dụng các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moscow. Vậy các lệnh trừng phạt này có làm nền kinh tế của Nga điêu đứng?

Theo Reuteurs đưa tin, lãnh đạo các nhóm G7 (gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ý và Canada) sẵn sàng mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, liên quan đến khủng hoảng chính trị tại Ukraine. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ thời điểm cụ thể áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Tuyên bố được G7 đưa ra trong bối cảnh các nước này buộc phải hành động, nhằm nhanh chóng nhằm đảm bảo cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine, dự kiến vào tháng tới, sẽ diễn ra thành công và hòa bình.

Trước đó, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã thống nhất các biện pháp trừng phạt mới đối với một số cá nhân và các tổ chức của Nga và sẽ được công bố vào hôm 28/4. Theo dự kiến, danh sách nằm trong lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ nhằm vào các quan chức cấp cao trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng Nga.

Đối với các nước thuộc Liên minh châu Âu, quan chức cấp cao của Mỹ cho biết biện pháp của mỗi quốc gia không phải giống hệt nhau. Mỗi một số nền kinh tế châu Âu có sự ràng buộc chặt chẽ và riêng rẽ với Nga, vì vậy mỗi nước sẽ tự xác định mục tiêu áp đặt trừng phạt riêng đối với Moscow.

Mặc dù, Moscow luôn quả quyết, nước Nga sẵn sàng đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây nhắm vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhưng việc nền kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất khẩu nguồn năng lượng có thể làm nền kinh tế Nga ảnh hưởng không nhỏ.

Hôm 17-3, sau đợt trừng phạt đầu tiên của Mỹ và châu Âu, Thứ trưởng Nga Sergei Belyakov đã nói rằng, tình hình kinh tế Nga đang có “những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng”.

Tiếp đó hôm 21-4, một quan chức Bộ Tài chính Nga cho biết nền kinh tế nước này có thể rơi vào tình trạng suy thoái trong quý II năm nay, sau khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm khoảng 0,5% trong quý trước đó.

Trừng phạt kinh tế Nga, phương Tây cũng “lãnh đủ” ảnh 1

Ông Putin nghĩ gì khi đi đằng sau các nguyên thủ quốc gia G7 trong nhóm G8?


Theo Ban Chiến lược dài hạn của Bộ Tài chính Nga nhận định nếu nền kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng âm so với quý trước đó, Bộ Tài chính cũng không loại trừ khả năng nền kinh tế Nga sẽ suy thoái về mặt lý thuyết. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov cảnh báo, tăng trưởng GDP của Nga trong năm nay sẽ ở mức từ 0-0,5%.

Giải thích cho tình hình kinh tế hiện nay của Nga, đầu tiên là trước khi có cuộc khủng hoảng với phương tây, nền kinh tế nước Nga vốn đã phải đối mặt với mức tăng trưởng thấp nhất, kể từ cuộc suy thoái năm 2009. Kinh tế Nga từ mức tăng 3,4% đạt được trong năm 2012, xuống còn 1,3% trong năm 2013. Nhu cầu của người tiêu dùng Nga không đủ để bù đắp cho sự suy giảm đầu tư.

Thứ hai, do căng thẳng ở Ukraine diễn ra, đã dẫn tới "cuộc khủng hoảng niềm tin" ở Nga, khiến đầu tư sụt giảm mạnh, thương mại sa sút. Các số liệu mới công bố cho thấy là mức độ tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2014 chỉ đạt 0,8%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 2,5% mà Bộ Kinh tế đưa ra trước đó.

Một điểm nữa cần nói tới là tình trạng vốn đầu tư nước ngoài liên tục bị rút khỏi nước Nga. Đầu tư vào Nga đã giảm 4,8% trong quý 1/2014, các nhà đầu tư đã rút tới 70 tỷ USD khỏi Nga, vượt xa con số 63 tỷ USD của cả năm 2013. 

Chính việc này đã làm giảm cơ hội đầu tư và gây thêm khó khăn cho ngân sách. Đồng thời, việc tăng trưởng trì trệ cũng do Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng và việc nền kinh tế chưa được hiện đại hóa. 

Tuy nhiên, cho dù Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), hay G7 có đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Nga đi nữa, thì trong cục diện thế giới đa cực như hiện nay, việc đưa ra các biện pháp cấm vận kinh tế không chỉ khiến bên bị trừng phạt thiệt hại mà bên trừng phạt cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trừng phạt kinh tế Nga, phương Tây cũng “lãnh đủ” ảnh 2

Các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 ở Aylesbury - Anh ngày 10-5-2013


Trong số các chủ thể tham gia trừng phạt Nga, Liên minh châu Âu là bên “thiệt hại ngược” nhiều nhất, vì sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga và biên độ đầu tư lớn. Lệnh cấm vận càng dài, Nga suy yếu thì EU cũng thiệt hại không nhỏ.

Hơn nữa, nguồn thu chủ yếu của kinh tế Nga là từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, đây là một loại hàng hóa mang tính thị trường, Nga không bán cho nước này thì sẽ bán cho nước khác. Trong bối cảnh nhiều nước phát triển đang khát năng lượng, có thể nhận định là Nga sẽ chỉ bị lao đao trong giai đoạn đầu, còn khi họ đã tìm được thị trường mới thì chính châu Âu sẽ là bên thiệt thòi hơn.

Còn về vấn đề suy giảm đầu tư, các doanh nghiệp phương Tây đã quyết định đầu tư vào Nga là họ đã nhìn thấy khả năng kiếm lợi. Quyết định rút vốn (vì lí do chính trị chứ không phải kinh tế) cũng đồng nghĩa với việc họ mất một cơ hội làm ăn và phải tìm cách tái đầu tư sang thị trường mới đầy rủi ro.

Điều này sẽ có những ảnh hưởng lớn đến chiến lược kinh doanh và phát triển thị trường của các nhà tư bản, trong khi Nga là một thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, việc dịch chuyển nguồn vốn đầu tư, thay đổi thị trường sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xấu đối với các doanh nghiệp.

Chính vì vậy, có thể dự đoán, kể cả trong tình huống khủng hoảng chính trị ở Ukraine phát triển đến mức độ căng thẳng nhất, cuối cùng Nga và các nước phương Tây cũng phải ngồi vào bàn thương thuyết để tránh thiệt hại cho cả 2 bên.

Xét một cách khách quan, khả năng lệnh cấm vận của Mỹ và EU không thể kéo dài quá lâu hoặc tình trạng Washington đơn phương đưa ra các lệnh cấm vận kinh tế lớn, còn EU thì đưa ra các biện pháp tượng trưng là rất cao. Khi đó, mức độ thiệt hại của Moscow sẽ rất nhỏ.