Trùm lừa đảo thế kỷ 21

ANTĐ - Chỉ đến khi tên siêu lừa bị cảnh sát Anh bắt giữ, người ta mới phát hiện ra rằng kẻ lừa đảo đã đùa giỡn với hàng nghìn sinh mạng con người bằng cách bán máy dò bom giả. Điều mỉa mai là tên lừa đảo này lại được vinh danh như một nhà phát minh, một doanh nhân thành đạt và một nhà hoạt động xã hội.

James McCormick sống phè phỡn bằng những đồng tiền do lừa đảo

ADE 651 là tên gọi tắt của “Thiết bị phát hiện công nghệ cao”. Và chắc chắn nó trông có vẻ là như thế. Vỏ đen bóng mượt. Một ăng-ten xoay để phát hiện tất cả mọi thứ từ bom đến tờ 100 USD giả. Nó   tích hợp cả dữ liệu để thông báo cho mạng lưới an ninh những gì các thiết bị tìm thấy.

Tài liệu bán hàng của Công ty ATSC tuyên bố các thiết bị này có thể nhận được “cảm giác” của vật liệu gây cháy ở khoảng cách một kilômét trên đất liền và 3 kilômét từ không trung. Nó cũng có thể theo dõi các loại chất lỏng, ngà voi và những tên tội phạm hóa trang. Không chỉ thế, nó có thể dò tìm xuyên qua các bức tường, dưới nước và dưới mặt đất. Như tài liệu này quảng cáo, đây thực sự là một thiết bị kỳ diệu, sản phẩm của công nghệ cao có thể phát hiện bất cứ điều gì “từ thuốc nổ đến con voi”.

Giám đốc ATSC, James        McCormick đã kiếm được 50 triệu bảng Anh từ việc bán thiết bị này cho cơ quan an ninh ở hàng chục quốc gia, chủ yếu ở Nam Á và Trung Đông, châu Phi.

“Nhà phát minh tự học” biết làm ăn

Cơ quan an ninh nhiều nước đều thừa nhận McCormick là người biết lôi cuốn khách hàng trong các cuộc đàm phán bán hàng, giải thích một cách khoa học cho hệ thống thiết bị của mình. Điều đáng nói là nhân vật này không hề có bất kỳ bằng cấp hay quá trình nghiên cứu, thực nghiệm khoa học nào.

McCormick, năm nay 57 tuổi, đã phục vụ 18 tháng trong ngành cảnh sát Anh tại khu vực Liverpool trước khi trở thành một nhân viên bán thiết bị vô tuyến. Có lẽ kỹ năng thuyết phục người khác đã được McCormick tích lũy trong thời gian trên. Trong một đoạn video hướng dẫn nhân viên bán hàng tiềm năng ở Ấn Độ, McCormick thậm chí còn nói rằng ông “từng là chuyên gia về chất nổ” trong lực lượng cảnh sát Anh. Ông thậm chí còn tuyên bố có bằng tiến sĩ - mặc dù đã rời Đại học Liverpool khi mới chỉ có ba chứng chỉ môn học. 

Doanh số ADE 651 đã tăng vọt kể từ khi trình làng năm 2005 ở Iraq. Công ty của McCormick, ATSC được cho là đã kiếm được từ 60  đến và 80 triệu bảng Anh trong 7 năm qua.  Bản thân   McCormick đã có một cuộc sống xa hoa. Ông ta mua lại một ngôi nhà sang trọng trị giá 8 triệu bảng  ở Bath - trước đây thuộc sở hữu của ngôi sao Hollywood Nicholas Cage, một trang trại gần Taunton, Somerset trị giá 1,5 triệu bảng Anh, một ngôi nhà nghỉ 250.000 bảng Anh ở Florida và một biệt thự 350.000 bảng Anh ở Cyprus.

Siêu lừa lộ mặt

Mọi việc chỉ vỡ lở khi cảnh sát Anh phát lệnh bắt McCormick hồi đầu tháng 2-2013. Thực ra các đơn tố cáo ông này đã xuất hiện từ năm 2008. Một đơn tố giác đã gửi đến Bộ trưởng Nội vụ Anh Ian Pearson với khẳng định: “Nhiều người sẽ bị thương hoặc bị giết nếu sử dụng hoặc hoàn toàn tin tưởng những thiết bị này để phát hiện chất nổ”. Sau đơn thư này, nhà chức trách Anh đã bắt đầu để ý tới vụ việc và tiến hành điều tra, dù việc này diễn ra khá chậm chạp. 

Kết luận cuối cùng được đưa ra khiến nhiều người sốc. Thiết bị của McCormick thực chất là “Golfer”, tên gọi cho thiết bị tìm kiếm quả bóng đánh golf có giá khoảng 30 USD tại Mỹ. Thiết bị của McCormick, theo kết quả kiểm tra độc lập cho thấy, thậm chí còn không thể tìm được một quả bóng golf, chứ đừng nói là một... quả bom. 

Theo điều tra của cảnh sát, McCormick chỉ mất chưa đầy 60 USD để làm ra mỗi thiết bị “dò bom”. Trong khi đó, ông ta từng bán nó với giá 300.000 USD cho các cơ quan chính phủ và các công ty tư nhân trên toàn thế giới. Trong khoảng 10 năm, “thiết bị công nghệ cao” này đã mang lại doanh thu khổng lồ, biến

McCormick thành một triệu phú. Phần lớn thiết bị của James McCormick được bán ở Iraq, nơi chúng được sử dụng tại hầu hết các trạm kiểm soát ở Baghdad và Basra từ năm 2006 và vẫn còn dùng đến tận bây giờ. Một quan chức quân đội của Iraq đã bị phạt tù  vì mua ADE 651 một cách trái phép. Theo cảnh sát Anh, McCormick đã đút lót các quan chức Iraq để bán sản phẩm ADE 651 với số lượng lớn.

Sau khi bị bắt, McCormick cho biết ông đã nghe nói về công nghệ vào năm 1994 và từ đó đã có ý định chế tác ra sản phẩm giả mạo này. Ông ta khai rằng đã sử dụng kiến thức vật lý cơ bản trung học để tạo ra một thiết bị dò bom “trông như thật”. Phần còn lại của câu chuyện là những trò lừa đảo và đút lót các quan chức an ninh nhiều nước để họ tiêu tiền ngân sách an ninh vào thứ đồ rởm.