- Đồng xu kỷ niệm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên nói lên điều gì?
- Tổng thống Trump: Cuộc gặp với ông Kim Jong-un có khả năng không diễn ra vào tháng 6
- Mỹ tuyên bố không thay đổi chính sách với Triều Tiên
Theo kế hoạch, các phóng viên của 5 nước gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Hàn Quốc sẽ rời khách sạn Galma, ở thành phố Wonsan vào lúc 18h00 giờ địa phương tức tới ga Wonsan để khoảng một giờ sau đó lên chuyến tàu hỏa đặc biệt khởi hành tới ga Jaedok.
Hành trình này dài khoảng 416km, nhưng theo điều kiện đường sắt của Triều Tiên, đoàn tàu có thể đi với vận tốc 35km/h, tức là mất 12 giờ để các nhà báo đến được ga Jaedok. Từ đây, các nhà báo sẽ sử dụng xe ô tô để đến bãi thử Punggye-ri nằm cách đó 21km.

Bãi thử Punggye-ri trải qua 6 lần thử nghiệm hạt nhân
Trước đó, Triều Tiên thông báo sự kiện này có thể diễn ra trong ngày 23 đến 25-5 tùy điều kiện thời tiết. Cụ thể, nước này sẽ đóng cửa toàn bộ đường hầm dưới lòng đất và các cơ sở liên quan tại bãi thử hạt nhân này bằng chất nổ.
Punggye-ri là bãi thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên, nơi nước này đã tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017, trong đó 2 vụ thử nghiệm cuối cùng được Triều Tiên tuyên bố là bom nhiệt hạch (bom H, loại vũ khí có sức công phá lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử thông thường) và vụ ngày 3-9 vừa qua có sức công phá mạnh nhất, vào khoảng 120 kiloton, gấp 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Vì vậy, việc phá bỏ bãi thử hạt nhân được xem là cử chỉ thiện chí đáng ghi nhận nhằm xây dựng lòng tin trong vấn đề hạt nhân, tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều sắp tới.
Hàn Quốc mô tả kế hoạch này của Triều Tiên là "một động thái ưu tiên và tích cực" nhằm chứng minh ý định và chấp nhận cho các chuyên gia quốc tế xác minh chương trình hạt nhân trong tương lai gần. Tổng thống Trump ca ngợi hành động này là một "cử chỉ rất thông minh và hoà nhã."