Triển khai quyết liệt, gấp rút các giải pháp gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) đã hoãn và chuyển lịch kiểm tra gỡ “thẻ vàng” của EC với thủy sản Việt Nam sang tháng 10-2023, thay vì vào cuối tháng 5-2023 như lịch thông báo trước đó, nhưng các giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” vẫn phải triển khai quyết liệt, gấp rút.

“Bức tường thành” án ngữ hoạt động xuất khẩu thủy sản

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), EC đã đề xuất các cuộc làm việc trực tuyến vào tháng 5, tháng 6 và tháng 10-2023 trước khi sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vào tháng 10 tới. Dự kiến cuối tháng 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có đoàn công tác sang và có cuộc làm việc trực tiếp để EC nắm bắt, cập nhật tình hình chống khai thác IUU của Việt Nam nhằm thu hẹp khuyến nghị của họ với Việt Nam.

Lực lượng chức năng tuyên truyền để ngư dân tuân thủ các quy định pháp luật

Lực lượng chức năng tuyên truyền để ngư dân tuân thủ các quy định pháp luật

Ngày 23-10-2017, EC áp dụng biện pháp cảnh cáo bằng “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào EU. Lý do EU đưa ra là một bộ phận ngư dân Việt Nam có hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (hoạt động đánh bắt IUU). Điều này đồng nghĩa thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, khiến doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.

Theo quy định của EU, các quốc gia bị cảnh cáo “thẻ vàng” phải tìm cách cải thiện tình hình. Nếu không làm được, họ sẽ đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu sang thị trường EU, tức là nhận “thẻ đỏ”. Các nước có những cải cách cần thiết sẽ được xóa “thẻ vàng” để nhận “thẻ xanh”. Với Việt Nam, EU đưa ra 9 nhóm khuyến nghị nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm IUU nếu muốn gỡ “thẻ vàng”.

Liên minh châu Âu (EU) nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và trước Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tỷ USD của Việt Nam năm 2022, thị trường EU đóng góp 1,3 tỷ USD. Đó là nguồn sinh kế của hơn 5 triệu lao động bám biển để mưu sinh. Nếu không gỡ được “thẻ vàng”, sản phẩm khai thác của ngư dân sẽ gặp rất nhiều rào cản trong xuất khẩu, không chỉ ở châu Âu mà còn cả các thị trường khác trên thế giới.

Chính vì thế, trong hơn 5 năm qua, Việt Nam đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC. Đó là từng bước hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có sự ra đời của Luật Thủy sản 2017; Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên đội tàu ngày càng được tích cực đẩy mạnh, đạt tỷ lệ cao, cùng với đó là sự chuyển biến về cơ sở vật chất, truy xuất nguồn gốc thủy sản... Qua 3 lần làm việc, EC khẳng định Việt Nam đã đi đúng hướng và có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, cho đến nay, EC vẫn chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam. Nguyên nhân là do một số địa phương thiếu sự quyết liệt trong thực hiện các khuyến nghị cần thực hiện, còn để xảy ra tình trạng tàu cá xâm phạm ngư trường nước ngoài. Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc EC tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” chẳng khác nào “bức tường thành” án ngữ ngay trước mắt, gây ra quá nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Để tháo gỡ vướng mắc, ngày 13-2-2023, Chính phủ đã thông qua Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”. Trong Kế hoạch, Chính phủ Việt Nam cho rằng việc ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU là trách nhiệm của mỗi quốc gia có biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển bền vững, ổn định sinh kế bền vững của người dân, đảm bảo quốc phòng an ninh trên các vùng biển và thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Gắn gỡ “thẻ vàng” với xây dựng nghề cá bền vững

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023. Thời gian để chuẩn bị cho cuộc làm việc lần thứ 4 với Đoàn Thanh tra của EC không còn nhiều. Đây là thời gian phía Việt Nam cần cấp bách triển khai các giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại để sớm tháo gỡ được “thẻ vàng” cho hải sản khai thác của Việt Nam. Kinh nghiệm thành công nhất để gỡ “thẻ vàng” thuộc về Hàn Quốc (2 năm) và Philippines (1 năm). Họ đều có điểm chung là khung pháp lý mạnh mẽ, tức những quy định cao ngang mức một bộ luật, thiết lập trung tâm kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu ứng dụng thiết bị thời gian thực.

Với Việt Nam, sau 3 đợt kiểm tra về tình hình triển khai các khuyến nghị, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác, EC đánh giá: “Tình hình thực thi pháp luật tại Việt Nam chưa hiệu quả, thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các địa phương, chưa đảm bảo tính răn đe”. Đây là tồn tại không nhỏ mà muốn giải quyết thì phải phối hợp nhiều biện pháp. Trước hết, các địa phương cần tiếp tục thông tin, truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi khai thác IUU.

Tiếp đó là cần xử lý 100% tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Về vấn đề này, cần có sự phối hợp với quốc tế để có thông tin; điều tra, thu nhập, củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm minh đúng quy định và tích cực truyền thông để răn đe. Với các tàu vi phạm quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), cũng cần xử lý 100% tàu vi phạm. Muốn vậy, các địa phương cần bổ sung nguồn lực về cảng, kiểm ngư, thanh tra; xây dựng kế hoạch trực 24/7 và xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định. Bên cạnh đó, cần tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất tàu cá, cảng cá, cơ sở chế biến để xử lý nghiêm theo quy định nếu có vi phạm.

Tính đến ngày 30-4-2022, cả nước có 86.820 chiếc tàu đánh bắt hải sản, trong đó, tàu có chiều dài dưới 15m là 56.799 chiếc; tàu có chiều dài trên 15m là 30.091. Hiện cả nước có hơn 4.200 tổ đội sản xuất trên biển với sự tham gia của gần 29.600 phương tiện, gần 180.000 lao động trên các vùng biển. Muốn ngành thủy sản phát triển bền vững, muốn “thẻ vàng” của EC sớm được gỡ, Việt Nam còn cần phải giảm sản lượng khai thác biển. Nhưng để phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống ngư dân, giá trị hải sản phải được nâng lên.

Vì vậy, không có cách nào khác là phải nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác và nâng giá trị chế biến, đầu tư cho chế biến chuyên sâu, giảm chế biến thô… Các địa phương cũng phải kịp thời có các giải pháp chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân, vì họ đang đối mặt với vô vàn khó khăn, từ giá xăng dầu cao đến những rủi ro khó lường trên biển. Muốn tạo sinh kế phải tái tạo nguồn lợi từ biển Việt Nam, quản lý tốt môi trường và khu bảo tồn biển, phóng thích giống thủy sản vào biển… Tức là không chỉ gỡ “Thẻ vàng”, mà còn phải xây dựng nghề cá bền vững, phát triển kinh tế biển xanh.