Trẻ ở nhà, già đi… cọ xát

(ANTĐ) - Hôm qua 17-5, ĐT BBVN đã trở về nước, khép lại giải VĐTG 2011 tại Hà Lan đầy thất vọng. Cụ thể, cây vợt số 1 Việt Nam Đoàn Kiến Quốc đã gác vợt ngay ở vòng 1/8, trong khi 3 tay vợt còn lại là Tuấn Quỳnh, Thành Luân và ĐKVĐQG Quang Linh bỏ cuộc từ vòng sơ loại. Kết quả này cho thấy BBVN đang xuống dốc bởi “tre đã già mà măng chưa mọc”.

Nghịch lý thể thao Việt Nam nhìn từ bộ môn bóng bàn:

Trẻ ở nhà, già đi… cọ xát

(ANTĐ) - Hôm qua 17-5, ĐT BBVN đã trở về nước, khép lại giải VĐTG 2011 tại Hà Lan đầy thất vọng. Cụ thể, cây vợt số 1 Việt Nam Đoàn Kiến Quốc đã gác vợt ngay ở vòng 1/8, trong khi 3 tay vợt còn lại là Tuấn Quỳnh, Thành Luân và ĐKVĐQG Quang Linh bỏ cuộc từ vòng sơ loại. Kết quả này cho thấy BBVN đang xuống dốc bởi “tre đã già mà măng chưa mọc”.

“Lão tướng” Kiến Quốc vẫn “phải” thường xuyên góp mặt tại các giải đấu quốc tế

“Lão tướng” Kiến Quốc vẫn “phải” thường xuyên góp mặt tại các giải đấu quốc tế

“Bệnh thành tích” - bệnh mạn tính

“Bất cứ giải đấu quốc tế nào cũng vậy, người ta không để ý xem VĐV thi đấu là già hay trẻ mà chỉ quan tâm đến thành tích mà anh ta đạt được. Vậy nên, trách nhiệm của chúng tôi là tuyển chọn và đem đến giải những VĐV có khả năng mang lại thành tích tốt nhất có thể”, đó là lý giải của ông Trưởng bộ môn BBVN Nguyễn Đức Long về danh sách đội tuyển BBVN tham dự giải VĐTG 2011 vừa diễn ra tại Hà Lan.

Vẫn biết ở các giải đấu quốc tế, giá trị tấm huy chương còn liên quan đến vinh dự của một quốc gia chứ không hẳn chỉ gói gọn trong lĩnh vực thể thao. Điều đó lý giải tại sao nhiều quốc gia đã đổ cả “núi tiền” cho thể thao chỉ với mong muốn lá Quốc kỳ của đất nước mình được kéo cao trên đấu trường quốc tế. Nói thế để hiểu, trong thể thao, yếu tố thành tích luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải đạt được nó bằng mọi giá.

Thực tế những năm gần đây, trong khi các nền thể thao khác dần theo hướng phát triển bền vững - bằng việc chú trọng công tác đào tạo trẻ song song với bồi dưỡng tài năng đã trưởng thành - thì ở nước ta vẫn giữ thói quen “ăn xổi ở thì”.

Thế nên mới có chuyện, các “lão tướng” được cử đi thi đấu quốc tế để… cọ xát, lấy kinh nghiệm trong khi đối tượng cần điều đó là những VĐV trẻ lại phải quẩn quanh với các giải phong trào, hoặc cùng lắm là giải VĐQG mỗi năm chỉ có một lần.

Song, ngay cả ở sân chơi quốc nội, cơ hội để những tài năng trẻ phát triển là không nhiều. Sự chênh lệch đẳng cấp khiến họ sớm bị loại bởi các “đàn anh” và thực tế tại giải VĐQG 2011 vừa qua, góp mặt tại trận chung kết vẫn là những gương mặt quen: Kiến Quốc - Tuấn Quỳnh (đơn nam), Mỹ Trang - Thiên Kim (đơn nữ). Bên cạnh đó, khi các “lão tướng” ở vào độ tuổi “xế chiều”, thì cũng đồng nghĩa với phong độ và thành tích sẽ dần đi xuống.

Chính vì thế chúng ta cần có đội ngũ VĐV kế cận thay thế, nhưng rồi ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chẳng thấy ai ngoài những gương mặt… cũ. Trong thể thao, ngoài kinh nghiệm thi đấu thì yếu tố thể lực và sức trẻ không kém phần quan trọng để gặt hái được những thành tích cao. Mà minh chứng cụ thể nhất là thành tích đáng thất vọng của BBVN tại giải VĐTG 2011 vừa qua.

Chung quy chỉ tại thiếu… tiền

Làng thể thao Việt Nam từng chứng kiến không ít cảnh dở khóc, dở cười mà chung quy cũng chỉ vì thiếu tiền. Cụ thể, tại Asiad 16, cua-rơ Mai Nguyễn Hưng phải bỏ cuộc ngay trước vạch đích chỉ vì chiếc xe cũ kĩ bị bung lốp, hay mới đây tại giải đua xe Cúp truyền hình TP.HCM 2011, những đồng nghiệp của anh ở đội đua Cần Thơ vì để tiết kiệm chi phí đã phải vặn nước máy cho vào chai mang theo uống dọc đường…

Rồi ngay chính ở bộ môn bóng bàn, đội tuyển dự giải VĐTG 2010 (Nga) chỉ với 3 VĐV mà không có HLV đi theo, khiến các tay vợt vừa thi đấu vừa phải tự làm HLV cho chính mình. “Đơn giản, có thêm người sẽ kéo theo những chi phí, mà nguồn ngân sách eo hẹp của Liên đoàn không thể chi trả”, ông Long giải thích.

Cũng theo ông Trưởng bộ môn BBVN, nếu không vướng chuyện tiền bạc, hàng năm BBVN đã chẳng phải từ chối lời mời tham dự các giải đấu giao hữu quốc tế, hay đắn đo cân nhắc xem nên cử bao nhiêu người đi để tiết kiệm chi phí. Kinh phí dành cho tập huấn, thi đấu còn không có, thì lấy đâu kinh phí dành cho “đào tạo trẻ”. Với điều kiện cùng sự đầu tư như hiện tại, sẽ là không tưởng nếu đòi hỏi BBVN mỗi năm đều đặn cho ra lò những tài năng kiệt xuất.

Sở dĩ, Trung Quốc trở thành bá chủ sân chơi thế giới suốt nhiều năm qua cũng bởi họ dành sự đầu tư mạnh mẽ và đặc biệt chú trọng công tác đào tạo trẻ. Hàng năm, quốc gia này luôn sản sinh ra những tay vợt trẻ thượng thặng.

 Mới đây, họ cũng “trình làng” 2 cái tên Zhang Jike (23 tuổi) - vô địch đơn nam và Ding Ning (20 tuổi) - vô địch đơn nữ, tại giải VĐTG 2011 vừa kết thúc ngày 15-5 tại Hà Lan. Nhưng ở Việt Nam, hướng đi đó dù chẳng mới mẻ nhưng lại khá xa vời.

Với nguồn kinh phí ít ỏi từ trên “rót” xuống, Liên đoàn BBVN khó có những đầu tư mang tính lâu dài. Tài năng bóng bàn đến từ 64 tỉnh thành xuất hiện ở các giải quốc nội không phải là ít, song lương bổng cùng các chế độ đãi ngộ eo hẹp chẳng thể giữ chân họ.

Vậy nên, sẽ dễ hiểu khi ông Trưởng bộ môn BBVN có thể đọc vanh vách những gương mặt tiêu biểu trong quá khứ, nhưng lại im lặng và thở dài khi được đề nghị liệt kê các VĐV trẻ triển vọng…

Thuần Thư