Tranh chấp bản quyền truyền hình: VPF đưa chứng cứ AVG phạm luật

ANTĐ - Chiều 4-1, VPF đã có công văn gửi lên Bộ VH-TT&DL, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xem xét tính hợp pháp bản hợp đồng bản quyền truyền hình ký giữa VFF và AVG năm 2010.

Sáng 4-1, VFF đã có công văn gửi VPF, Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL để một lẫn nữa khẳng định quyền hạn của mình. Công văn có đoạn: “Việc VPF không thừa nhận quyền sở hữu các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam của VFF như vừa qua là việc cố tình không hiểu các quy định tối thiểu cần thiết của pháp luật thể thao và Điều lệ của Liên đoàn cũng như không tôn trọng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. VFF đề nghị Hội đồng quản trị VPF nghiêm túc rút kinh nghiệm và yêu cầu VPF phải thực hiện theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của VFF, nhất là trong các trường hợp có vướng mắc phát sinh”.

Ngay trong chiều nay, VPF đã gửi công văn lên Bộ Tư pháp, Bộ VH-TT&DL và Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xem xét tính hợp pháp bản hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình số 08/HĐ/2010VFF-AVG được ký kết giữa VFF và AVG ngày 8-12-2010.

Thay mặt VPF, Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên đã đưa ra 2 bằng chứng, chứng thực bản hợp đồng trên không có hiệu lực pháp lý.

1. Căn cứ Khoản 2 Điều 53 Luật Thể dục, Thể thao năm 2006 và Điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ quy định quyền sở hữu bản quyền truyền hình các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp thuộc về VFF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng thực tế khi ký Hợp đồng nói trên VFF chưa có được sự đồng ý của người có thẩm quyền của các CLB bóng đá chuyên nghiệp về việc ủy quyền cho VFF đại diện các CLB đàm phán, ký kết Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình các giải thi đấu bóng đá chuyên nghiệp.

2. Căn cứ điều 6 Luật Báo chí năm 1989, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí năm 1999, Nghị định 51/NĐ-CP của Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Báo chí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí và Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 07/2011/TT-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 1/3/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình quy định: “Giấy phép hoạt động truyền hình là giấy phép hoạt động báo hình gắn với sự ra đời của tổ chức hoạt động phát thanh, truyền hình, quy định tôn chỉ, mục đích hoạt động của kênh chương trình truyền hình quảng bá...”, thì vào thời điểm ký Hợp đồng ngày 08/12/2010, AVG không có giấy phép hoạt động truyền hình theo các quy định của pháp luật được nêu trên.

Vấn đề tranh chấp bản quyền truyền hình đang ngày một căng thẳng.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều nay, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ VH-TT&DL Tô Văn Động cho biết: “Hiện Bộ vẫn chưa nhận được công văn. Nhưng quan điểm của Bộ là các bên cần ngồi lại với nhau để đàm phán, trên tinh thần vì lợi ích của các bên và của người hâm mộ Việt Nam. Nếu không thống nhất được thì nhờ sự can thiệp của Luật pháp. Về phần mình, Bộ đã giao cho Tổng cục TDTT rà soát, xem xét toàn bộ sự việc và đang chờ báo cáo. Nếu Tổng cục có đề xuất, Bộ sẽ phái Thanh tra, giúp sức xử lý vụ việc”.

Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết đã chỉ đạo VFF giải trình về bản hợp đồng bản quyền truyền hình ký với AVG và phải có văn bản kèm theo gửi Tổng cục TDTT xem xét. Ở một diễn biến khác, sáng qua, VFF cũng có công văn gửi VPF với nội dung: Trong công văn số 06, VFF đã khẳng định nghĩa vụ và quyền hạn của mình, sau đó là nhắc lại vai trò và quyền sở hữu của VPF sau khi được chuyển giao (từ VFF cho VPF).

Được biết, AVG cũng đang lên kế hoạch gửi văn bản lên các Bộ liên quan để “đấu” với VPF. Rõ ràng sau hàng loạt những công văn qua lại, việc tranh chấp bản quyền truyền hình không những không được giải quyết mà còn ngày càng trở nên căng thẳng. Nhiều khả năng, các bên liên quan sẽ phải đưa nhau ra tòa giải quyết.