Tranh cãi quanh đề xuất lấy ngân sách hoàn thuế trăm tỷ cho doanh nghiệp bán xăng E5

ANTD.VN - Bộ Tài chính đang đề xuất bố trí nguồn ngân sách Trung ương để hoàn thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho doanh nghiệp kinh doanh xăng E5. Dự kiến, số thuế hoàn năm 2018 khoảng 300 tỷ đồng và năm 2019 khoảng 450 tỷ đồng.

Hoàn thuế hơn 750 tỷ đồng cho doanh nghiệp?

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2015/NĐ-CP (Nghị định 108) của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB.

Trong đó, nội dung đáng chú ý là đề xuất khấu trừ thuế TTĐB đối với trường hợp cơ quan hải quan ấn định thu và bổ sung thủ tục hồ sơ hoàn thuế TTĐB cho doanh nghiệp xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, thuế TTĐB hiện áp dụng đối với mặt hàng xăng khoáng là 10%, xăng E5 8%, E10 7%. Trong khi nguyên liệu để sản xuất xăng E5 có đến 95% xăng RON92 và ethanol (chiếm 5%) và phải chịu thuế TTĐB khi nhập là 10%.

Khi DN nhập khẩu nguyên liệu đầu vào (xăng RON92 hay xăng khoáng) sẽ bị hải quan thu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi sản xuất ra xăng sinh học E5 hoặc E10 thì số thuế tiêu thụ đặc biệt lẽ ra phải đóng chỉ là 7-8%.

Như vậy, theo Bộ Tài chính, hiện đang tồn tại một khoản tiền thuế TTĐB mà doanh nghiệp đã đóng thừa, chưa được khấu trừ khoảng 2 - 3%.

Theo lý giải của các doanh nghiệp, hiệp hội xăng dầu, giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 31/12/2017 chưa phát sinh vướng mắc do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ yếu bán xăng khoáng RON92, RON95 và lượng xăng E5 RON92 chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên sau khi bù trừ với số thuế TTĐB phải nộp khác, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn còn số thuế TTĐB phải nộp.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2018, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp chỉ được bán xăng RON95 và xăng E5 RON92 nên sau khi bù trừ với số thuế TTĐB phải nộp khác, doanh nghiệp luôn phát sinh số thuế TTĐB chưa được khấu trừ của nguyên liệu sản xuất xăng E5 RON92.

Ví dụ, tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, dự kiến số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết phát sinh năm 2018 khoảng 200 tỷ đồng (bình quân khoảng 16,6 tỷ đồng/tháng); Công ty TNHH TM&DV Long Hưng dự kiến, số thuế TTĐB xăng E5 RON92 chưa được khấu trừ hết phát sinh năm 2018 khoảng 22 tỷ đồng (bình quân khoảng 1,8 tỷ đồng/tháng).

Bộ Tài chính đề xuất hoàn hơn 750 tỷ đồng thuế TTĐB cho doanh nghiệp kinh doanh xăng E5 từ nguồn ngân sách Trung ương

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết trong tháng đạt từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lấy từ nguồn ngân sách Trung ương.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị bố trí nguồn ngân sách trung ương để hoàn thuế cho doanh nghiệp. Dự kiến, số thuế phải hoàn năm 2018 khoảng 300 tỉ đồng và năm 2019 khoảng 450 tỉ đồng.

Nhiều ý kiến trái chiều

Đề xuất này của Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính đồng tình với quan điểm phải hoàn thuế cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

“Anh thu không hợp lý thì phải trả lại doanh nghiệp. Vì chính sách giảm thuế với xăng sinh học là nhằm để khuyến khích người dân sử dụng xăng E5” – ông Long nói.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh lại không đồng tình. Vị chuyên gia cho rằng việc thu thuế đầu vào – đầu ra khác nhau là thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, không thể bắt ngân sách phải chịu trách nhiệm về một chính sách bất hợp lý như vậy.

“Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế đều thuộc Bộ Tài chính. Việc hai cơ quan này thu hai mức thuế không thống nhất thuộc về trách nhiệm của Bộ, không thể bắt ngân sách phải chịu trách nhiệm. Ngân sách là tiền của dân, sai lầm của của một cơ quan sao lại lấy tiền của dân ra để bù” – chuyên gia kinh tế Bùi Trinh phản biện.

Vấn đề thứ hai mà vị chuyên gia đặt ra là tiền ở đâu ra để hoàn cho doanh nghiệp. “Hiện bội chi ngân sách lớn, chi thường xuyên cao, nợ công sát trần, vậy ngân sách lấy đâu một khoản tiền lớn như vậy để hoàn thuế cho doanh nghiệp. Liệu sẽ nghĩ ra một khoản thuế nào đó để bù vào, như vậy thì người dân thiệt đơn thiệt kép” – ông nói.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, việc phát sinh chênh lệch trong tính thuế xăng dầu đã xảy ra thời gian dài, tại sao bây giờ Bộ Tài chính mới nhìn nhận vấn đề này. “Hơn nữa, báo cáo quyết toán của các doanh nghiệp vẫn có lãi, tức là giá bán xăng dầu của doanh nghiệp đã bao gồm khoản chi phí này rồi, giờ lại yêu cầu bù một lần nữa” - ông Trinh nêu ý kiến.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chuyên gia Ngô Trí Long lại cho rằng, việc lấy tiền ngân sách hoàn thuế cho doanh nghiệp không có nghĩa là lấy tiền người dân để bù. “Ngân sách trước nay thu trội lên, thì bây giờ phải trả lại cho doanh nghiệp, điều này là đương nhiên” – ông Long nói.