Trái đắng “Cách mạng nhung”

(ANTĐ) - Đã 4 ngày liên tiếp, Thủ đô Tbilisi của Gruzia rung chuyển bởi các cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người đòi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Đất nước nằm trên sườn núi Kavkaz này giờ lại chẳng khác nào như thời “cách mạng nhung”.

Trái đắng “Cách mạng nhung”

(ANTĐ) - Đã 4 ngày liên tiếp, Thủ đô Tbilisi của Gruzia rung chuyển bởi các cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người đòi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Đất nước nằm trên sườn núi Kavkaz này giờ lại chẳng khác nào như thời “cách mạng nhung”.

Chỉ có điều giờ đây mũi nhọn lại nhằm vào Tổng thống M. Saacashvili, tác giả của cuộc “cách mạng nhung”. Các thủ lĩnh phe đối lập Gruzia, bao gồm 10 chính đảng và phong trào chính trị, tuyên bố hành động phản kháng do họ tổ chức sẽ tiếp diễn cho đến khi Tổng thống phải chấp nhận bầu cử sớm Quốc hội và Tổng thống, chứ không đợi đến mùa thu năm 2008 theo như dự định.

Nhớ lại hồi đầu năm 2004, bằng chiến thắng áp đảo với 85,8% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống, thủ lĩnh Phong trào Dân tộc thống nhất

Biểu tình phản đối chính phủ trên đường phố Tbilisi
Biểu tình phản đối chính phủ trên đường phố Tbilisi

M. Saakashvili, 36 tuổi, được báo chí Gruzia mô tả như “người hùng” ra tay cứu giúp đất nước. Mỹ và châu Âu thì tỏ ra vui mừng trước sự xuất hiện của một nhân vật nhiều năm du học ở nước ngoài, nói tiếng Anh giỏi như tiếng mẹ đẻ, và luôn lớn tiếng bài Nga để hướng về phương Tây.

Thế nhưng giờ đây, những người tham gia biểu tình cáo buộc ông M. Saakashvili là “kẻ lừa dối” và “phản bội sự mong đợi của nhân dân” khi chính quyền của ông lạm dụng quyền lực và làm tăng khoảng cách giàu nghèo ở Gruzia. Thay cho viễn cảnh “cơn gió tự do” tràn về sẽ nhanh chóng làm biến đổi Gruzia như lời hứa của ông M. Saakashvili lúc thắng cử, thực tế lại thật ảm đạm. Nếu như năm 2003, tốc độ tăng trưởng GDP của Gruzia còn là hai con số, thì hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 5%. Khoản nợ nước ngoài 1,7 tỷ USD từ thời cựu Tổng thống Shevardnadze hiện vẫn chưa bớt đi được đồng nào và Gruzia vẫn thuộc những nước nghèo nhất trên thế giới.

Chính sách tư nhân hóa triệt để cũng không còn gây niềm hưng phấn và hy vọng cho dân chúng như trước. Cùng với số công xưởng, xí nghiệp, nhà máy được tư nhân hóa tăng lên là số người thất nghiệp xuất hiện ngày càng đông trên các đường phố. Những tín hiệu bất ổn đã xuất hiện hồi tháng 9-2007, khi hàng nghìn người biểu tình bên ngoài toà nhà Quốc hội phản đối việc cảnh sát nước này bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng I. Okruashvili. Trong khi chính quyền tuyên bố ông I. Okruashvili bị bắt vì tội tham nhũng, thì dư luận lại cho rằng lý do chính khiến ông này bị bắt chỉ vì đã dám cáo buộc Tổng thống M. Saakashvili “tham nhũng và đã ra lệnh thủ tiêu một doanh nhân nổi tiếng”. Ông

I. Okruashvili được trả tự do sau khi nộp hàng triệu USD tiền bảo lãnh và đã rời Gruzia tới Đức để “chữa bệnh”. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phe đối lập nói rằng ông I. Okruashvili đã bị ép phải ra nước ngoài.

Với những cuộc biểu tình bùng phát trên đường phố Tbilisi, chính trường Gruzia đang chuyển theo một hướng khác trái ngược với những gì diễn ra cách đây vài năm. Trái đắng “Cách mạng nhung” đang hiện rõ, nhắc người ta nhớ rằng “lời hứa gió bay”.

Hoàng Sơn