Trại cai nghiện trong căn cứ quân sự Mỹ

ANTĐ - Trại Phoenix của quân đội Mỹ từng là mục tiêu tấn công thường xuyên của những kẻ đánh bom tự sát Taliban, nhưng giờ đây nó trở thành trung tâm cai nghiện ma túy lớn nhất của Afghanistan.

Trại cai nghiện trong căn cứ quân sự Mỹ ảnh 1Bên trong trung tâm cai nghiện ở Trại Phoenix

“Ổ” ma túy dưới chân cầu

Những cây cầu bắc qua con sông Kabul ở trung tâm Thủ đô của Afghanistan từ lâu đã là nơi trú ngụ của người nghiện ma túy. Trong nhiều năm, hàng trăm người nghiện heroin sống dưới chân cầu, trên bờ sông đầy những kim tiêm đã qua sử dụng. Mỗi lần đi qua, nhiều người không khỏi rùng mình vì tiếng kêu lạo xạo phát ra từ dưới chân. Khi thông tin về tình trạng sử dụng ma túy tràn lan tại khu vực này xuất hiện hồi cuối năm 2014, Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani cho biết, nhà chức trách sẽ di dời những người trú ngụ dưới chân cầu tới một căn cứ quân sự cũ do Mỹ xây dựng năm 2003 nhưng được chuyển giao cho phía Afghanistan quản lý sau khi binh sĩ Mỹ rút khỏi nước này năm 2014. 

Tuy nhiên, phải mất hơn 1 năm, lời hứa này mới được thực hiện. Trong hơn 2 tuần qua, Chính phủ Afghanistan đã thực hiện tốt lời hứa, dọn sạch bờ sông dưới chân cầu và đưa người nghiện, nhiều người trong số họ là những người vô gia cư vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong căn cứ Trại Phoenix ở ngoại ô phía đông thành phố. Cơ sở mới này chiếm một góc nhỏ trong căn cứ cũ từng là nơi đồn trú của các binh sĩ Mỹ và các nước NATO khác.  

Tuy nhiên, không phải mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Vấn đề lây nhiễm HIV cũng nhạy cảm tại đây và thường bị cho là có liên quan tới việc sử dụng ma túy dưới chân cầu Kabul. Ngày 2-1, Ferozuddin Feroz, Bộ trưởng Y tế Afghanistan, đang dẫn đầu lực lượng vây bắt trong đêm thì bị một kẻ cầm kim tiêm bẩn tấn công dưới chân cầu. Giám đốc Quan hệ công chúng của Bộ Y tế Mohammad Ismail Kawusi cho rằng, đó là một vụ tấn công có kế hoạch của những kẻ buôn ma túy tức giận với việc khách hàng của chúng bị đưa đi cai nghiện. Tuy nhiên, ông Kawusi bác bỏ thông tin rằng Bộ trưởng Feroz đang được điều trị tại Ấn Độ vì bị nhiễm HIV từ vụ tấn công trên.  “Bộ trưởng đã xét nghiệm ở trong nước và không bị nhiễm HIV”, ông Kawusi khẳng định.

Gấp đôi tỷ lệ trung bình của thế giới

Đến nay, đã có 600 người được đưa vào cơ sở này với tên gọi chính thức là Trung tâm Điều trị và phục hồi chức năng. Phu nhân Tổng thống, bà Rula Ghani đã đề nghị đổi tên thành Trại Hy vọng nhưng chưa được thực hiện. Những người vào đây sẽ được cai nghiện, chăm sóc y tế và cung cấp miễn phí 3 bữa ăn mỗi ngày. Tuy nhiên, họ bị cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, không có tivi hay người thân đến thăm nhằm đảm bảo ma túy không bị tuồn lậu vào đây.

Theo bác sĩ Wakil Qayomi - Phó Giám đốc Trung tâm, sau 180 ngày, họ sẽ được trở về hòa nhập với cộng đồng. “Họ sẽ trở nên khỏe mạnh trong giai đoạn này. Nhưng vấn đề chính tại nước này là thất nghiệp, nên khi ra khỏi trung tâm, chúng tôi không có chương trình hiệu quả để giúp họ và thật không may, nhiều người lại tái nghiện”, bác sĩ Qayomi cho biết. Hiện các đội xây dựng đang xây thêm phòng ngủ, nhà bếp và phòng tắm để có thể điều trị cho 1.500 người nghiện tại đây. Lãnh đạo trung tâm thừa nhận, đây chỉ một bước tiến nhỏ trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ma túy gia tăng tại nước này.

Afghanistan từ lâu đã được biết đến là quốc gia sản xuất và tiêu thụ thuốc phiện lớn nhất thế giới, và có bằng chứng rằng tình trạng sử dụng ma túy tại đây còn tồi tệ hơn các quan chức chính phủ thừa nhận, do heroin giá rẻ tràn ngập và dễ mua bán. Bộ Phòng chống ma túy Afghanistan cho biết, số người sử dụng ma túy tại quốc gia này tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, lên tới 3 triệu người. Trong khi đó, theo báo cáo của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc, 12,6% người Afghanistan trưởng thành sử dụng ma túy, gấp đôi tỷ lệ trung bình của thế giới. Tuy nhiên, nước này lại chỉ có 120 trung tâm điều trị, đáp ứng một phần nhỏ trong số đó.

Theo chương trình cai nghiện mới, sẽ có thêm 2 cơ sở mới có quy mô tương tự sớm được mở tại các tỉnh Helmand và Nangarhar, với mục tiêu giảm dần số người nghiện ma túy tại quốc gia này.