TP HCM: Mở lại chợ truyền thống, tình trạng thiếu hàng có được giải quyết?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Việc mở cửa lại các chợ truyền thống được cho là giải pháp căn cơ góp phần giảm áp lực cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vốn thiếu hàng cục bộ, người dân phải chờ đợi vài tiếng đồng hồ mới mua được hàng trong những ngày qua tại TP HCM.
Các siêu thị tại TP HCM nhanh chóng bổ sung hàng hóa để phục vụ người dân

Các siêu thị tại TP HCM nhanh chóng bổ sung hàng hóa để phục vụ người dân

Nói về việc mở cửa lại chợ truyền thống tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa khuyến cáo với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cần đảm bảo 3 điều kiện: Chỉ bán hàng hoá thiết yếu bao gồm rau củ quả và hàng hoá tươi sống phục vụ đời sống hàng ngày của người dân;

Thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn như thực hiện “5k”, phát phiếu luân phiên, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng; Thực hiện tiêm vaccine cho tiểu thương tại các chợ truyền thống.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP HCM, tính đến chiều 17-7, TP HCM đã mở cửa lại 2 chợ truyền thống, chỉ bán thực phẩm tươi sống cho người dân, tuy nhiên số chợ ngưng hoạt động trên địa bàn TP HCM đạt kỷ lục.

Dự kiến trong những ngày ngày tới, TP HCM tiếp tục mở thêm một số chợ đảm bảo điều kiện. Ở kênh phân phối hiện đại, có 7 siêu thị (bao gồm cả những siêu thị lớn), cùng 82 cửa hàng tiện lợi đang phải đóng cửa vì có liên quan Covid-19.

Tình trạng quá tải tại các siêu thị, cửa hàng sẽ cải thiện đáng kể, đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm phong phú hơn cho người dân.

Trong điều kiện bình thường, hệ thống phân phối hiện đại chiếm khoảng 30% thị phần. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên không có chợ tự phát, số chợ truyền thống đóng cửa tăng nhanh, liên tục dẫn đến việc các siêu thị, cửa hàng tiện lợi dù đã nỗ lực tăng nguồn thực phẩm tươi sống lên gấp 2-3 lần nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân.

Chị Thủy Tiên (Gò Vấp) cho hay: “Do nhà ở gần Bách Hóa Xanh nên tôi không gặp khó khăn trong việc mua hàng tiêu dùng thiết yếu. Cũng có thời điểm tại Bách Hóa Xanh, khách xếp hàng dài”.

Trong khi đó, chị Mai Hương (quận 4) cho biết, hàng hóa vẫn có nơi thiếu, đặc biệt là rau xanh, gia vị (hành, tỏi, gừng) và trái cây. Mặc dù TP HCM đã đẩy mạnh việc bán hàng thực phẩm tươi sống trên chợ trực tuyến nhưng do hàng thiếu, đơn hàng bị hủy mà khách không hay biết, hoặc có người đặt đơn hàng cả tuần vẫn không thấy giao hàng.

Nêu quan điểm về việc mở lại chợ truyền thống, một chuyên gia cho hay, thương nhân, thương lái có mối quan hệ rất tốt với nguồn hàng, nên họ "điều" hàng về thành phố rất nhanh.

Do đó, để giải quyết được nhu cầu nhu yếu phẩm cho người dân, cần có biện pháp bảo vệ chợ, đảm bảo giãn cách phòng dịch nhưng tạo điều kiện cho thương nhân bán hàng, thay vì đóng cửa như những ngày qua.

Một chuyên gia khác đánh giá, việc TP HCM cho mở lại chợ truyền thống hiện tại sẽ gặp nhiều khó khăn và hiệu quả không cao, vì 19 tỉnh phía Nam sẽ thực hiện Chỉ thị 16, muộn nhất là ngày 19-7. Đây là các tỉnh đều có giao thương, cung cấp nhiều thực phẩm tươi sống cho thành phố.

Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa, rau củ vào TP HCM sẽ hạn chế hơn, khó khăn, ách tắc hơn.

Trước yêu cầu cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu, đảm bảo cuộc sống của người dân tại TP HCM và các tỉnh phía nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Tổ công tác Tiền phương về đảm bảo hàng hoá thiết yếu cho TP HCM và các tỉnh phía Nam. Tổ công tác gồm 27 thành viên.

Chiều 17-7, Tổ công tác đã có mặt tại TP HCM để làm nhiệm vụ thường trực tại khu vực phía Nam, theo dõi sát, nắm bắt nhu cầu hàng hoá thiết yếu của người dân tại TP HCM và các tỉnh phía Nam cũng như kiểm soát tình hình giá cả thị trường, xử lý các trường hợp đầu cơ tăng giá trục lợi, tham mưu, thực hiện các biện pháp để giải quyết, đảm bảo cung ứng hàng hoá cho các tỉnh phía Nam.