Toyota trước sức ép về an toàn sản phẩm
(ANTĐ) - Ngày 23-2, Quốc hội Mỹ đã mở phiên điều trần về vấn đề an toàn sản phẩm đối với các mẫu xe của Toyota. Đây là dịp để các lãnh đạo của Toyota xin lỗi và lấy lại niềm tin của khách hàng.
Giám đốc bán hàng của Toyota tại Mỹ giải trình trước Quốc hội Mỹ |
Phần trình bày cảm động
Ngày 23-2, tại phiên điều trần, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã lắng nghe phần trình bày đầy nước mắt của một nhân chứng là bà Rhonda Smith ở Tennessee. Theo bà Smith, chiếc xe Lexus của bà đã đột ngột tăng ga lên 100 dặm/h, và bà không thể làm gì để dừng nó lại mặc dù bà đã đạp cả hai chân vào phanh. Rất may, sau khi đi được 6 dặm, chiếc xe đã chạy chậm lại và bà xuống xe an toàn.
Bà Smith cho biết, phải mất nhiều thời gian, Toyota mới đáp ứng những lời kiến nghị của bà, tuy nhiên, lại là những giải pháp khá tùy tiện. “Thật đáng xấu hổ, Toyota, các người thật tham lam” – bà Smith nói khi ông Lentz ngồi cùng các quan chức Toyota khác tại hàng ghế đầu tiên của phòng Ủy ban Năng lượng và Thương mại Mỹ đợi đến lượt thanh minh. Tiếp đó, bà Smith quay sang chỉ trích những người giám sát an toàn giao thông liên bang vì đã “không làm đúng chức trách của mình”. Sau phần trình bày của bà Smith, các nghị sĩ đã gây sức ép với ông Lentz về những nỗ lực của công ty Toyota trong việc tìm và khắc phục lỗi chân ga – những hành động mà nhiều người cho rằng quá muộn và quá hạn chế.
Công khai xin lỗi
“Lắng nghe bà Smith, tôi cảm thấy xấu hổ vì những gì đã xảy ra” – Giám đốc bán hàng của Toyota tại Mỹ James Lentz phát biểu. Cùng với đó, ông Lentz đã liên tục xin lỗi về những khiếm khuyết an toàn dẫn đến việc thu hồi 8,5 triệu xe ôtô và xe tải của Toyota, đồng thời thừa nhận những thay đổi mà công ty đang thực hiện có thể không chấm dứt được vấn đề.
Tiếp sau sự xuất hiện của ông James Lentz, ngày 24-2, ông Akio Toyoda, Chủ tịch Tập đoàn Toyota, đã ra điều trần trước Ủy ban giám sát chính phủ của Hạ viện Mỹ. Theo báo giới, tại buổi điều trần, ông Toyoda có thể sẽ cho biết rằng, trong mấy năm gần đây Toyota phát triển quá nhanh và mải mê chạy theo doanh số nên ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn, đồng thời cam kết sẽ xây dựng một trung tâm chất lượng ở Mỹ và thuê một giám đốc đặc trách an toàn sản phẩm. Ông Toyoda cũng xin lỗi và nhận “trách nhiệm đầy đủ” về việc trì hoãn thu hồi các mẫu xe bị lỗi, đồng thời bày tỏ lời chia buồn đối với cái chết của 4 người cùng một gia đình ở San Diego (California) trong một tai nạn hồi tháng 8 năm ngoái trên chiếc xe của Toyota. “Tôi sẽ làm tất cả trong chức trách của mình nhằm đảm bảo rằng thảm kịch như vậy không bao giờ xảy ra nữa” – ông Toyoda cam kết.
Để thảm kịch không lặp lại
Toyota luôn khẳng định rằng những vấn đề mà Toyota đang gặp phải thuần túy thuộc về cơ khí nhưng nhiều nghị sĩ Mỹ nghi ngờ các thiết bị điện tử trên xe cũng có vấn đề. Tại buổi điều trần, ông Ray LaHood, Bộ trưởng Giao thông Mỹ, cho biết, Bộ này đang điều tra chất lượng thiết bị điện tử trên các mẫu xe của Toyota và sẽ sớm đưa ra câu trả lời. Theo ông LaHood, việc Toyota thu hồi xe là quan trọng nhưng “chúng tôi cho rằng điều đó không giải đáp được tất cả câu hỏi”.
Toyota đã thu hồi 8,5 triệu xe trên toàn thế giới trong đó hơn 6 triệu xe tại Mỹ kể từ mùa thu năm ngoái do lỗi ở vị trí chân ga tại nhiều mẫu xe và vấn đề phanh tại mẫu xe Prius. Kể từ năm 2000, Chính phủ Mỹ đã nhận được báo cáo về cái chết của 34 trường hợp liên quan đến việc tăng tốc đột ngột của nhiều mẫu xe Toyota.
Nguyễn Tuyên
(Theo AP)