Tổng thống Sri Lanka bị khủng hoảng bủa vây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Gotabaya Rajapaksa - Tổng thống Sri Lanka và gia đình đang đối mặt với làn sóng biểu tình bùng nổ chưa từng có khi để xảy ra khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ. Tương lai chính trị của nhà lãnh đạo cao nhất nước này đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Tuần vừa qua đã chứng kiến một sự thay đổi đáng kể về vận mệnh chính trị của tầng lớp lãnh đạo Sri Lanka. Toàn bộ nội các của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức và liên minh cầm quyền của ông mất đi đa số trong cơ quan lập pháp gồm 225 thành viên. Dù vậy, ông Gotabaya nói rằng mình không có ý định từ chức.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đang đối mặt với phong trào biểu tình phản đối chưa từng có

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đang đối mặt với phong trào biểu tình phản đối chưa từng có

Tổng thống Rajapaksa là ai?

Ông Gotabaya Rajapaksa (72 tuổi) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11-2019, đánh dấu sự trở lại nắm quyền của gia tộc Rajapaksa vốn có ảnh hưởng nhất về chính trị tại Sri Lanka. Chính trị gia này đã xây dựng được vị thế cá nhân sau thời gian giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ Tổng thống của người anh cả là ông Mahinda Rajapaksa.

Khi ông Mahinda được bổ nhiệm làm Thủ tướng sau cuộc bầu cử năm 2019 (là tộc trưởng của gia tộc và chính trị gia nổi tiếng nhất đất nước) thì Tổng thống Gotabaya được biết đến là một người cứng rắn, tính khí có phần bộc phát, không chịu được ý kiến chỉ trích. Sau khi di cư tới Mỹ những năm 1990, ông Gotabaya đã từ bỏ quyền công dân Mỹ để tranh cử Tổng thống Sri Lanka. Phong cách lãnh đạo của ông chủ yếu là ra lệnh chứ không phải xây dựng sự đồng thuận.

Thói quen này trước các quan chức chính phủ có thể nhìn thấy thường xuyên trên phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cao nhất của Sri Lanka đang hứng chịu búa rìu dư luận do khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Đó là tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, mất điện kéo dài, khan hiếm thuốc men và thiếu nhiên liệu cho các phương tiện giao thông. Kể từ tháng 1-2022, hàng chục nghìn người đã xếp hàng nhiều giờ đồng hồ giữa cái nắng nóng oi ả chỉ để mua nhiên liệu nấu ăn và sữa bột.

Nhiều người coi đây là cái giá phải trả của sự kiêu ngạo. Chính phủ đã phớt lờ cảnh báo của các nhà kinh tế độc lập về thiếu hụt ngoại tệ do nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch này bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đáng nói, chính phủ tiếp tục sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối khan hiếm để trả cho các trái chủ quốc tế thay vì mua hàng hóa thiết yếu cho quốc gia vốn phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngành nông nghiệp cũng không được coi trọng khi vào tháng 4-2021, Tổng thống bất ngờ cấm sử dụng phân bón hóa học mà ủng hộ phân bón hữu cơ. Nhiều người dân đã bị mất mùa, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực của quốc gia này.

Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Từ trước đến nay, các cuộc biểu tình ở Sri Lanka thường do các đảng phái chính trị đối lập, công đoàn và các tổ chức phi chính phủ lãnh đạo. Lần này thì khác, sự tức giận vì khó khăn kinh tế và nạn tham nhũng bùng lên khắp mọi nơi và không có dấu hiệu của các đảng phái chính trị. Giới trẻ được tiếp sức bằng điện thoại thông minh cùng mạng xã hội trong khi các cuộc biểu tình thể hiện tình đoàn kết dân tộc hiếm có.

Tổng thống Gotabaya đã nói với thành viên trong đảng của mình rằng, ông sẽ không từ chức. Nhưng chính phủ của ông đang gặp xáo trộn với 2 Bộ trưởng Tài chính đã liên tiếp từ chức chỉ trong 1 tuần. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Sri Lanka sẽ chuẩn bị như thế nào cho các cuộc đàm phán sắp tới ở Washington để tìm kiếm một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Theo một số nguồn tin ngân hàng, nguồn dự trữ của Sri Lanka đã giảm xuống còn 600 triệu USD, chỉ đủ cho hàng nhập khẩu trong hơn 1 tuần. Việc IMF chậm triển khai viện trợ sẽ đồng nghĩa với việc nước này tiếp tục thiếu vốn cho nhập khẩu nhiên liệu thiết yếu và mất điện nhiều hơn. Nền kinh tế dự kiến sẽ còn rơi vào tình thế suy thoái trầm trọng hơn do lạm phát lương thực gia tăng. Và điều này có khả năng khiến nhiều người đổ ra đường hơn.

Cuối cùng, số phận của Tổng thống Gotabaya có thể chờ tác động từ Ấn Độ và Trung Quốc - hai cường quốc châu Á đang tranh giành ảnh hưởng ở Sri Lanka. Chính phủ của ông đã thành công trong việc thu hút khoảng 2,5 tỷ USD trong gói cứu trợ hỗn hợp từ Ấn Độ kể từ tháng 1-2022, vì New Delhi nhận thấy cơ hội mở rộng quan hệ an ninh với nước láng giềng đang chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc. Nhưng với Bắc Kinh, Sri Lanka cũng đã đàm phán về hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD cũng như khoản vay 1 tỷ USD để ứng phó với tình hình hiện nay.