Tổng thống Peru giải tán Quốc hội, thanh trừ nạn tham nhũng

ANTD.VN - Tổng thống Martín Vizcarra đã giải tán Quốc hội do phe đối lập kiểm soát và kêu gọi cuộc bầu cử mới vào ngày 30-9 vừa qua. Lý do được đưa ra là nhằm thanh trừ mầm mống của nạn tham nhũng vốn hoành hành quốc gia này trong nhiều thập kỉ qua. 

Tổng thống Peru giải tán Quốc hội, thanh trừ nạn tham nhũng ảnh 1Tổng thống Martín Vizcarra quyết định giải tán Quốc hội hôm 30-9

Các nhà lập pháp phe đối lập lập tức đáp trả bằng việc bỏ phiếu đình chỉ chức vụ của ông và bổ nhiệm 1 trong 2 Phó Tổng thống là bà  Mercedes Aráoz lên thay thế. Trong khi quân đội và các Thống đốc dành sự ủng hộ cho đương kim Tổng thống thì một vài liên minh doanh nghiệp tư nhân tuyên bố sẽ hậu thuẫn cho bà Araóz. 

“Đảo chính kiểu mới” 

Vào thời điểm hiện tại, ông Vizcarra nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong quần chúng Peru dù những sự kiện gần đây vẫn có thể làm dấy lên nhiều bất ổn xã hội. Khả năng cao là ông Vizcarra sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ của mình, trong lúc phe đối lập cố gắng thách thức vị trí của ông thông qua một cuộc chiến pháp lý. Chủ tịch Quốc hội Pedro Olaechea đã tuyên bố, hành động của Tổng thống là “một dạng đảo chính kiểu mới”, đồng thời cho hay sẽ cùng các đồng nghiệp cân nhắc cách giải quyết dựa trên cơ sở pháp lý. 

Ông Vizcarra đã kêu gọi tổ chức sớm các cuộc bầu cử lập pháp vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, nếu Quốc hội Peru thắng thế tại mặt trận pháp lý, các nhà lập pháp sẽ còn tiếp tục giữ ghế cho đến năm 2021 và có khả năng tiến hành quá trình luận tội ông. Theo hiến pháp Peru, Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội nếu cơ quan này có 2 lần bỏ phiếu bất tín nhiệm chính quyền. Ông Vizcarra cho rằng, đã có lần bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên từ thời chính phủ của Tổng thống tiền nhiệm Pedro Pablo Kuczynski vì ông Vizcarra chỉ kế thừa chính phủ này sau khi ông Kuczynski từ chức vào đầu năm ngoái. 

Ông Vizcarra cũng tranh luận rằng, lần bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ hai đã diễn ra vào đầu tuần qua khi các nhà lập pháp tiến hành bỏ phiếu để bổ nhiệm thẩm phán của Tòa án Hiến pháp, bất chấp cảnh báo của Tổng thống rằng, ông sẽ hiểu hành động này là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Việc mâu thuẫn trong quá trình bổ nhiệm thẩm phán của Tòa án Hiến pháp xuất phát từ việc chậm trễ và thiếu minh bạch từ Quốc hội.

Tờ El Comercio viết, các ứng cử viên cho vị trí thẩm phán đang gặp rắc rối với pháp luật khi cả 6 người đều đang đối mặt với các cáo buộc cho những tội danh gồm: bắt cóc, tống tiền và xâm phạm tình dục. Được biết, ứng cử viên được bổ nhiệm bởi các nhà lập pháp trước khi Quốc hội giải thể có quan hệ thân thích với Chủ tịch Quốc hội Olaechea. Ông Vizcarra cho rằng, đây là sự phớt lờ từ Quốc hội trước những đề nghị cải tổ chính trị của mình.

Bê bối tham nhũng gây bất ổn chính trị

Ngay cả trước thời điểm khủng hoảng hiến pháp hiện tại, Peru đã rơi vào tình trạng bất ổn chính trị. Hầu hết các nguyên tổng thống còn sống của nước này đều dính líu tới vụ bê bối tham nhũng lớn Oderbrecht - một công ty xây dựng lớn của Brazil. Công ty này đã thú nhận việc hối lộ các chính trị gia trong khu vực Mỹ La tinh để được nhận các hợp đồng dự án công cộng lớn. Đã có hàng loạt quan tòa cấp thấp, doanh nhân và chính trị gia bị phát hiện, qua theo dõi nghe lén từ phía cảnh sát, có quan hệ trực tiếp tới các thỏa thuận ngầm, gây mất lòng tin của người dân Peru với các thể chế dân chủ và các nhà lãnh đạo. 

Một trong những cá nhân nổi bật nhất dính líu đến đường dây hối lộ này là bà Keiko Fujimori, hiện đang bị tạm giam 11 tháng. Bản thân Tổng thống tiền nhiệm là ông Kuczynski cũng buộc phải từ chức vào tháng 3 - 2018 vì những cáo buộc tham nhũng, rửa tiền liên quan đến vụ án Oderbrecht. Tòa án Hiến pháp Peru hiện đang xem xét kiến nghị trả tự do cho bà Keiko Fujimori, lãnh đạo của phe đối lập tại Quốc hội. Bà là con gái của cựu Tổng thống độc tài Alberto Fujimori, người đã từng bị phế truất vào cuối năm 2000 vì các tội danh tham nhũng, biển thủ công quỹ và vi phạm nhân quyền trong thời gian 10 năm đương nhiệm.