- Cơ hội mới cho y tế Cuba trong đại dịch Covid-19
- Vì sao bộ ba nhà lãnh đạo Mỹ Latinh thờ ơ với dịch Covid-19?
Đã gần một tháng kể từ khi vị Tổng thống 74 tuổi xuất hiện lần cuối trước công chúng. Tình thế khó hiểu này khiến một đối thủ chính trị trong tuần qua đã ra thời hạn cho ông Ortega phải ra mặt. “Người Nicaragua cần biết sự thật. Tại sao ông ấy lại vắng mặt?” - nhà hoạt động xã hội Álvaro Leiva Sánchez viết trên mạng Twitter.
Người dân Nicaragua cả tháng nay chỉ thấy “hình bóng” của Tổng thống chứ không phải người thực
Biệt danh “nhà lãnh đạo vắng mặt”
Tổng thống Nicaragua lần cuối được nhìn thấy vào ngày 12-3 khi tham gia hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo Trung Mỹ để thảo luận về dịch Covid-19, thực tế thì ông đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 21-2.
Sau khi hoàn thành nhiệm kỳ đầu năm 1984, ông Daniel Ortega trở lại ghế Tổng thống Nicaragua năm 2007. Sau khi sửa đổi Hiến pháp để cho phép tái cử, nhiệm kỳ hiện tại của ông sẽ kết thúc vào năm 2022. Trước đây, ông Ortega cũng vài lần “mất tích” như vậy vào những năm 1998 và 2014, khiến dư luận thậm chí đồn đoán rằng có thể ông đã qua đời. Nhưng cách hành xử của nhà lãnh đạo lần này đã khiến dư luận tức giận và hoang mang khi quốc gia lớn nhất Trung Mỹ đang đối mặt với đại dịch vốn đã cướp đi hơn 80.000 sinh mạng trên toàn thế giới.
Félix Maradiaga - một nhà hoạt động đối lập nổi tiếng cho biết, có thể ông Ortega đang phải chịu một vấn đề sức khỏe thực sự. Từ lâu đã có nhiều tin đồn liên quan đến sức khỏe của Tổng thống, thậm chí ông còn được đặt biệt danh là Cam el gobernante ausente (lãnh đạo vắng mặt) trên báo chí Nicaragua. Chính phủ Nicaragua không đưa ra bình luận chính thức nào về tình trạng của ông Ortega, nhưng trong các chương trình phát sóng hàng ngày, Phó Tổng thống, Đệ nhất phu nhân Rosario Murillo khẳng định rằng ông vẫn đang lãnh đạo đất nước và gửi những cái ôm trìu mến tới người dân.
Chiến dịch chống Covid-19 gây tranh cãi
Khi Tổng thống không xuất hiện, các phản ứng chống dịch Covid-19 lần này đều do bà Rosario Murillo công bố. Nhưng cách thức chống dịch của Nicaragua đã gây tranh cãi lớn. Chính phủ đã từ chối đóng cửa các trường học, cửa hàng hoặc biên giới, và còn tài trợ cho các cuộc tuần hành chính trị quy mô lớn, bao gồm một cuộc tuần hành gần đây có tên là “Tình yêu thời Covid-19”.
Trong khi phần lớn các nước Mỹ Latinh đang ở trong tình trạng ngừng hoạt động một phần hoặc toàn bộ quốc gia, các trang web tuyên truyền của Chính phủ Nicaragua vẫn tiếp tục quảng bá về các lễ hội ẩm thực, các cuộc thi sắc đẹp và thậm chí là sử dụng bể bơi ngoài trời. Bộ Y tế nước này khẳng định chưa có hiện tượng lây truyền trong cộng đồng, họ mới chỉ ghi nhận một vài trường hợp nhiễm virus và 1 ca tử vong.
Ông Carlos Quant Durán - một trong những chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Nicaragua cho biết, chính quyền của ông Ortega đã thất bại trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trước khi Covid-19 xâm nhập vào nước này và hiện không thể ngăn chặn sự lây lan của nó. So sánh 2 cách chống dịch ở Brazil và Nicaragua, phóng viên Sylvia Colombo của Brazil trong tuần này đã viết: “Ông Jair Bolsonaro đang đặt dân chúng nước này vào rủi ro nguy hiểm. Nhưng có nơi còn tồi tệ hơn. Cứ như thể chính quyền đương nhiệm của Nicaragua thực sự muốn tống khứ một bộ phận dân chúng vậy”.
Nhà hoạt động xã hội Félix Maradiaga nhận định: “Thực ra việc Tổng thống có hiện diện hay không cũng không còn quan trọng nữa. Hiện giờ ông ấy đã ở trong tình trạng cách ly vĩnh viễn nhiều năm, không quan tâm đến bất cứ điều gì trừ bản thân và những người xung quanh ông ấy”.