Tổng tài sản của Vietjet Air vào cuối năm 2022 đạt hơn 67.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quý 4-2022, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 7.352 tỷ đồng (Công ty mẹ), tăng 175% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận đạt 902 tỷ đồng.

Thông tin từ Vietjet cho hay, trong năm 2022, Vietjet vận chuyển 20,5 triệu lượt khách trên 116.000 chuyến bay, vận tải hành khách nội địa tăng trưởng 20% so với 2019 dẫn dắt sự phục hồi. Số lượt khách nội địa trong quý 4-2022 tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn giai đoạn trước dịch Covid-19, trong đó hành khách nội địa tăng 24%.

Cũng trong năm này, Vietjet đã phát triển đội tàu bay thân rộng với 3 tàu Airbus A330. Vietjet đã mở hơn 20 đường bay mới trong năm 2022, trong đó tập trung chủ yếu vào thị trường Ấn Độ, kết nối các trung tâm kinh tế - du lịch gồm New Delhi, Mumbai, Hà Nội và Hồ Chí Minh. Tính đến ngày 31/12/2022, Vietjet khai thác tổng cộng 103 đường bay.

Năm 2022 Vietjet Air đã đầu tư 3 tàu bay thân rộng A330

Năm 2022 Vietjet Air đã đầu tư 3 tàu bay thân rộng A330

Kết quả năm 2022 cho thấy ngành hàng không phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19. Theo đó, quý 4-2022, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 7.352 tỷ đồng (Công ty mẹ), tăng 175% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận đạt 902 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu Công ty mẹ đạt 32.506 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ đạt 215 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vietjet đã ghi nhận nộp ngân sách thuế, phí và lệ phí trực tiếp và gián tiếp trong năm là 4.349 tỷ đồng.

Trong năm 2022, tăng cường nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, Vietjet tiếp tục ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 39.342 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất âm 2.171 tỷ đồng do Vietjet đã chuyển lợi nhuận trên 3.559 tỷ đồng về Công ty mẹ để tăng cường đầu tư tài sản mua mới 1 tàu bay A321 NEO từ Airbus và 2 tàu bay A321 từ các đối tác cho thuê tàu bay (Lessor) và 3 động cơ.

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản Vietjet đạt hơn 67.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2021 đến từ việc tài sản dài hạn ghi nhận tăng trên 200 triệu USD, với chỉ số nợ vay dài hạn/vốn chủ sở hữu 0,7 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần, nằm ở mức tốt trong ngành hàng không.

Tại thời điểm 31/12/2022, số dư tiền và các khoản tương đương tiền duy trì ở mức 1.800 tỷ đồng, đáp ứng tốt nhu cầu thanh khoản cho hoạt động kinh doanh.

Trong năm 2023, Vietjet tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao về doanh thu nhờ vào việc mở cửa của thị trường Trung Quốc và đẩy mạnh khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc …

Năm 2023 kỳ vọng sẽ là một năm vận chuyển hàng không quốc tế tăng trưởng mạnh, cơ hội cho các hãng hàng không đảm bảo được năng lực tài chính và vận hành như Vietjet.