Tổng rà soát để đưa các doanh nghiệp “ma”, trốn thuế ra ánh sáng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình trạng mua, bán hóa đơn, trốn thuế hiện vẫn diễn ra nhức nhối. Cơ quan Thuế đang thực hiện đợt rà soát lớn bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và nhiều khả năng tới đây những doanh nghiệp gian lận thuế sẽ “lộ sáng”.

Muôn kiểu thủ đoạn gian lận hóa đơn

Vừa qua, cơ quan công an liên tục triệt phá nhiều đường dây mua bán hóa đơn khống với quy mô lớn. Đơn cử như hồi tháng 6-2023, Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can trong đường dây điều hành hơn 20 doanh nghiệp “ma” xuất hơn 5.500 hóa đơn với tổng giá trị lên tới 2.200 tỷ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng này là mua lại công ty từ các chủ doanh nghiệp đang muốn giải thể để đăng ký hồ sơ nhằm phát hành hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống bán cho các doanh nghiệp khác hợp thức hóa chi phí đầu vào, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Với hóa đơn điện tử, việc gian lận (nếu có) sẽ lưu vết tại cơ quan thuế

Với hóa đơn điện tử, việc gian lận (nếu có) sẽ lưu vết tại cơ quan thuế

Đầu tháng 5-2023, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM cũng đã phát hiện đường dây mua bán hóa đơn quy mô lớn.

Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng thông tin trên Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân mua ở các hiệu cầm đồ để thành lập gần 60 công ty “ma” tại TP.HCM và Đồng Nai. Sau đó, các nhóm này tìm khách hàng trên mạng, liên hệ để chào bán hóa đơn GTGT ghi khống nội dung với mức giá thỏa thuận là 1,5% - 2% trị giá hóa đơn (chưa thuế). Kết quả điều tra cho thấy, các đối tượng đã xuất khống hơn 20.000 tờ hóa đơn GTGT cho gần 4.000 công ty khác nhau trên 35 tỉnh, thành, trị giá ghi trên hóa đơn khoảng 4.000 tỷ đồng.

Tại Thanh Hóa, 5 đối tượng cũng đã bị bắt giữ do lập công ty “ma”, xuất khống hóa đơn với doanh số khoảng 30 tỷ đồng. Đây là các đối tượng làm kế toán thuế thuê cho các doanh nghiệp, nhưng sau đó thành lập thêm những công ty “ma” không hoạt động kinh doanh để liên hệ với các công ty có hoạt động kinh doanh, sau đó tự điều chỉnh, xuất bán hóa đơn qua lại giữa nhiều công ty, cân đối rồi tự xuất hóa đơn cho những đơn vị mua có nhu cầu.

Có thể thấy, dù việc sử dụng hóa đơn điện tử được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng gian lận hóa đơn, song trên thực tế thời gian qua, loại hình tội phạm này vẫn hoạt động nhức nhối. Tổng cục Thuế cho biết, nhiều vụ án đã và đang được cơ quan công an điều tra, khởi tố như tại Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình…

Qua đó cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi, phạm vi thực hiện trên cả nước, thời gian diễn ra từ khi thành lập đến khi bỏ địa điểm kinh doanh hoặc bị cơ quan chức năng phát hiện chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Các hành vi điển hình là: Xuất hóa đơn khống, mua bán hóa đơn. Trong đó có trường hợp làm hóa đơn giả để trục lợi; lập hóa đơn sai quy định để hợp thức hóa, giảm chi phí đầu vào để giảm thuế phải nộp, kê khai không đúng, không đủ; không xuất hóa đơn cho hàng hóa xuất khẩu; hóa đơn chiết khấu thương mại lại lập thành hóa đơn điều chỉnh...

Mới đây, qua một vụ việc được Công an tỉnh Phú Thọ điều tra, khởi tố, đã phát hiện 524 doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn điện tử. Tổng cục Thuế ngay sau đó đã có công văn yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát hóa đơn xuất bán ra của 524 doanh nghiệp này; đồng thời rà soát, kiểm tra doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của các đơn vị này. Tổng cục Thuế yêu cầu nếu phát hiện doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn của 1 doanh nghiệp nằm trong số 524 doanh nghiệp nói trên thì yêu cầu phải giải trình, làm rõ.

Liên quan đến công tác quản lý thuế, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã có chỉ đạo Bộ Tài chính theo thẩm quyền quản lý, giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn chặt chẽ, đúng quy định, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước.

Không chỉ các vụ việc bị phát hiện, khởi tố, hay các đối tượng hoạt động lén lút, mà hiện nay việc mua bán hóa đơn khống còn được rao công khai trên các trang mạng xã hội, các hội nhóm kế toán, thuế. Nhiều đối tượng đăng tin quảng cáo khi mua hóa đơn còn hỗ trợ đầy đủ các giấy tờ khác có liên quan như hợp đồng, phiếu thu, phiếu xuất kho…

Chi phí mua hóa đơn khống phụ thuộc vào tổng giá trị ghi trong hóa đơn và mức giá cũng khá rẻ. Chẳng hạn, giá mua hóa đơn dưới 5 triệu chỉ mất khoảng 60.000 - 150.000 đồng/tờ. Với giá trị cao hơn, chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm.

Tỷ lệ này ngoài phụ thuộc vào giá trị hóa đơn còn phụ thuộc vào thời gian hoạt động của doanh nghiệp xuất hóa đơn (doanh nghiệp lâu năm chi phí sẽ cao hơn các doanh nghiệp mới thành lập).

Các con dấu doanh nghiệp được cơ quan công an thu giữ trong một vụ mua - bán hóa đơn trái phép

Các con dấu doanh nghiệp được cơ quan công an thu giữ trong một vụ mua - bán hóa đơn trái phép

Sử dụng trí tuệ nhân tạo để “quét” doanh nghiệp “ma”

Theo cơ quan công an, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất khống hóa đơn tràn lan, gian lận thuế là do quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai thuế, quản lý sử dụng hóa đơn, công tác quản lý thuế, kiểm tra doanh nghiệp, giao dịch tại ngân hàng... còn chưa chặt chẽ, nhiều bất cập dẫn đến bị các đối tượng lợi dụng.

Dù tình trạng gian lận hóa đơn vẫn xảy ra đối với hóa đơn điện tử, song lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, khác với hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử sẽ lưu vết tại cơ quan thuế.

Hiện nay, cơ quan thuế đang đẩy mạnh triển khai toàn diện, nâng cấp tối đa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết hoàn thuế; triển khai AI để phân tích Big Data trong chuỗi mua bán của các doanh nghiệp, từ đó phát hiện các dấu hiệu gian lận trong việc kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp trung gian trong chuỗi mua bán; phát hiện các dấu hiệu bất thường về giá trị hàng hóa giao dịch mua bán; phát hiện chuỗi mua bán lòng vòng của các doanh nghiệp…

“Cơ quan thuế đã và đang tăng cường thực hiện rà soát định kỳ, tần suất lớn trên cơ sở hệ thống Big Data để nhận diện dấu hiệu vi phạm, ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; gian lận trong hoàn thuế, trốn thuế. Cơ quan thuế sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm theo đúng thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, chuyển giao, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tiêu cực và phối hợp với cơ quan công an xử lý theo đúng quy định pháp luật” - bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết.

Đáng chú ý, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế mới đây cũng đã ban hành Quy trình kiểm tra thuế. Quy trình này nhằm mục đích tăng cường công tác kiểm tra thuế trên cơ sở áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra thuế nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm về thuế, chống thất thu thuế.

Theo Tổng cục Thuế, với việc ban hành và triển khai đồng bộ cơ chế quản lý rủi ro, đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn, hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử đã hỗ trợ khả năng tự động chấm điểm và đưa ra danh sách người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn để thực hiện công tác quản lý thuế.