Tổng cục Thuế: Sẽ đề xuất sửa đổi quy định chi phí lãi vay nếu cần thiết

ANTD.VN - Trước ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp về Nghị định 20/NĐ-CP quy định trần lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần của kỳ nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết đang rà soát, đề xuất sửa đổi nếu cần thiết.

Tổng cục Thuế cho biết, đang rà soát, đánh giá kỹ các khoản chi phí lãi vay của các doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh của Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) để xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của chính sách.

Theo cơ quan quản lý, qua rà soát cho thấy, chỉ có hơn 4.000 doanh nghiệp trên tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động thuộc diện phải kê khai theo Nghị định 20. Trong số này, có khoảng 10% số doanh nghiệp kê khai không có lãi (đang lỗ).

Cũng theo Tổng cục Thuế, có hơn 37.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là các công ty con của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, tuy nhiên, hiện nay chưa nhận được một văn bản kiến nghị nào về vấn đề của Nghị định 20.

 

Tổng cục thuế cho biết không có doanh nghiệp FDI nào kiến nghị về Nghị định 20

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến sơ kết 6 tháng ngành tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý ngành tài chính về công tác xây dựng thể chế, ban hành văn bản vẫn còn chậm, có văn bản không rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, chưa kịp thời trình Thủ tướng, Chính phủ bãi bỏ hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi bổ sung các văn bản đang có vướng mắc.

Trong đó, Phó Thủ tướng dẫn ví dụ về vấn đề khống chế chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết quy định tại Nghị định 20. Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng đã nhắc nhở 3 lần vấn để này. Nếu chờ sửa đổi bổ sung theo Luật Quản lý thuế thì chậm, nên chăng vướng đâu gỡ đó vì các doanh nghiệp kêu rất nhiều.

Nghị định 20 ra đời nhằm thay thế quy định trước đó về giá giao dịch liên kết, trong đó, khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 quy định: Tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao).

Trước vấn đề này, nhiều doanh nghiệp trong nước lo ngại Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ, công ty con – là những doanh nghiệp thường đầu tư vào những ngành trọng điểm, cần số vốn lớn.

Trong khi thực tế chuyển giá hiện nay chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp nước ngoài, do lợi dụng được chênh lệch thuế giữa các quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước thì có chung một mặt bằng thuế, nên nguy cơ chuyển giá là khá thấp.