Tổng cục Thống kê khuyến nghị giải pháp tránh làm tăng giá gạo trong nước

ANTD.VN -  Tổng cục Thống kê dự báo xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt 7,5 triệu tấn, nhưng với thị trường gạo trong nước, cần lựa chọn thời điểm mua vào để tránh bị đẩy giá lên cao.
Cần tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo nhưng có giải pháp tránh tăng giá gạo trong nước

Cần tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo nhưng có giải pháp tránh tăng giá gạo trong nước

Theo cơ quan thống kê, thời điểm này, Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để xuất khẩu gạo, tăng được cả sản lượng lẫn giá xuất khẩu.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính chung trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 5,8 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, là mặt hàng ghi nhận tăng trưởng đứng thứ hai về sản lượng trong 8 tháng đầu năm.

Giá trung bình xuất khẩu gạo của nước ta trong 8 tháng qua tăng tăng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 544 USD/tấn.

Sản xuất lúa 9 tháng đầu năm 2023 đạt khá do điều kiện thời tiết thuận lợi, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa; nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác ở các địa phương. Sản lượng lúa 9 tháng ước đạt 32,1 triệu tấn (chiếm khoảng 74,7% tổng sản lượng cả năm), tăng 1,3% so cùng kỳ năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường xuất khẩu gạo năm 2023.

Tổng cục thống kê dự báo, cả năm 2023, sản lượng lúa đạt được từ 43 đến 43,4 triệu tấn, tăng khoảng 650 -700 nghìn tấn so 2022 (vượt 170 nghìn tấn so với kế hoạch của ngành nông nghiệp nông thôn năm 2023).

Bên cạnh đó, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Tổng sản lượng thóc sau khi đã trừ đi sản lượng làm giống cho năm sau , cho chăn nuôi trực tiếp, hao hụt… đạt khoảng 24,7 triệu tấn gạo. Trong số đó, sản lượng dành cho tiêu dùng trong nước (gạo, sản phẩm chế biến từ gạo) là khoảng 5,4 triệu tấn; dùng để ăn gần 8,3 triệu tấn (khoảng100 triệu người x 6,9 kg gạo/người/tháng), một phần bị hao hụt và dành cho chăn nuôi, như vậy sẽ còn khoảng 10,1 triệu tấn gạo ( tương ứng khoảng 15,5 triệu tấn thóc) dành cho xuất khẩu và dự trữ.

Do đó, có khả năng sẽ đạt được 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2023 mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước (năm 2022 sản lượng lúa đạt 42,7 triệu tấn; xuất khẩu đạt 7,1 triệu tấn gạo).

Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực, ổn định giá cả thị trường, đại diện cơ quan thống kê lưu ý, gạo là mặt hàng lương thực tiêu dùng phổ biến, cũng giống như thịt lợn nên cần thận trọng trong việc thu mua theo thời điểm, tránh làm tăng giá.

Bên cạnh đó, sản lượng gạo dùng cho xuất khẩu chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nên cũng cần có kế hoạch phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết thúc phiên giao dịch ngày 28-9, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 5 USD/tấn đối với cả 2 chủng loại 5% và 25% tấm.

Sau khi điều chỉnh, gạo 5% tấm hiện có giá 618-622 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 603-607 USD/tấn. Giá gạo nội địa không có biến động so với phiên trước đó.