Tội ác man rợ khi IS hành quyết nhà báo Kenji Goto

ANTĐ - Hôm qua 1-2, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ việc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết nhà báo Nhật Bản Kenji Goto. 

Tội ác man rợ khi IS hành quyết nhà báo Kenji Goto ảnh 1Ông Kenjo Goto được biết đến là một phóng viên dũng cảm

Tối 31-1, IS đã cho đăng tải lên mạng đoạn video dài khoảng 1 phút có phụ đề tiếng Anh và tiếng Arập cho thấy hình ảnh một người giống nhà báo Kenji Goto, mặc bộ màu da cam quỳ tại một khu vực hoang vắng. Tên phiến quân IS bịt mặt, mặc đồ đen, tay cầm con dao đứng đằng sau ông Kenji Goto cáo buộc cái chết của con tin Goto là do Chính phủ Nhật Bản đã thiếu cân nhắc khi quyết định tham gia cuộc chiến chống IS, đồng thời đe dọa sẽ tàn sát bất cứ người Nhật nào chúng bắt được. 

Phản ứng trước việc con tin thứ hai bị hành quyết, trong cuộc họp báo sáng 1-2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vô cùng phẫn nộ. “Tôi vô cùng giận dữ trước hành vi khủng bố tàn bạo và đáng ghê tởm này. Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bọn khủng bố. Chúng tôi sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để bắt chúng phải trả giá cho tội ác này”, ông Abe nhấn mạnh. Thủ tướng Abe cũng nói rằng Chính phủ Nhật đã nỗ lực hết sức để cứu nhà báo Kenji Goto. Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, nước này đang tích cực phân tích đoạn băng mà IS công bố, tuy nhiên, nhiều khả năng người trong đoạn băng chính là nhà báo Kenji Goto. 

Trong khi đó, lãnh đạo các nước trên thế giới cùng cộng đồng quốc tế đều lên án vụ hành quyết man rợ này của IS. Thủ tướng Anh David Cameron mô tả “vụ giết người đáng ghê tởm” và đây là bằng chứng cho thấy “IS là đại diện của cái ác và không hề quan tâm đến sinh mạng con người”. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên án vụ hành quyết nhà báo Goto và hoan nghênh quyết tâm của Nhật trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở Trung Đông và trên thế giới. 

Tại ngôi nhà ở ngoại ô Tokyo, bà Junko Ishido, người mẹ già 78 tuổi của nhà báo Goto, suy sụp nói: “Kenji đã chết rồi. Tôi không biết phải đối mặt với nỗi đau này thế nào”. Nhà sản xuất phim Taku Nishimae, người tổ chức chiến dịch “Tôi là Kenji” trên mạng xã hội, một người bạn lâu năm của nhà báo Goto, mô tả chưa bao giờ trong đời ông cảm thấy buồn như thế. “Anh ấy là một người rộng lượng và giàu tình cảm”, ông Nishimae kể về nhà báo Goto. 

Ông Kenji Goto làm việc cho nhiều đài truyền hình lớn ở Nhật, ông từng tác nghiệp tại Syria, Afghanistan, Somalia, Iraq và nhiều điểm nóng ở khắp châu Phi và châu Á. “Ông Goto viết về những cuộc chiến bằng một sự khác biệt. Thay vì tập trung vào sự đối địch, nhà báo Goto thường kể lại câu chuyện của những thường dân, nhất là trẻ em, phải sống trong xung đột và sự sợ hãi vì chiến tranh”, Henry Tricks, phóng viên của tờ The Economist cho biết.

“Nếu phi công chết, chúng tôi xử tử tất cả phạm nhân IS”

Đó là thông điệp của Chính phủ Jordan đối với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – nhóm phiến quân đang nắm giữ tính mạng của phi công người Jordan Muath al-Kasaesbeh, sau khi thời hạn trao đổi con tin IS vào cuối ngày 29-1 trôi qua. Theo đó, nếu phi công của nước này bị giết, nữ khủng bố Sajida al-Rishawi mà IS muốn Jordan trao đổi sẽ bị treo cổ và những phạm nhân IS cũng không thể sống. Jordan đang yêu cầu IS chứng minh phi công al-Kasaesbeh còn sống, trước khi thả Sajida  al-Rishawi, kẻ tham gia đánh bom khiến 63 người chết năm 2005 tại một khách sạn ở Amman (Jordan).