Toàn cảnh thị trường vận tải công nghệ sau thương vụ Grad mua Uber Đông Nam Á

ANTD.VN - Uber Đông Nam Á đã chính thức “về một nhà” với Grab sau thương vụ sáp nhập khá ồn ào vào tháng 3 vừa qua. Và từ ngày 8-4, Uber sẽ hoàn toàn biến mất khỏi Đông Nam Á. Người tiêu dùng không khỏi lo lắng về một tương lai gần, thiếu tính cạnh tranh đồng nghĩa giá cước di chuyển sẽ đẩy lên cao, vì Grab đã gần như “một mình một chợ”.

Bản chất của việc Grab mua Uber là một thương vụ trao đổi 

Khách hàng lo ngại, lái xe chông chênh

Kể từ khi Grab thông báo đã mua đứt Uber ở thị trường Đông Nam Á thì người tiêu dùng, nhất là những hành khách đã quen thuộc với việc sử dụng Uber và Grab không khỏi nghi ngại. Grab sẽ độc quyền? Kéo theo đó là giá di chuyển sẽ tăng? Không còn những cuộc di chuyển giá rẻ, hay khuyến mãi?... Và nỗi lo của hành khách không phải là không có cơ sở. Song, thiệt thòi nhất vẫn là những hành khách đã “trung thành” với Uber kể từ khi ứng dụng đặt xe này có mặt ở thị trường Việt Nam vào năm 2014.

Chị Nguyễn Thu Trang (ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) băn khoăn: “Tôi sử dụng ứng dụng gọi xe Uber từ khi Uber mới có mặt ở Việt Nam đến nay. Hiện đã là hành khách được đánh giá 5 sao. Vậy khi Uber biến mất khỏi Việt Nam, tôi có còn được bảo lưu khi chuyển sang ứng dụng gọi xe Grab? Và, thông tin của tôi ở Uber như tài khoản ngân hàng, thẻ ghi nợ... có bị chuyển sang Grab khi tôi không muốn?”. 

Còn các lái xe thắc mắc, chưa biết họ sẽ chuyển qua ứng dụng Grab như thế nào, có được đảm bảo các quyền lợi, nghĩa vụ như Uber… Lái xe Đặng Xuân Trung (ở Tư Đình, Long Biên, Hà Nội) lo lắng: “Tôi tham gia Uber được hơn 1 năm nay và chúng tôi cũng vừa mới biết Uber sẽ ngừng hoạt động từ ngày 8-4 tới đây, đồng thời sáp nhập vào Grab. Vậy  tôi có được bảo lưu quyền lợi đang có ở Uber?”.

Grab trấn an

Về những thắc mắc trên, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi hiểu rằng đang có khá nhiều suy đoán và băn khoăn xung quanh việc này. Khách hàng đang thắc mắc về ảnh hưởng của việc sáp nhập này đối với họ. Đối với các lái xe, đặc biệt là những người chỉ đang hoạt động trên nền tảng ứng dụng Uber, có thể đang lo lắng về sinh kế của mình”.

Theo đó, đại diện Grab cho biết, nền tảng công nghệ mở của Grab sẽ đảm bảo việc chuyển giao được suôn sẻ, trong đó, các đối tác lái xe và người sử dụng của Uber có thể dễ dàng được tích hợp vào nền tảng ứng dụng của Grab. “Chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị để chào đón các đối tác lái xe của Uber ngay sau khi họ đồng ý tham gia, để đảm bảo rằng mọi hoạt động đều diễn ra bình thường cho cả lái xe lẫn khách hàng. Chúng tôi luôn mong muốn được góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sẽ làm việc chặt chẽ với các hợp tác xã và đối tác vận tải nhằm đảm bảo rằng họ sẽ vẫn nhận được những lợi ích và chương trình thưởng như các đối tác hiện tại của chúng tôi đang được hưởng”, ông Jerry Lim thông tin.

Theo Grab Việt Nam, từ ngày 8-4, tất cả các lái xe đang tham gia vào mạng lưới Uber sẽ được chuyển vào nền tảng Grab. Lái xe chỉ việc tải ứng dụng Grab về điện thoại, cài đặt và tham gia vào mạng lưới vận chuyển như bình thường. Tuy nhiên, thông tin tài khoản Uber của lái xe chỉ được chuyển sang Grab khi có sự đồng ý của lái xe. Song điều này sẽ là một thiệt thòi cho các hành khách đang là khách hàng “ruột” của Uber bởi khi việc sáp nhập hoàn tất, tài khoản Uber của hành khách sẽ không được bảo lưu ở Đông Nam Á.

Hành khách chỉ có thể xem lại lịch sử chuyến đi hay hạng mức sao trong ứng dụng Uber, còn thông tin của hành khách không được chia sẻ với Grab. Nếu hành khách là khách hàng mới của Grab, phải đăng ký tài khoản để sử dụng ứng dụng từ đầu. Dịch vụ Uber for Business dành cho nhân viên các công ty địa phương và nước ngoài sẽ không được hỗ trợ cho các chuyến đi được thực hiện tại Đông Nam Á kể từ sau ngày hợp nhất.

Tuyển chọn lại lái xe của Uber 

Trước lo ngại của hành khách về việc bành trướng sau đó là tăng giá cước của loại hình taxi công nghệ này, Grab Việt Nam cho rằng, đối với các dịch vụ như GrabCar và GrabBike, giá tiền vẫn dựa theo hành trình di chuyển mà khách hàng nhập, cộng với phụ phí giá linh hoạt dựa trên nhu cầu đi lại và lượng xe hiện có trong khu vực vào thời điểm khách đặt xe, cũng như thời gian ước tính cho cả hành trình. Điều này đảm bảo lợi ích cho cả đối tác lái xe và khách hàng, bởi nó giúp cân bằng giữa nhu cầu đặt xe và số lượng xe. Đối với khách hàng di chuyển bằng taxi, giá tiền được tính theo đồng hồ trên xe, dựa trên biểu giá của hãng taxi.

Đáng nói, thông tin từ phía Grab sẽ khiến các lái xe Uber khi muốn chuyển sang Grab cũng phải cân nhắc. Grab hoan nghênh các lái xe của Uber gia nhập “gia đình Grab” song những ưu đãi cũng như chính sách mà phía Uber đang duy trì sẽ không được tiếp tục thực hiện khi lái xe tham gia Grab. Lái xe muốn tham gia Grab sẽ phải tải ứng dụng Grab, tham gia như một lái xe mới.

Đặc biệt lưu ý, những lái xe đã bị Grab block (khóa) tài khoản do vi phạm trước đây sẽ không được Grab nhận về. “Grab sẽ tuyển chọn lại các lái xe từ Uber muốn chuyển qua Grab. Bởi quy trình lựa chọn của Grab khắt khe hơn, đòi hỏi phải có sơ yếu lý lịch được xác nhận, lái xe phải qua đào tạo, thi tuyển. Việc tuyển lái xe Uber vào Grab sẽ không có tính kế thừa”, đại diện Grab thông tin.

Bộ Giao thông - Vận tải khó can thiệp

Từ 0h hôm nay, 8-4, ứng dụng Uber sẽ bị vô hiệu hóa tại thị trường Việt Nam. Tài khoản của hành khách đã lập trước đây sẽ không thể sử dụng để gọi xe như trước kia. Đáng nói, đến phút chót, hàng nghìn lái xe của Uber vẫn chưa biết số phận mình ra sao, bán xe trả nợ hay tham gia vào gia đình mới...?

Về những băn khoăn của lái xe cũng như người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông bày tỏ, bản thân ông cũng có phần e ngại về việc Grab sẽ độc quyền. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Bộ Công Thương cũng đã vào cuộc, yêu cầu Grab báo cáo về việc sáp nhập. “Việc sáp nhập Uber Đông Nam Á với Grab là hoạt động của doanh nghiệp và chiếu theo Luật Doanh nghiệp trong quy định của Việt Nam và thế giới đều có thể thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhìn nhận. 

Hơn nữa, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) sẽ có trách nhiệm trong việc Grab có vi phạm cạnh tranh và độc quyền hay không? Và không chỉ có Grab, liên quan đến công nghệ hỗ trợ kết nối vận tải sau 2 năm thí điểm đã có đến 10 đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ và các hãng taxi truyền thống cũng đang triển khai kết nối thuận lợi vận tải. “Tính cạnh tranh của 2 đơn vị Uber và Grab không còn nhưng vẫn còn các đơn vị cung cấp khác và thực hiện theo Luật Cạnh tranh”, ông Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Bổ sung thêm, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho rằng, về mặt quản lý Nhà nước đối với Uber và Grab, hiện các Bộ, ngành đều thực hiện đầy đủ các quy định liên quan, giải quyết cạnh tranh hay độc quyền được thực hiện theo Luật Cạnh tranh của Bộ Công Thương.

“Vừa qua, Bộ Tài chính yêu cầu Grab cung cấp toàn bộ hồ sơ chuyển nhượng Uber. Các cơ quan chức năng đã có đầy đủ các yêu cầu để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, đối tác Uber và Grab”, ông Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh. Còn về việc hàng nghìn lái xe Uber sẽ đi đâu về đâu sau khi Uber sáp nhập vào Grab, ông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, bản thân mỗi lao động phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Lái xe Uber ký kết hợp đồng với các HTX vận tải ra sao, ký kết với Uber như thế nào là một thỏa thuận dân sự, Bộ GTVT không thể can thiệp vào việc này.

“Bộ GTVT sẵn sàng tiếp xúc và giao Vụ Vận tải giải đáp các thắc mắc của lái xe. Nhưng thực tế, cũng nên nhìn nhận rằng, khi anh thực hiện đầu tư xe để kinh doanh, anh chưa xem xét chặt chẽ vấn đề pháp lý, hợp đồng dân sự để đảm bảo pháp lý của mình, nên không tránh khỏi rủi ro. Nhà nước không thể làm thay cho anh việc đó”, ông  Nguyễn Ngọc Đông bày tỏ.

Bản chất một vụ trao đổi hơn là mua bán

Vẫn còn nhiều đồn đoán và lo ngại xung quanh thương vụ sáp nhập giữa Uber Đông Nam Á vào Grab, nhưng theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế thì bản chất của thương vụ này như một cuộc trao đổi hơn là mua bán. Uber có hơn 27% cổ phần ở Grab và cái giá để đánh đổi là “rời khỏi thị trường Đông Nam Á”, một thị trường sôi động, hứa hẹn phát triển nhưng Uber đã và đang trên đà thua để nhượng lại sân chơi cho Grab.

Bởi vậy, những nền tảng mà Uber xây dựng được ở Đông Nam Á gần như Grab không kế thừa, từ mạng lưới xe, đối tác vận tải, lái xe, các chính sách… Và, đó cũng là lý do vì sao, trả lời báo chí mới đây, đại diện Grab cho biết, Grab không thay Uber trả nợ 53 tỷ đồng tiền thuế. “Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, do đó Uber phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề về nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế”, phía Grab khẳng định.

Thêm vào đó, việc bành trướng, thống lĩnh thị trường vận tải ứng dụng công nghệ dường như cũng không phải là mục tiêu lớn của hãng này. Bởi, theo thông cáo báo chí mà Grab phát đi sau thương vụ sát nhập, Grab sẽ phát triển sang lĩnh vực mới, là giao nhận hàng hóa và thức ăn nhanh và các dịch vụ tài chính. 

Bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập của Grab, cho biết: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng mở rộng dịch vụ GrabFood đến toàn bộ quốc gia Đông Nam Á vào quý tới. Chúng tôi sẽ tạo ra nhiều tiện ích hơn cho hệ sinh thái bao gồm khách hàng, đối tác lái xe, đại lý - giờ đây thêm các đối tác kinh doanh và giao nhận. GrabFood cũng sẽ là động lực để khuyến khích mọi người sử dụng ví điện tử GrabPay nhiều hơn và hỗ trợ thúc đẩy nền tảng các dịch vụ tài chính đang phát triển nhanh chóng của chúng tôi”.

Dự kiến, trong năm nay, Grab sẽ mở rộng Grabfood đến Singapore và Malaysia đồng thời đặt tham vọng mở rộng ra các nước Đông Nam Á vào cuối năm. Ngoài ra, Grab cũng sẽ lấn sân sang lĩnh vực tài chính Grab Financial bao gồm thanh toán điện tử, tài chính vi mô, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác. Ví điện tử GrabPay sẽ có mặt tại tất cả quốc gia Đông Nam Á trước cuối năm nay.  

Việc sáp nhập là hoạt động của doanh nghiệp

Toàn cảnh thị trường vận tải công nghệ sau thương vụ Grad mua Uber Đông Nam Á ảnh 2

“Tôi cũng e ngại về việc Grab sẽ độc quyền. Bộ Công Thương đã vào cuộc, yêu cầu Grab báo cáo về việc sáp nhập. Việc sáp nhập Uber Đông Nam Á với Grab là hoạt động của doanh nghiệp và chiếu theo Luật Doanh nghiệp trong quy định của Việt Nam và thế giới đều có thể thực hiện. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm trong việc Grab có vi phạm cạnh tranh và độc quyền hay không? Và, không chỉ có Grab, liên quan đến công nghệ hỗ trợ kết nối vận tải sau 2 năm thí điểm đã có đến 10 đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ và các hãng taxi truyền thống cũng đang triển khai kết nối thuận lợi vận tải. Tính cạnh tranh của 2 đơn vị Uber và Grab không còn nhưng vẫn còn các đơn vị cung cấp khác và thực hiện theo Luật Cạnh tranh”.

Ông Nguyễn Ngọc Đông  (Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải)

 Cơ quan chức năng có đầy đủ các yêu cầu

Toàn cảnh thị trường vận tải công nghệ sau thương vụ Grad mua Uber Đông Nam Á ảnh 3

“Về mặt quản lý Nhà nước đối với Uber và Grab, hiện các Bộ, ngành đều thực hiện đầy đủ các quy định liên quan, giải quyết cạnh tranh hay độc quyền được thực hiện theo Luật Cạnh tranh của Bộ Công Thương. Vừa qua, Bộ Tài chính yêu cầu Grab cung cấp toàn bộ hồ sơ chuyển nhượng Uber. Các cơ quan chức năng đã có đầy đủ các yêu cầu để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, đối tác Uber và Grab”.

Ông Trần Bảo Ngọc (Vụ trưởng Vụ Vận tải,  Bộ Giao thông - Vận tải)

Đảm bảo lợi ích của đối tác

Toàn cảnh thị trường vận tải công nghệ sau thương vụ Grad mua Uber Đông Nam Á ảnh 4

“Chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị để chào đón các đối tác lái xe của Uber ngay sau khi họ đồng ý tham gia, để đảm bảo rằng mọi hoạt động đều diễn ra bình thường cho cả lái xe lẫn khách hàng. Chúng tôi luôn mong muốn được góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sẽ làm việc chặt chẽ với các hợp tác xã và đối tác vận tải nhằm đảm bảo rằng họ sẽ vẫn nhận được những lợi ích và chương trình thưởng như các đối tác hiện tại của chúng tôi đang được hưởng”.

Ông Jerry Lim (Giám đốc Grab tại Việt Nam)