Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính đến ngày 2-8, trên thế giới đã ghi nhận 17.999.275 bệnh nhân Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, đồng thời cảnh báo nguy cơ sẽ phải chật vật đưa ra cách ứng phó trong bối cảnh áp lực kinh tế-xã hội. Nhận định được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp của tổ chức này để đánh giá về đại dịch, 6 tháng sau khi WHO ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. 

* Thế giới chạm mốc 18 triệu ca nhiễm Covid-19

Trong cuộc họp kéo dài 6 tiếng tại Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng các nước cần tiếp tục duy trì những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. “Chỉ cách đây 6 tháng, khi được đề nghị về ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, Covid-19 có chưa tới 100 ca mắc bệnh và không có trường hợp thiệt mạng nào ngoài Trung Quốc. Đây là cuộc khủng hoảng y tế chỉ có một lần trong thế kỷ và những tác động của nó sẽ còn được cảm nhận thấy trong những thập niên tới” - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Trong khi đó, tính đến 8h30 ngày 2-8 (giờ Việt Nam), trên thế giới đã ghi nhận tổng cộng 17.999.275 bệnh nhân Covid-19, trong đó số người tử vong là 687.807 người. Mỹ tiếp tục là quốc gia có số bệnh nhân cao nhất thế giới 4.764.318 người và số người tử vong là 157.898 người. 

Số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết khoảng 70% quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới đang ghi nhận gia tăng số ca nhiễm Covid-19 - tỷ lệ cao nhất kể từ đầu tháng 4. Trong số 188 quốc gia và vùng lãnh thổ, 77 nơi đã ghi nhận xu hướng ca bệnh tăng trong tháng 5. Đến nay, con số này đã lên tới 126. 40 quốc gia châu Âu, tương đương khoảng 80% các quốc gia trên lục địa này, đang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng. Ở châu Á và châu Đại Dương, tỷ lệ này là gần 70%. 

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể kéo dài ảnh 1Người dân thành phố Đại Liên, Trung Quốc xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19

Trung Quốc: Gia tăng số ca lây nhiễm trong cộng đồng

Ngày 2-8, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo,  chỉ trong ngày 1-8, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 49 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 33 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các ca lây nhiễm nội địa gồm 30 ca tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và 3 ca tại tỉnh Liêu Ninh. Trong ngày 1-8, Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong nào do Covid-19.

Hiện 748 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có 36 ca bệnh nặng. Trong khi đó, thêm 14 bệnh nhân Covid-19 bình phục và xuất viện tại nước này. Tính đến hết ngày 1-8, Trung Quốc đại lục xác nhận tổng cộng 84.385 ca mắc, trong đó 4.634 ca tử vong, 79.003 ca bình phục. 

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), NHC đã lập một đội y tế hỗ trợ cơ quan chức năng vùng lãnh thổ này thực hiện xét nghiệm phát hiện các trường hợp mắc Covid-19. Đến nay, Hồng Kông thông báo khoảng 3.400 ca mắc và 33 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1 vừa qua. Dù con số này thấp hơn nhiều so với những thành phố lớn khác trên thế giới, song Hồng Kông ghi nhận số ca mắc mới trên 100 ca mỗi ngày trong 10 ngày qua. 

Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật của Hàn Quốc (KCDC) cho biết tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 tại nước này tăng thêm 30 ca lên 14.366 ca. Một ngày trước đó, Hàn Quốc ghi nhận 31 ca mắc mới, trong đó có 23 ca nhập khẩu và 8 ca lây nhiễm trong nước. Số ca tử vong tại nước này hiện vẫn là 301 ca. Thêm 26 bệnh nhân Covid-19 tại Hàn Quốc hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 13.259 ca.

Nhật Bản: Không thể truy vết con đường lây nhiễm của nhiều ca mắc Covid-19

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận thêm 292 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 2-8. Trong ngày 1-8, số ca nhiễm mới tại đây đã tăng mức kỷ lục 472 ca.  Điều đáng lo ngại hiện nay là giới chức y tế Tokyo đã không thể truy vết con đường lây nhiễm của nhiều ca mắc Covid-19. Tỷ lệ số ca mắc Covid-19 không thể truy vết đang có xu hướng tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Không chỉ có Thủ đô Tokyo, trong hai tuần gần đây, tình hình dịch bệnh ở nhiều tỉnh, thành ở Nhật Bản đang xấu đi. Một số tỉnh, thành lớn, tập trung đông dân như Osaka, Aichi và Fukuoka đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục. Nhật Bản đã chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca nhiễm Covid-19 sau khi chính quyền trung ương dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản tính đến ngày 1-8 là 38.571 người, số ca tử vong là 1.026 người.  Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp cuối tháng 5 sau khi dường như đã kiềm chế được dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh đã bùng phát trở lại một cách đáng lo ngại, đặc biệt kể từ tuần trước, ngay khi chính phủ bắt đầu chương trình hỗ trợ người dân đi du lịch nhằm phục hồi ngành du lịch nội địa.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Thủ đô Tokyo đã một lần nữa yêu cầu các quán bar và cửa hàng karaoke đóng cửa sớm hơn so với trước đây để hạn chế sự lây lan của virus. Thời gian áp dụng là từ ngày 1-8 đến 31-8. Thị trưởng Tokyo, bà Yuriko Koike, cho biết chính quyền thành phố có thể sẽ yêu cầu các cơ sở kinh doanh khác đóng cửa sớm hơn. Bên cạnh đó, bà Koike cảnh báo “nếu tình hình tồi tệ hơn, chúng tôi sẽ phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở Thủ đô”, đồng thời kêu gọi người dân không lơ là cảnh giác đối phó với dịch bệnh.