
Không khí cuồng nhiệt thường thấy sau mỗi trận thắng của
đội tuyển Việt Nam tại các giải đấu trong khu vực. Ảnh: PHÚ KHÁNH
Người Việt thường vẫn tự hào có tình yêu bóng đá chẳng thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Đó là điều không phải bàn cãi nếu chứng kiến cảnh hàng triệu người đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của tuyển Việt Nam sau khi thắng Thái Lan ở chung kết lượt về AFF Cup 2008, hay thức trắng đêm trong mỗi mùa EURO, World Cup. Sau cha con ông Trần Ngọc Thanh mang lá cờ đỏ sao vàng tới sân cổ vũ trận Pháp gặp Nigeria, người có biệt danh “CĐV điên cuồng nhất Việt Nam” - Văn Trần Hoàn cũng đã vượt gần nửa vòng trái đất tới xứ sở Samba để kịp hòa mình với World Cup 2014.
Không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra hơn 100 triệu đồng để sang Brazil vì tình yêu bóng đá như anh Văn Trần Hoàn, hay bố con ông Trần Ngọc Thanh. Trái lại, người ta lại sẵn sàng chi số tiền đó, thậm chí gấp nhiều lần số tiền đó ở mỗi mùa World Cup, nhưng là vào các trò đỏ đen. Một sinh viên mỗi tháng chỉ được bố mẹ cấp cho hơn 1 triệu đồng cũng sẵn sàng “tất tay” đặt cược một trận đấu, thậm chí bán xe, máy tính xách tay và nhiều thứ giá trị “nướng” vào đỏ đen. Một cô gái sẵn sàng rao “bán thân” trên mạng internet để lấy tiền, “gỡ” lại những gì đã mất trước đó. Những nông dân, trai làng quanh năm với đồng ruộng cũng bỏ bê, vùi mình trong những đêm dài vô tận cùng World Cup, kéo theo đó là những con trâu, con bò, tạ thóc… lần lượt “đội nón ra đi” sau mỗi trận thua độ. Cháy túi, vỡ nợ vì cá độ bóng đá, nhiều người dại dột tìm đến cái chết. Mới nhất, một thanh niên ở Hà Nội tự tử sau trận thua độ 50.000USD, bỏ lại vợ và con thơ 2 tuổi. Như thường lệ, cứ sau mỗi mùa EURO hay World Cup, nhiều gia đình lại tán gia bại sản, lục đục vì có người ham mê trò bóng đá đỏ đen. Đó là sự mù quáng, chứ không phải tình yêu bóng đá đích thực.