Tín dụng bất động sản: Khó vì pháp lý và niềm tin người mua nhà suy giảm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tới 70% vướng mắc của các dự án bất động sản liên quan đến pháp lý, gây cản trở trong việc giải ngân tín dụng; trong khi niềm tin người mua nhà suy giảm cũng dẫn đến cầu tín dụng tiêu dùng bất động sản thấp.

Tín dụng bất động sản vẫn tăng mạnh

Ngày 13/11/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Theo lãnh đạo NHNN, ngay từ đầu năm 2023, ngành Ngân hàng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng. Kết quả đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.

Đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Đến 30/09/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các TCTD đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh BĐS lại có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng và các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS đang dần phát huy hiệu quả.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin về tín dụng bất động sản

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin về tín dụng bất động sản

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, ngân hàng, cho rằng, hiện nay, thị trường BĐS vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng (chiếm tới 70% vướng mắc của các dự án bất động sản).

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã quyết liệt tháo gỡ vấn đề pháp lý vẫn chưa đủ lực để kéo thị trường lên, dẫn đến không có nguồn cung bất động sản mới. “Cả nước có 1.200 dự án đang nằm chờ tháo gỡ, trong đó, khoảng 500 dự án đang được xem xét, còn lại 800 dự án vẫn nằm chờ” – ông Đính cho biết

Cùng với đó là sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế; Nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh;

Năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; mặt bằng giá nhà ở cao so với khả năng tài chính và mức thu nhập của nhiều người dân...

Giá nhà còn cao, niềm tin người mua nhà suy giảm

Về tín dụng, các doanh nghiệp cũng nêu một số kiến nghị như mong muốn các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay, nới rộng hạn mức, kéo dài thời gian vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian phê duyệt, kéo dài thời gian cơ cấu nợ, chấp nhận các tài sản bảo đảm khác ngoài bất động sản như cổ phiếu…

Phía các ngân hàng cũng đã nêu những vướng mắc trong cấp tín dụng bất động sản, Tổng giám đốc nhiều ngân hàng có dự nợ bất động sản lớn cũng cho rằng chủ yếu do vướng mắc pháp lý của các dự án khiến thị trường thiếu nguồn cung.

Đặc biệt, hiện nay giá nhà ở còn cao cũng khiến nhu cầu vay mua nhà giảm. “Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2,5% cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, nhưng giá bất động sản giảm rất ít, chưa phù hợp với người mua nhà để ở. Các giao dịch bất động sản chủ yếu mua đi bán lại, nguy cơ gây bong bóng, rủi ro cho tín dụng bất động sản” – ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ.

Không chỉ vậy, lãnh đạo Vietcombank cũng nêu thực tế là cầu tín dụng tiêu dùng bất động sản suy giảm mạnh khi niềm tin khách hàng xuống thấp. “Vietcombank đang có tệp khách hàng cá nhân tăng rất tốt. Khách hàng cá nhân gửi tiền rất nhiều, dù ngân hàng liên tục giảm lãi suất, trong khi vay mua nhà lại giảm rất nhiều. Nguyên nhân là do khách hàng mất niềm tin vào thị trường bất động sản, và tâm lý chờ đợi giá nhà xuống thấp hơn nữa” – ông Tùng cho hay.

Về phía BIDV, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc cũng nêu thực trạng tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng rất chậm. Tính đến hết tháng 10, BIDV tăng trưởng tín dụng 8,1%, mới đạt 60% kế hoạch NHNN giao. Dư nợ BĐS tăng trưởng khoảng 9%, chiếm khoảng 18% tổng dư nợ; trong đó, dư nợ BĐS tiêu dùng tăng rất chậm chỉ khoảng 4%, trong khi mọi năm mức tăng là khoảng 20%.

“BIDV đã 10 lần giảm lãi suất huy động và cho vay, lãi suất cho vay đã giảm trên 20% so với trước. Các gói nhà ở xã hội rất tích cực tìm kiếm để triển khai cho vay nhưng đến nay mới phê duyệt 385 tỷ đồng, giải ngân hơn 25 tỷ.

Ngoài ra chúng tôi ban hành gói cho vay nhà ở thương mại giá rẻ với lãi suất rất cạnh tranh. Nhưng các dự án vướng mắc pháp lý rất nhiều. Từ năm ngoái đến giờ BIDV phê duyệt khoảng 26.000 tỷ và mới giải ngân 8.000 tỷ, còn lại 18.000 đang chờ các thủ tục pháp lý mới giải ngân được” – ông Lê Ngọc Lâm cho hay.

Về vấn đề lãi suất, các ngân hàng cho biết hiện mặt bằng lãi suất đã giảm khá nhiều. Đối với các khoản vay trung và dài hạn, ngân hàng đánh giá lại 3 – 6 tháng một lần để điều chỉnh lãi suất khi lãi suất huy động giảm.

Ngoài ra, lãi suất cho vay còn phù hợp với năng lực của ngân hàng, cơ cấu nguồn vốn giá rẻ, nợ xấu cho vay bất động sản…

“Lãi suất trung và dài hạn khoảng 9-10% đã rất thấp so với thị trường thế giới. Cơ bản các khoản vay là ngân hàng đang hòa vốn, để giảm thì phải có thời gian, khi ngân hàng giảm được giá vốn” – ông Phạm Như Anh, Tổng giám đốc MB nói.

Về phản ánh thủ tục thẩm định cho vay phức tạp, kéo dài, các ngân hàng cho biết chủ yếu do các vướng mắc về pháp lý của các dự án.

“Ngân hàng hàng kinh doanh rủi ro, do đó rủi ro lớn thì ngân hàng phải thẩm định chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp cũng phải cung cấp chính xác, minh bạch về tài chính, nhiều khi doanh nghiệp cung cấp các con số cho ngân hàng thì đẹp nhất, cũng gây khó cho ngân hàng. Chúng tôi chưa có động thái nào siết cho vay bất động sản, mà còn mở rộng hơn với cho vay cá nhân” – ông Phạm Như Ánh nói.