Tìm “lối thoát” cho thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các bên liên quan đang tìm cách khôi phục hoặc lối thoát có thể chấp nhận cho thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen bởi xuất khẩu lương thực từ khu vực này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới “người trong cuộc” là Ukraine và Nga, mà còn có thể dẫn tới hệ lụy chưa lường hết vào lúc này với cung ứng lương thực trên thế giới hay nghiêm trọng hơn là an ninh lượng thực toàn cầu.
Các bên liên quan cần ngồi lại đàm phán để tìm lối thoát khôi phục lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Các bên liên quan cần ngồi lại đàm phán để tìm lối thoát khôi phục lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Thỏa thuận mang lại lợi ích cho nhiều bên

Trong động thái mới nhất sau khi tuyên bố ngừng tham gia vào thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen, hay còn gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19-7 nêu rõ, nước này sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc nếu tất cả các điều khoản của thoả thuận được thực hiện và “bản chất nhân đạo” của thoả thuận được khôi phục. Theo Tổng thống Nga, các nước phương Tây đã bóp méo hoàn toàn bản chất của thỏa thuận và kết quả là các công ty châu Âu đã thu được lợi nhuận từ thoả thuận này, trong khi phía Nga lại chịu tổn thất.

Cuộc xung đột quân sự bùng phát hồi tháng 2-2022 không chỉ đưa hai bên tham chiến trực tiếp là Nga và Ukraine vào một cuộc chiến khốc liệt, khiến hàng trăm ngàn người thương vong mà còn mang tới những tác động nghiêm trọng cho khu vực và thế giới. Một trong những hậu quả nặng nề là cuộc khủng hoảng “kép” an ninh năng lượng và an ninh lương thực, làm khan hiếm nguồn cung, đẩy giá hai mặt hàng thiết yếu sống còn này trên thế giới có thời điểm lên tới mức rất cao.

Nhằm xử lý cuộc khủng hoảng an ninh lương thực cũng như tạo điều kiện cho người nông dân hai nước Nga và Ukraine, vào tháng 7-2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc, còn được gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen. Một năm qua, thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn, mang lại những lợi ích thiết thực cho cả Nga và Ukraine, cũng như thế giới.

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc và Bộ Nông nghiệp và Hải quan Ukraine ước tính, từ tháng 8-2022 đến tháng 6-2023, Ukraine đã xuất khẩu tổng cộng khoảng 50,6 triệu tấn ngũ cốc, tổng trị giá 9,8 tỷ USD. Phần lớn hàng hóa được xuất khẩu qua các cảng với tỷ lệ giao hàng lên tới 78% và liên tục vượt quá 80% trong những tháng gần đây. Phần còn lại được vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ và phà.

Trong đó, là một phần của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Ukraine đã xuất khẩu được 28,1 triệu tấn ngũ cốc, chiếm 55,5% tổng số lương thực của nước này xuất ra thị trường thế giới. Tính về giá trị, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua các cảng lên tới 7,7 tỷ USD trong toàn bộ thời gian của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có hiệu lực, trọng lượng ngũ cốc trị giá 5,5 tỷ USD được chuyển qua Biển Đen và 2,2 tỷ USD qua các con sông. Do vậy, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen nếu không được gia hạn sẽ có thể gây thiệt hại trực tiếp cho Ukraine lên tới 500 triệu USD/tháng.

Trong suốt năm qua, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã 3 lần được gia hạn, tuy nhiên trước lần hết hạn gần đây nhất vào ngày 17-7, phía Nga tuyên bố sẽ không tiếp tục gia hạn. Lý do, theo Tổng thống Vladimir Putin, là do các nghĩa vụ gỡ bỏ trở ngại đối với việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chưa được thực hiện và mục tiêu chính của thỏa thuận là cung cấp ngũ cốc cho các nước có nhu cầu cũng không được thực hiện.

Khôn lường hậu quả ngừng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Việc Nga ngừng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được cho sẽ dẫn những tác động lớn với cả hai nước Nga và Ukraine, mà trước hết là với Ukraine, và sau đó là chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Không chỉ có thể bị thiệt hại khoảng 500 triệu USD mỗi tháng, mà còn ảnh hưởng sinh kế của hàng triệu nông dân Ukraine.

Ukraine là nhà xuất khẩu ngũ cốc và dầu hướng dương hàng đầu thế giới, trong đó có hoạt động xuất khẩu tới các thị trường Trung Đông và châu Phi. Xuất khẩu nông sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ukraine, đóng góp khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội và khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trước khi xung đột nổ ra. Việc ngừng ngừng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể làm “đóng băng” các cảng ở Biển Đen vốn là nơi lưu thông khoảng 90% hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu của Ukraine trước xung đột.

Ukraine có thể dùng tuyến đường còn lại trên bộ và đường sông để đưa các sản phẩm nông nghiệp Ukraine ra nước ngoài là qua sông Danube chạy dọc biên giới Tây Nam Ukraine và Romania. Tuy nhiên, một số quốc gia láng giềng của Ukraine đã hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của nước này vì chịu sức ép từ người nông dân trong nước lo ngại sản phẩm họ làm ra chịu thêm sự cạnh tranh. Theo đó, 5 quốc gia Đông Âu là thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã ra lệnh cấm đối với lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine để giảm bớt áp lực cho ngành nông nghiệp trong nước.

Nhìn nhận dưới tác động với toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 19-7 cho rằng, việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen làm xấu đi triển vọng an ninh lương thực toàn cầu và làm gia tăng nguy cơ lạm phát giá lương thực. Theo đó, việc ngưng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm cho các quốc gia có thu nhập thấp vốn phụ thuộc nhiều vào các chuyến hàng từ Ukraine, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á.

Hiện, Ukraine và các bên liên quan đang tìm kiếm giải pháp sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho rằng, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen phải được duy trì và có thể vận hành mà không có sự tham gia của Nga. Theo ông Volodymyr Zelenskiy, Ukraine, Liên Hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỹ có thể đảm bảo việc vận hành một hành lang lương thực và kiểm tra các tàu vận chuyển ngũ cốc.

Mỹ và các đồng minh, trong đó có những quốc gia thành viên EU, hiện cũng đang trao đổi về các ý tưởng khác dành cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, Washington đang thảo luận với Ukraine về đề xuất của Tổng thống Volodymyr Zelensky nhằm gia hạn thỏa thuận ngũ cốc mà không có sự tham gia của Nga. Trước đó, Tổng thống Ukraine đã gửi thông điệp tới Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đề xuất tiếp tục gia hạn thoả thuận ngũ cốc hoặc tương đương theo hình thức ba bên mà không có sự tham gia của Nga.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, bất kỳ một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine mà không có sự tham gia của Nga - là một bên trong cuộc xung đột quân sự hiện nay - thì sẽ rất khó có một tuyến đường, hành lang an toàn cho việc vận chuyển ngũ cốc. Vì thế, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã kêu gọi các bên liên quan quay lại đối thoại để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc Csaba Kőrösi cho rằng, dù các thách thức rất phức tạp song không phải không thể tháo gỡ. Tổng thư ký Liên Hợp quốc António Guterres cho biết, Liên Hợp quốc sẽ tiếp tục các nỗ lực để thỏa thuận này được nối lại càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, cánh cửa đối thoại để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vẫn để ngỏ khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, sẵn sàng đàm phán để trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nếu đáp ứng các điều kiện của Nga. Matxcơva nêu rõ, ngay khi các bên còn lại tuân thủ đầy đủ các cam kết đối với Nga, nước này sẽ "ngay lập tức" quay trở lại thực hiện thỏa thuận.