Tiêu cực ở các đội trẻ, trách nhiệm của người lớn

ANTD.VN - "Mới nứt mắt đã bán độ rồi", nhiều người đã thốt lên như thế khi đọc những dòng tin về vụ 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp trực tiếp tham gia dàn xếp tỷ số ở giải U21 quốc gia 2019 với số tiền hàng trăm triệu đồng. 

Cầu thủ chủ mưu Huỳnh Văn Tiến khai nhận, trước khi cùng U21 Đồng Tháp ra sân đá với U21 Vĩnh Long tại vòng bảng giải U21 quốc gia ngày 19-6-2019 đã chủ động cá cược trên mạng với "kèo xỉu" (trận đấu có 2 bàn thắng trở xuống), sau đó rủ rê 10 đồng đội khác tham gia bằng cách đá chậm để trận đấu có ít bàn thắng. Kết quả hai đội hoà 1-1, Huỳnh Văn Tiến thắng độ được 133 triệu đồng, sau đó chia cho đồng bọn.

Chỉ vì 10 triệu đồng tiền chia độ mà Trần Công Minh đã tự huỷ hoại danh dự và tương lai (Trong ảnh: Công Minh nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải U19 quốc gia 2019)

Xét trên hành vi vi phạm, Ban kỷ luật VFF treo giò Huỳnh Văn Tiến 5 năm và treo giò 6 tháng với 10 cầu thủ còn lại. Đáng tiếc, trong số này có tiền vệ Trần Công Minh - người được ví như "thần đồng mới" của bóng đá Đồng Tháp và bóng đá Việt Nam nói chung, khi giành hat-trick danh hiệu vô địch và Cầu thủ xuất sắc nhất các giải U15, U17, U19 quốc gia. 

Người hâm mộ từng say sưa theo dõi Công Minh trổ tài trên các sân bóng giải trẻ bao nhiêu thì nay sững sờ và đau lòng bấy nhiêu khi nghe tin tiền vệ này sẵn sàng bán rẻ danh dự và tương lai bản thân để nhận về 10 triệu đồng tiền chia độ. 6 tháng không được thi đấu chỉ là án phạt hữu hình, cái mất lớn hơn với một cầu thủ như Trần Công Minh là sự kỳ vọng của cha mẹ và tình cảm người hâm mộ dành cho em.

Tương lai rộng mở trước mắt, nhưng chỉ vì một phút sai lầm đã nhấn chìm mọi cố gắng, nỗ lực suốt bao năm qua. Tháng 11 tới, khi án kỷ luật hết hiệu lực, Công Minh có thể trở lại sân cỏ nhưng "cái mác" bán độ thì mãi đeo bám và có thể là xiềng xích kìm hãm sự phát triển sự nghiệp của tài năng trẻ này.

Trong vụ việc đau lòng trên, 11 cầu thủ Đồng Tháp và Trần Công Minh vừa đáng trách song cũng rất đáng thương. Bởi lẽ, nếu các em được dung dưỡng trong môi trường lành mạnh, được giáo dục đầy đủ về ý thức nghề nghiệp thì có lẽ đã không có hành động đáng tiếc như đã xảy ra.

Bóng đá Đồng Tháp từ chỗ là cái nôi đào tạo trẻ nức tiếng của cả nước nay thì nay lại được nhắc đến nhiều với những vụ việc tiêu cực ở các đội trẻ, trong đó có trách nhiệm của người lớn.

Ở vụ 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp bán độ, khi bị vỡ lở, thay vì phải xử nghiêm để làm gương thì lãnh đạo đội bóng này lại cố ý ém nhẹm chỉ vì sợ mất cầu thủ, vì căn bệnh thành tích... Chính sự sự tiếp tay cho cái xấu của người lớn đã khiến những cầu thủ "mới nứt mắt" như Huỳnh Văn Tiến, Trần Công Minh dám làm chuyện tày đình, để rồi tự huỷ hoại nhân cách và tương lai bản thân.

"Vụ việc là lời cảnh tỉnh đối với các cầu thủ trẻ", lời nhấn mạnh của Trưởng ban Kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành không sai nhưng có lẽ chưa đủ, mà đây phải là bài học đáng suy ngẫm cho những người làm đào tạo trẻ.