Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của quân đội Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu bị nghi là thiết bị do thám của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, Mỹ vào hôm 4/2/2023.

"Chúng tôi đã hạ khinh khí cầu thành công và tôi muốn khen ngợi các phi công đã làm được điều đó", Tổng thống Joe Biden nói ngày 4/2.

Một quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết tiêm kích tàng hình F-22 Raptor xuất phát từ căn cứ không quân Langley ở Virginia hạ chiếc khí cầu vào lúc 14h39 ngày 4/2 (2h39 sáng 5/2 giờ Hà Nội), loại vũ khí được sử dụng một tên lửa không đối không AIM-9X.

Khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ hơn 11 km trên vùng biển tương đối nông, giúp dễ dàng thu gom các mảnh vỡ trong những ngày tới.

Tổng thống Biden cho biết ông đã ra lệnh bắn hạ khí cầu hôm 1/2. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã khuyến nghị nên đợi cho đến khi có thể thực hiện việc này trên biển để bảo vệ dân thường khỏi các mảnh vỡ rơi xuống Trái đất từ độ cao hàng nghìn mét.

Các quan chức cho biết khinh khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng 6 hải lý, trên vùng nước tương đối nông, có khả năng hỗ trợ nỗ lực khôi phục các bộ phận chính của thiết bị giám sát này từ các mảnh vỡ trong những ngày tới.

Khí cầu được phát hiện đi vào không phận Mỹ ngày 28/1 trước khi di chuyển sang không phận Canada vào ngày 30/1. Sau đó, nó trở lại không phận Mỹ vào ngày 31/1, theo một quan chức quốc phòng Mỹ. Các quan chức Mỹ đã không tiết lộ công khai về sự hiện diện của khí cầu cho đến ngày 2/2.

Washington cho rằng đây là khí cầu do thám, gọi đó là "sự vi phạm rõ ràng" chủ quyền của Mỹ và đã thông báo cho Bắc Kinh về vụ bắn hạ ngày 4/2. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói rằng khí cầu được Trung Quốc sử dụng "để cố gắng do thám các địa điểm chiến lược ở Mỹ". Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đánh giá thiết bị này có "giá trị hạn chế" trong thu thập thông tin tình báo, không đem lại dữ liệu nào khác biệt với những hình ảnh từ vệ tinh do thám trên quỹ đạo.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó nói rằng sự xuất hiện của khí cầu ở Mỹ là "tai nạn bất khả kháng" và Bắc Kinh "chưa bao giờ vi phạm lãnh thổ, không phận của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào". Cơ quan này cho biết đây là khí cầu dân sự phục vụ nghiên cứu khí tượng và các hoạt động khoa học khác.

Quá trình tiêm kích F-22 Raptor bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc

F-22 Raptor cũng là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên được biên chế chính thức. Chúng sở hữu những công nghệ đi đầu trong lĩnh vực hàng không quân sự thế giới, như: khả năng tàng hình; có thể bay hành trình với vận tốc siêu âm mà không cần đốt tăng lực động cơ lần 2; được trang bị một radar mảng pha chủ động tiên tiến thế hệ mới, mạnh nhất hiện nay.

Hiện tại Mỹ đang duy trì phi đội đáng gờm của loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này bao gồm 187 chiếc. Theo các chuyên gia quân sự, một chiếc F-22 có thể đối đầu và giành thắng lợi trong không chiến với 4 chiếc tiêm kích thế hệ thứ 4 một lúc. Nhờ trang bị động sơ siêu khỏe với ống phụt 2D, F-22 hiện là máy bay có sức cơ động nhất của Không quân Mỹ hiện nay.