Tiêm kích MiG-21 Ấn Độ lao xuống đất, bốc cháy ngùn ngụt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Không quân Ấn Độ vừa thông báo, một chiếc tiêm kích MiG-21 phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi của nước này đã rơi và bốc cháy ở Rajasthan tối qua (28/7), khiến hai phi công thiệt mạng.

Chiếc tiêm kích MiG-21 hai chỗ ngồi cất cánh từ căn cứ không quân Utarlai ở Rajasthan phía tây bắc Ấn Độ. Khoảng 21h10, nó rơi gần Barmer và bốc cháy ngùn ngụt.

"Chúng tôi vô cùng thương tiếc mất mát về nhân mạng và sẽ hỗ trợ gia đình các phi công", không quân Ấn Độ bày tỏ.

Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đã trao đổi với lãnh đạo không quân Ấn Độ VR Chaudhari sau vụ rơi máy bay ở Utarlai. Ông cho biết "vô cùng đau đớn" trước cái chết của hai phi công. Một ủy ban điều tra nguyên nhân vụ tai nạn hàng không quân sự được thành lập.

MiG-21 phiên bản hai chỗ ngồi dùng trong huấn luyện

MiG-21 phiên bản hai chỗ ngồi dùng trong huấn luyện

Tiêm kích đa dụng một động cơ MiG-21 được Ấn Độ mua từ Liên Xô, từng giữ vai trò xương sống đối với sức mạnh không quân quốc gia. Tiêm kích do Liên Xô phát triển từ những năm 1950, với gần 11.500 chiếc được sản xuất.

Dòng chiến đấu cơ này vài năm qua chịu tai tiếng về mức độ an toàn hàng không, phần lớn do xuống cấp và khó bảo trì. Hiện Ấn Độ còn khoảng hơn 100 chiếc MiG-21 trong đó chủ yếu là phiên bản MiG-21 Bison. Tuy là nâng cấp sáng giá nhưng MiG-21 Bison vẫn không đáp ứng được yêu cầu tác chiến cường độ cao do khung thân máy bay đã quá cũ, tỷ lệ tai nạn tăng đột biến.

MiG-21 Bison của không quân Ấn Độ
MiG-21 Bison của không quân Ấn Độ

MiG-21 Bison được đánh giá là gói nâng cấp mạnh mẽ tố hỏa lực, với khả năng mang tên lửa đối không tầm trung – xa, dẫn đường bằng radar. Cụ thể thay đổi lớn nhất ở phiên bản này là việc trang bị hệ thống radar đa chế độ Kopyo. Radar này có thể phát hiện mục tiêu ở cách 80km ở bán cầu trước (phía trước máy bay) hoặc 40km ở bán cầu sau (phía sau máy bay), trong khi có thể đồng thời theo dõi 10 mục tiêu và dẫn hướng tên lửa tấn công cùng lúc 2 mục tiêu.

Trong chế độ không đối đất, radar Kopyo trên MiG-21 Bison có thể phát hiện mục tiêu xe thiết giáp ở cự ly 25km hoặc cầu đường ở cách 100km trong khi theo dõi 2 mục tiêu. Đặc biệt, loại radar này có thể hoạt động đối hải với khả năng phát hiện tàu thuyền cỡ nhỏ ở cách 80km hoặc mục tiêu kích cỡ tương đương khu trục hạm cách 150km. Với việc thay thế radar cho phép MiG-21 Bison mang được tên lửa không đối không thế hệ mới như R-27, R-73 hay cả loại tên lửa tấn công ngoài tầm nhìn R-77.