"Thủy thần" rình tàu cá chạy bằng... máy cũ ôtô

ANTĐ - Không ít tàu cá đánh bắt xa bờ hiện sử dụng máy cũ của ôtô. Dùng máy cũ không chỉ hao tốn nhiên liệu, mà còn phải đối mặt với rủi ro do chết máy, chìm tàu...

Cứ trước mỗi chuyến ra khơi xa, ngư dân ở cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang lại phải xuống hầm kiểm tra máy kỹ càng trước khi rời cảng. Ông Nguyễn Văn Tính, chủ tàu KH 96057 đồng thời cũng là phó chủ tịch hội Nông dân phường Vĩnh Thọ nói: “Kiểm tra kỹ, nhưng khi ra khơi, máy có thể chết bất cứ lúc nào. Lúc đó, chỉ cầu may giữ được tàu, giữ được mạng sống”.

Thợ máy đang sửa máy cũ để lắp lên tàu cá mới

Thay chi tiết máy theo kiểu chắp vá

Bên ngoài cảng Hòn Rớ, những người thợ máy đang hì hục mài giũa các chi tiết máy. Anh thợ máy cho biết: “Đây là những chi tiết của máy “bãi” (máy đã qua sử dụng), chủ tàu mua từ Sài Gòn về để lắp vào tàu mới, mình phải “dọn” lại, “chế”, “độ” thêm”. Theo ông Tính, máy tàu cá của Nhật, Hàn Quốc đã hết hạn sử dụng; máy cũ giá bằng 1/3 máy mới, cùng loại, giá rẻ hơn máy mới của Trung Quốc chừng 50%. Người ít tiền thì mua máy ôtô đã thải về “độ” thêm chân đế, “độ” lại hộp số và lắp lên tàu thành máy thuỷ. “Mua máy cũ rất phập phồng, may rủi, nhiều khi đi được vài chuyến biển, thì máy lại trở chứng”, ông Tính nói.

Ông Lê Tấn Bản, chi cục trưởng chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Khánh Hoà cho biết, ngư dân đang hiện đại hoá đội tàu, mỗi năm toàn tỉnh đóng mới khoảng 50 tàu cá công suất từ 400CV trở lên, nâng công suất máy khoảng 250 chiếc. Tàu mới, tàu nâng công suất đều dùng máy cũ. Theo ông Bản, hiện một chiếc máy mới của Nhật có công suất 400CV khoảng 800 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Văn Tính cho biết, máy mới của Trung Quốc giá bình quân 1 triệu đồng/CV (bằng 50% máy Nhật mới). Máy cũ giá bằng 1/3 giá máy mới, bình quân 700.000 đồng/CV. Tuy nhiên, khi mua về phải “chế”, “độ” thêm tốn khoảng từ 50 – 100 triệu đồng/máy. Giá máy cũ của Nhật sau khi lắp vào tàu cá gần bằng máy mới của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngư dân vẫn thích dùng máy cũ của Nhật hơn.

Ông Võ Thiên Lăng, phó chủ tịch hội Nghề cá Việt Nam cho biết, hầu như ngư dân Việt Nam đều dùng máy cũ. Mỗi khi mua máy, chủ tàu nhờ một thợ máy có kinh nghiệm đi cùng để kiểm tra các chi tiết. Hiện nay, đăng kiểm cũng chưa chặt chẽ, không quy định niên hạn máy.

Sau khi mua máy xong, máy sẽ được các xưởng rã ra và “chế”, “độ” lại theo yêu cầu của chủ tàu. Vì biết được các “bệnh” của máy, xưởng này sẽ theo dõi luôn hoạt động của máy tàu đó. Mỗi lần ra khơi gặp các sự cố, người trên tàu liên lạc với xưởng để được hướng dẫn sửa chữa; nếu máy hư nặng, thì kéo tàu về. Theo ông Tính, dùng máy cũ tiêu tốn dầu hơn máy mới khoảng 20%. Do dùng máy cũ, nên hàng năm đều phải sửa chữa thường xuyên mất từ 40 – 50 triệu đồng. Thấy bộ phận nào hư thì sửa, sửa không được thì lấy chi tiết từ máy khác, không có thì đúc. Nếu hư các chi tiết lớn như hộp số thì số tiền thay thế lên cả trăm triệu đồng.

Một chiếc tàu cá bị chìm (Ảnh minh họa)

Ông Lê Tấn Bản cho biết, ngư dân thay thế chi tiết máy theo kiểu chắp vá. Đến lúc cảm thấy máy có quá nhiều “bệnh”, thì họ bán lại cho xưởng với giá bằng 1/3 giá lúc mua. Chiếc máy đó lại được “chế”, “độ” để tiếp tục lắp lên tàu khác ra khơi. Lúc đó, ai mua máy gặp trúng loại máy này, thì nếu chạy từ 2 – 3 chuyến, máy sẽ phát thêm “bệnh”, không đủ tiền để sửa.

Hiểm hoạ chực chờ

Tốn kém, nhưng mỗi lần ra khơi, chủ tàu cứ phập phồng và chỉ thở phào nhẹ nhõm khi về đến cảng. “Nếu là máy ôtô “độ” thì rất dễ chết máy, vì trên bờ, ôtô chạy có lúc dừng, lúc nghỉ, bây giờ hộp số “chế” lại chạy một chế độ, chạy lâu nóng máy hỏng bất chợt, không biết đường nào mà lần. Máy thuỷ cũ cũng rất dễ chết. Lúc đó, bị thả trôi, chỉ trông chờ vào sự lai dắt của tàu khác. Bình thường đang thả lưới, máy chết, tàu bị thả trôi, coi như đứt luôn dàn lưới mấy trăm triệu đồng. Dùng máy cũ, thấy luồng cá lớn, đôi khi không đám đuổi riết vì sợ chết máy”, ông Tính nói.

Ông Bùi Quang Mông, thuyền trưởng tàu QNg 98676, ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cho biết, tháng 6.2011, sau khi cứu được mười thuỷ thủ nước ngoài trôi dạt trên vùng biển Trường Sa, ông Mông điều khiển tàu chạy mất ba ngày, bốn đêm về Nha Trang, khi về đến nơi, máy cũng hư luôn. “Là thợ máy lâu năm, tàu mới nâng công suất, chạy vậy tôi biết chắc là hư máy vì quá cũ. Nhưng tôi chấp nhận để cứu người”, ông Mông nói.

Thượng tá Nguyễn Long Xuyến, trưởng ban tác chiến, bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hoà cho biết, các tàu đánh bắt xa bờ dùng máy cũ hoạt động liên tục dài ngày có nguy cơ bị tai nạn rất lớn. Hiện nay, tàu biên phòng chỉ cứu được tàu bị nạn cách bờ dưới 40 hải lý, mỗi lần tàu cá bị chết máy ở biển xa, phải tổ chức lực lượng lai dắt rất vất vả, tốn kém.

Theo ông Bản, hiện nay, ngư dân do eo hẹp về kinh tế, nên tập trung đầu tư vỏ tàu, bởi nếu tàu bị bục, thì tàu dễ bị chìm. Còn máy thì chưa quan tâm. Nếu đầu tư một lần máy mới, tính về kinh tế, sẽ hiệu quả hơn nhiều lần so với máy cũ. Độ an toàn sẽ cao hơn, mỗi chuyến đi biển ít tổn phí hơn, thời gian đi biển nhanh hơn, giá trị hải sản cao hơn. Tuy nhiên, một máy mới cho tàu đánh bắt xa bờ giá gần cả tỉ đồng, là ngoài tầm với của ngư dân. Hiện cũng chưa có chính sách nào hỗ trợ ngư dân mua sắm, thay thế máy mới.

Không chỉ máy quá cũ, ngư dân cũng bị hạn chế trong khai thác, vận hành máy. “Ngư dân vận hành, khai thác máy theo kiểu học mót, cha truyền con nối. Tàu từ 20CV trở lên quy định có thuyền trưởng, nhưng lại không có máy trưởng. Đây cũng là một phần nguyên nhân tai nạn. Năm nay, tỉnh Khánh Hoà dạy miễn phí thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân, nhưng mở được mười lớp toàn thuyền trưởng, không ai chịu học máy trưởng”, ông Lăng nói.

Theo ông Lăng, để khắc phục tình trạng lạc hậu, tiến lên nghề cá chuyên nghiệp cần phải nâng cao trình độ ngư dân, hỗ trợ vốn để ngư dân thay dần máy mới.

Giữa muôn trùng sóng bể, việc máy tàu "đột tử" là mối họa lớn nhất cho ngư dân

(Ảnh minh họa)

Nguy hiểm đến tính mạng

Ở Quảng Ngãi lâu nay, tàu cá gặp nạn trên biển một phần là do gặp bão, bị phá nước, nhưng phần lớn là do bị máy tàu hư hỏng. Thống kê của tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, từ năm 2005 đến tháng nay, tỉnh có trên 400 tàu cá của ngư dân bị chìm khi hành nghề trên biển, 137 tàu cá hư hỏng và 115 người chết, 38 người bị thương. Trong đó có không ít tàu sử dụng máy cũ để ra khơi.

Ông Nguyễn Hữu Ngọt, chủ nhiệm hợp tác xã Khai thác thuỷ sản xa bờ dịch vụ nghề cá Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), đồng thời là chủ hai con tàu câu mực ở Trường Sa cho biết, nhiều tàu bị tai nạn trên biển là do khi đóng tàu (hoặc mua lại), chủ tàu sử dụng máy tàu quá cũ. Khi gặp sự cố trên biển, thì họ không biết cách sửa chữa. Điển hình như tàu cá của thuyền trưởng Phạm Văn Quang tàu QNg B017 TS ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn.

Vào ngày 25-3-2010, tàu đánh bắt ở vùng biển cách bờ khoảng 25 hải lý thì bị hỏng máy. Tàu này liên lạc về đất liền đúng một lần, sau đó mất liên lạc. Sau hai ngày lênh đênh trên biển, tàu cá của ông Quang được tàu bạn cứu.