Thuê "bác sĩ" giả để trục lợi từ bệnh nhân bại não

ANTĐ - Theo một báo cáo điều tra của báo Beijing Times, Bệnh viện Haihua ở Bắc Kinh đã lừa đảo rất nhiều bệnh nhân, trong đó có cả trẻ em bị bại não và động kinh. Vụ lừa đảo này dấy lên những cuộc tranh luận gay gắt của cư dân mạng Trung Quốc, khiến các quan chức địa phương phải tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng. 

Thuê “bác sĩ” giả 

Bệnh viện Haihua bị phát hiện đã thuê những người không có kiến thức về y học để đóng vai những đại diện khách hàng, chuyên gia lẫn bác sĩ trong lĩnh vực khoa học thần kinh. Theo “kịch bản” được lên kế hoạch từ trước, gần 50 “nhân viên y tế” của bệnh viện được đặt tên giả và hướng dẫn để trả lời mọi thắc mắc của khách hàng là các bệnh nhân qua điện thoại.

Các “nhân viên y tế” được trả lương theo kế hoạch chi trả tiền thưởng “đạt chỉ tiêu”. Cụ thể, mỗi “nhân viên” này sẽ nhận được một số tiền cơ bản là 50 Nhân dân tệ (khoảng 8 USD), nếu như khách hàng sau khi nghe tư vấn của “bác sĩ” tìm đến bệnh viện chữa trị thì được nhận thêm từ 1% đến 1,5% tổng chi phí y tế của người được nghe tư vấn.

Mỗi tháng, bất kỳ “nhân viên y tế” nào đạt chỉ tiêu sẽ nhận được khoản tiền từ 300 đến 800 nhân dân tệ (từ 46 USD đến 123 USD). Khi những bệnh nhân có mặt tại bệnh viện, họ sẽ được chẩn đoán bởi một “nhân viên y tế” của bác sĩ. Bệnh viện này đã thu hút rất nhiều bệnh nhân từ khắp mọi miền đất nước bằng cách bỏ ra những khoản tiền rất lớn để đầu tư vào các chương trình quảng cáo trên truyền hình. Tuy nhiên, các chương trình này thường xuyên phóng đại hiệu quả của việc điều trị.

Một chương trình quảng cáo được phát sóng trên kênh truyền hình Tứ Xuyên kéo dài đến 20 phút, bác sĩ Yang Shaobo, Giám đốc bệnh viện, người có hơn 30 năm kinh nghiệm điều trị bệnh nhân động kinh quảng cáo: “Bệnh viện Haihua có thể chữa khỏi 97% bệnh nhân động kinh tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của họ”. Báo Beijing Times phát hiện, những lời mà bác sĩ Yang Shaobo từng tuyên bố với các bệnh nhân trước đây đến điều trị tại Bệnh viện Haihua hoàn toàn không có căn cứ.

Năm 2014, sau khi xem một đoạn quảng cáo của Bệnh viện Haihua trên truyền hình, chị Han Jun sống tại Trác Châu, một thành phố ở tỉnh Hà Bắc đã đưa đứa con trai 3 tuổi không thể bước đi đến đây để kiểm tra. Con trai của chị Han Jun đã trải qua nhiều ca phẫu thuật ít “động chạm” tới đầu, vai và chân. Nhưng tình trạng của bé vẫn không được cải thiện, thậm chí 6 tháng sau, bé còn mắc thêm bệnh sỏi thận, còi xương và đục thủy tinh thể.

Tiền mất tật mang, chị Han đành nuốt cay đắng, tiếp tục chi thêm 50.000 nhân dân tệ (khoảng 7.720 USD) để điều trị cho con trai. Một phụ huynh khác tên là Liang Mengchao cũng đưa con trai 8 tuổi đến Bệnh viện Haihua sau khi một “đại diện khách hàng” đảm bảo rằng việc điều trị bệnh bại não tại bệnh viện này đạt hiệu quả gần như 100%. Mới nhất là trường hợp con trai của anh Liang phải nhập viện 5 ngày để điều trị.

Gia đình anh đã tốn hơn 40.000 nhân dân tệ (khoảng 6.100 USD), nhưng đứa bé vẫn không thể hồi phục. Khoảng 3 tháng sau Liang mới nhận ra mình bị lừa khi bệnh viện tiếp tục gọi điện hối thúc anh cần phải mua nhiều toa thuốc hơn nữa. “Họ là những kẻ nói dối, chuyên lừa gạt người khác để trục lợi”, anh Liang chia sẻ với Báo Beijing Times.

Bê bối trầm trọng trong ngành Y 

Trên trang Sina Weibo, cư dân mạng đã rất tức giận khi đưa ra những suy đoán về chi phí thật sự liên quan đến những sự cố của Bệnh viện Haihua. Tài khoản mang tên Xin Wei 2012 bức xúc: “Nếu không có quan chức tham nhũng đứng đằng sau bảo kê thì bệnh viện không thể làm những hành động táng tận lương tâm như thế này và có thể lừa được nhiều gia đình bệnh nhân trong thời gian lâu đến vậy, đặc biệt chưa bao giờ bị chính quyền địa phương xử lý vi phạm”.

Tài khoản có tên Qi Qi và Jun từ Thiểm Tây chỉ trích: “Rõ ràng các quan chức cũng như các đài truyền hình đã không làm tròn nhiệm vụ của mình. Họ đã cho phép mọi thứ được phát sóng tràn lan, miễn sao tiền sẽ được chuyển vào túi của mình. Và chính vì vậy, họ đã làm cho cơn đau của bệnh nhân ngày càng trầm trọng”.

Trong những năm gần đây, rất nhiều thủ đoạn tinh vi trong ngành y đã và đang hoành hành trên đất nước Trung Quốc như trường hợp đã có 4 người bị chết do nhiễm độc khí Carbon Monoxide (khí CO) khi họ đang ngồi đằng sau một chiếc xe cứu thương giả - được tu sửa từ một chiếc xe tang. Trong tháng 2-2016, một người đàn ông họ Ye sống tại tỉnh Chiết Giang đã uống hết 2 chai thuốc ngủ, nhưng đã được cứu sống vì đây là thuốc giả...