Thực tế cay đắng
(ANTĐ) - Mùa hè, mùa mua sắm cầu thủ và mua sắm cả… đội bóng. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu như hiện nay, người ta đang chứng kiến tình trạng không ít tên tuổi giàu truyền thống ở bóng đá Anh bị rao bán với giá rẻ mạt vì nợ nần chồng chất cộng thêm các hóa đơn lương bổng quá nặng nề. Thậm chí, việc giá một CLB rẻ hơn giá một… ngôi sao loại khá đang là thực tế cay đắng.
Ông chủ Ashley của Newcastle rao bán chẳng ai mua |
Mùa hè này, nhà đầu tư có thể mua cả Portsmouth lẫn Southampton với giá còn ít hơn con số 22 triệu bảng mà Manchester City đang sẵn sàng trả cho một hậu vệ là Joleon Lescott. Tất nhiên, đó là giá danh nghĩa của vụ bán mua. Còn trên thực tế, nhà đầu tư phải chuẩn bị nguồn tài chính dồi dào hơn nhiều để tiếp quản… nợ.
Không chịu nổi gánh nặng đó, ông chủ của đội bóng giải Ngoại hạng Portsmouth là Alexandre Gaydamak đã tuyên bố sẵn sàng nhượng lại CLB cho ai chịu trả nợ hộ. Cuối cùng, vụ bàn giao lại quyền sở hữu Portsmouth đã xong xuôi mà chủ mới hứa hẹn có ngân sách hùng hậu hơn nhiều là nhà kinh doanh người Arab Sulaiman Al Fahim.
Southampton là tên tuổi khá quen thuộc với Premier League nhưng năm ngoái đã chịu thêm nỗi đau trong lịch sử CLB khi bị xuống giải hạng Nhì (League One) bóng đá Anh. Trong mùa hè buồn này, họ đổi chủ khi triệu phú Thụy Sĩ Markus Liebherr bỏ ra hơn… 13 triệu bảng mua lại “The Saints” (biệt danh của Southampton).
Chuyện giá một đội bóng đột nhiên rớt thảm hại thời khủng hoảng đã trở nên quá quen thuộc trong vòng 1 năm qua. Đến tên tuổi lẫy lừng như Liverpool cũng chịu chung số phận. Đồng sở hữu “Quỷ Đỏ”, nhà đầu tư người Mỹ Tom Hicks mùa hè này đã đưa ra đề nghị bán 1/3 cổ phần CLB cho một tập đoàn đầu tư của Dubai với giá chỉ 100 triệu bảng. Dù Hicks phủ nhận chuyện đưa ra đề xuất trên, có thể thấy giá Liverpool đã rớt 200 triệu bảng so với con số định giá cao chót vót 500 triệu bảng hồi năm ngoái.
Newcastle là tên tuổi khác ở bóng đá Anh đang “sống dở chết dở”. ở những năm đầu khi Premier League ra đời, “Chích chòe” từng vài mùa giải thách thức ngôi vô địch với Manchester United. Nhưng sau khi bị xuống hạng ở mùa giải năm ngoái, Newcastle trở thành mớ lộn xộn. Ban đầu, ông chủ Mike Ashley còn làm cao xướng giá tới 400 triệu bảng trong mùa giải vừa qua. Đến tháng 12 năm ngoái, giá đã giảm xuống còn 250 triệu bảng và giờ khi bị xuống hạng, có tin “Chích chòe” được rao với vẻn vẹn 90 triệu bảng. Thậm chí, Ashley còn sẵn sàng hỗ trợ “người thế mạng” một khoản cho vay 30 triệu bảng để vụ đổi chủ diễn ra suôn sẻ. Tiền thanh toán cũng được ưu ái trả nhiều lần trong một thời gian dài.
Xuống nước như vậy nhưng Ashley vẫn chưa tìm được người mua và khi mùa giải mới sắp bắt đầu, Newcastle vẫn chưa rõ tương lai của mình ra sao. Thực tế, dù giảm giá quyết liệt, nhiều đội bóng vẫn khó tìm cho mình chủ mới bởi các nhà đầu tư cũng phần nào chùn tay trong tình trạng khủng hoảng chung. Dường như sau một thời bóng đá Anh chứng kiến làn sóng chủ ngoại ồ ạt đổ bộ, giờ là lúc các nhà đầu tư có lợi thế nhất nhưng họ lại không mấy mặn mà trước những “dự án” đầy rủi ro…
Minh Minh