Thực phẩm, đồ uống: Mỗi nơi “hét” một giá

(ANTĐ) - Niêm yết giá bán đối với hàng hóa và bán đúng giá niêm yết ngày càng trở thành yêu cầu bức thiết khi rất nhiều người bán lẻ hàng hóa lợi dụng điều này để tăng giá tùy tiện.

Thực phẩm, đồ uống: Mỗi nơi “hét” một giá

(ANTĐ) - Niêm yết giá bán đối với hàng hóa và bán đúng giá niêm yết ngày càng trở thành yêu cầu bức thiết khi rất nhiều người bán lẻ hàng hóa lợi dụng điều này để tăng giá tùy tiện.

Những sản phẩm này mỗi nơi một giá

Những sản phẩm này mỗi nơi một giá

Giật mình khi người chủ quán bán trà đá tại bến xe Mỹ Đình đòi 15.000 đồng/chai nước C2, anh Biên - Bộ đội biên phòng thuộc huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) đang ngồi chờ xe tại đây thắc mắc: “Tại sao chai nước này giá lại cao thế? Giá bán sản phẩm này ở cửa hàng tạp hóa chỉ có 6.000 đồng/chai”? Chủ quán nước vòng vo: “Giá bán chai nước C2 tại tất cả các quán ở đây đều như nhau, 13.000 đồng/chai, thêm 2.000 đồng tiền đá”. Không muốn đôi co, anh Biên ấm ức thanh toán tiền rồi lên đường.

Theo chị Nga - một hành khách chờ xe đi Tuyên Quang, nếu không chuẩn bị đồ ăn thức uống từ trước mà cứ ra bến xe mới mua thì đương nhiên phải chịu đắt. Tuy nhiên, tình trạng trên không chỉ diễn ra tại các bến xe mà giá đồ uống, bánh ngọt tại các quán giải khát cũng đều gấp đôi, gấp ba thông thường. Chị Nga kể: “Thỉnh thoảng tôi vẫn mua bánh Scotty, bánh Staff ở đầu ngõ, chỉ có 3.000 đồng/chiếc, vậy mà có hôm tôi về quê, ra bến xe Gia Lâm mới nhớ ra cần mua bánh cho con nhỏ ăn dọc đường, phải mua với giá 6.000 đồng/chiếc”.

Do các sản phẩm trên không được nhà sản xuất in giá công khai trên bao bì nên nhiều người bán hàng đã lợi dụng điều này để đưa ra mức giá bán tùy tiện. Khảo sát cho thấy, vẫn chai nước C2 tại các quán cóc ven hồ Tây, giá bán rất khác nhau, từ 8.000 đồng- 12.000 đồng/chai. Giá các loại nước giải khát: Red Bull, Coca Cola, nước cam ép, nước bí đao… đóng lon tại các hàng quán nước, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống đều cao hơn nhiều so với mức giá bán lẻ trung bình tại các cửa hàng tạp hóa từ 3.000- 5.000 đồng/lon.

Chị Duyên - bán hàng nước ven hồ Tây cho biết: “Khách hàng quen mà thắc mắc giá cả thì mình có thể linh động, giảm một chút. Nhưng khách lạ thì được giá bao nhiêu cứ bán thôi”. Điều đáng chú ý là hầu hết những sản phẩm trên đều do các công ty có uy tín trong nước sản xuất.

Cụ thể, nước uống C2 của Công ty URC Việt Nam; bánh Staff, bánh Lucky của Công ty Bánh kẹo Hữu Nghị… Các doanh nghiệp này đều lơ là việc niêm yết giá bán đối với sản phẩm, gây không ít thiệt thòi cho người tiêu dùng. Được biết, theo định kỳ, các nhân viên tiếp thị, giao hàng của các công ty trên lại mang hàng đến phân phối hàng tại các điểm bán lẻ, nhưng việc kiểm tra, khảo sát giá bán tại đây không được thực hiện.

Linh - nhân viên tiếp thị sản phẩm nước uống Coca Cola cho hay: “Bọn mình chỉ đến hỏi chủ hàng xem họ có nhập hàng thêm không mà họ còn tỏ thái độ khó chịu, thậm chí họ quay đi, chẳng thèm tiếp chuyện. Nhân viên tiếp thị không dám “làm căng” với người bán lẻ, bởi họ sẽ dễ dàng nhận trưng bày, bán hàng cho hãng khác, mình mất khách ngay”.

Cũng theo Linh, những người bán lẻ đã được hưởng hoa hồng từ nhà phân phối nếu tiêu thụ được sản phẩm và trưng bày sản phẩm của họ ở vị trí đẹp hơn hàng của đối thủ cạnh tranh, nhưng họ bán với giá nào là… tùy! Nhà sản xuất không niêm yết giá bán thì có thấy người tiêu dùng bị móc túi, nhân viên tiếp thị tận mắt chứng kiến cũng chẳng có lý do gì để phản ánh lại với nhà sản xuất, chẳng có căn cứ nào nhắc nhở người bán hàng.

Niêm yết giá và thực hiện bán hàng đúng giá niêm yết không chỉ là nét văn minh thương mại, mà đây còn là biện  pháp hạn chế việc người bán lẻ tăng giá bán tùy tiện. Nhưng hiện nay ở Việt Nam, việc niêm yết giá mới quy định bắt buộc với một số mặt hàng thiết yếu: thuốc, sắt thép, xăng dầu…

Còn rất nhiều các loại hàng hóa tiêu dùng hàng ngày khác chưa được niêm yết giá. Giá bán đáng tin cậy nhất đối với các sản phẩm tương tự như trên vẫn là tại các siêu thị, các cửa hàng tạp hóa. Người tiêu dùng cho rằng, cần niêm yết giá đối với hầu hết các sản phẩm có mặt trên thị trường để tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng; đồng thời, giúp các cơ quan quản lý thuận lợi hơn trong việc quản lý giá cả thị trường, tránh tình trạng tăng giá bán hàng một cách vô lý.

Vân Hằng