Thúc đẩy phát triển năng lượng sạch

(ANTĐ) - Trong những năm gần đây, hiện tượng khí hậu ấm lên đã thu hút sự quan tâm của tất cả các nước trên thế giới. Không nằm ngoài guồng quay đó, Trung Quốc cũng đang tìm nhiều biện pháp, đặc biệt là hợp tác với các nước trên thế giới trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch, giảm thiểu nguy cơ hiệu ứng nhà kính.

Trung Quốc:

Thúc đẩy phát triển năng lượng sạch

(ANTĐ) - Trong những năm gần đây, hiện tượng khí hậu ấm lên đã thu hút sự quan tâm của tất cả các nước trên thế giới. Không nằm ngoài guồng quay đó, Trung Quốc cũng đang tìm nhiều biện pháp, đặc biệt là hợp tác với các nước trên thế giới trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch, giảm thiểu nguy cơ hiệu ứng nhà kính.

Quốc gia phải lo lắng nhiều nhất về giá dầu (dự báo sẽ ở mức trên 60 USD/thùng trong suốt năm 2009) chính là Trung Quốc. Robert Watson, Giám đốc dự án năng lượng quốc tế thuộc Hội đồng bảo vệ nguồn lợi tự nhiên của Mỹ, cho biết: Trong 20 năm tới, Trung Quốc sẽ có thể xây dựng trung bình một Thượng Hải mới mỗi năm. Kèm theo quá trình đô thị hóa đó sẽ là việc đốt càng nhiều dầu mỏ, là nạn ô nhiễm triền miên. Ông David Dollar, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc cho biết, nạn ô nhiễm không khí có thể là một trong những xúc tác cho việc thay đổi cách sử dụng năng lượng.

Tại một hội nghị về năng lượng trong tuần này, ông đã cảnh báo: Trung Quốc có đến 20 thành phố nằm trong danh sách 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Và trước hết nguyên do nằm ở việc sử dụng than đá, dầu mỏ trong công nghiệp và sản xuất điện năng. Điều đó sẽ làm tăng rõ chi phí y tế của nước này.

Người Trung Quốc đã bắt đầu ý thức về tình cảnh này trong đó đầu tư mạnh cho năng lượng mới. Ngay từ năm 2008, Trung Quốc đã tăng tín dụng cho vay các nhà thầu trong lĩnh vực điện năng. Để tăng mức đầu tư vào các dự án điện, họ hy vọng có thể đạt công suất 30.000MW phong điện vào năm 2015, thay vì vào năm 2020 như đã đề ra trước đây.

 Năm 2008, Trung Quốc đã vượt qua ấn Độ để đứng vào vị trí thứ tư trên thế giới về phong điện. Trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, mục tiêu mới của Trung Quốc cho năm 2020 có thể lên đến 10.000MW, thậm chí đến 20.000MW, tức là gấp 10 lần so với mục tiêu cũ (1.800MW). Trung Quốc dự kiến các năng lượng sạch sẽ chiếm 10% năng lượng tiêu thụ vào năm 2010 và 15%, hoặc có thể là 20% vào năm 2020.

Các dự án đó của Trung Quốc chủ trương là giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bằng cách nâng cao hiệu suất năng lượng và phát triển năng lượng sạch. Ví dụ như xây dựng dự án phát điện bằng sức gió với công suất 100 nghìn KW, tại khu tự trị Nội Mông thuộc miền Bắc Trung Quốc. Sau khi xây dựng xong, mỗi năm có thể giảm thiểu khoảng 250 nghìn tấn khí carbon dioxide từ các nhà máy nhiệt điện.

Trong ngành than thì tăng cường áp dụng công nghệ giảm thiểu khí thải, tức thu hồi khí methane phát sinh trong quá tình sản xuất than và dùng nó vào việc phát điện. Trong ngành hóa chất, khí fluroform phát sinh trong quá trình sản xuất của nhà máy hóa chất Fluo, là một trong những khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mức độ độc hại lớn nhất bởi hiệu ứng nhà kính do nó gây ra cao gấp 10 lần so với khí carbon dioxide.

Tuy nhiên, theo chính phủ, thực trạng việc thực thi các dự án năng lượng sạch ở Trung Quốc lại được tiến hành một cách ồ ạt, vô tổ chức dẫn đến thái quá. Các đề án nhiều đến nỗi mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lên tiếng cảnh báo về “nạn phát triển mù quáng”. Ngay cả việc xây dựng các đập thủy điện cũng vậy, Bộ Môi trường Trung Quốc đã phải đình chỉ một số dự án xây dựng đập trên thượng nguồn sông Dương Tử do không có nghiên cứu cụ thể về tác động môi trường một cách nghiêm túc.

Theo quy hoạch phát triển của Trung Quốc, đến năm 2010, lượng tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP sẽ giảm 20% so với năm 2005, trong khi đó tỉ trọng năng lượng tái sinh trong cơ cấu năng lượng sẽ tăng cao 10%. Ông Lưu Yến Hoa - Thứ trưởng Bộ Khoa học kỹ thuật Trung Quốc nói: “Trong quá trình phấn đấu thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác tích cực với các nước trên thế giới, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng về năng lượng, tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường”.

Theo Báo Le Monde (Pháp), hiện nay, Trung Quốc đang nằm top 4 trong danh sách 10 quốc gia hàng đầu về sản xuất năng lượng tái tạo. Với các kế hoạch đầu tư quy mô lớn như trên, cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ này sẽ có thể trở thành nước hàng đầu về sử dụng các nguồn năng lượng sạch trong tương lai.

Hoàng Trung Dũng