Thủ tướng Đan Mạch có thể bị luận tội vì vụ “bê bối chồn”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc ra lệnh tiêu hủy toàn bộ 15 triệu con chồn nuôi để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 tiếp tục là đề tài tranh cãi ở Đan Mạch. Và lần này, Thủ tướng Mette Frederiksen đã trở thành điểm chốt cuối cùng khi quy trách nhiệm cho các quan chức hàng đầu chỉ đạo việc này.
Nữ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gặp rắc rối vì một quyết định gây tranh cãi

Nữ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gặp rắc rối vì một quyết định gây tranh cãi

Nữ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hiện có nguy cơ bị đưa ra trước Tòa án quốc gia sau cái gọi là Minkgate (tạm dịch là “bê bối chồn”) - được coi là một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất của Đan Mạch trong thời hiện đại.

Vào ngày 4-11-2021, Thủ tướng Đan Mạch tuyên bố với toàn dân rằng, tất cả chồn nuôi nên bị tiêu hủy do lo ngại chúng có thể lây lan một biến thể đột biến của virus SARS-CoV-2 có tên là Cluster 5. Sau đó, hóa ra không có cơ sở pháp lý nào cho lệnh này, nó được cho là vi hiến do luật pháp Đan Mạch không ủng hộ việc giết hại động vật khỏe mạnh. Sau khi tất cả các con vật đã bị thủ tiêu, Thủ tướng Frederiksen đã chỉ ra rằng, bà đưa ra quyết định theo cảnh báo của các cơ quan y tế, đồng thời người thực hiện việc này là do ông Mogens Jensen - Bộ trưởng Thực phẩm lúc bấy giờ. Bộ trưởng Jensen đã từ chức vào tháng 11-2020.

Tuy nhiên, đầu năm nay, một ủy ban đặc biệt đã được bổ nhiệm để điều tra vụ việc. Họ đã thu thập được hơn 1 triệu tài liệu và email để vạch ra diễn biến của các sự kiện. Ủy ban đã yêu cầu đệ trình các tin nhắn văn bản của Thủ tướng kể từ ngày đưa ra quyết định, nhưng chúng đã biến mất. Trợ lý của Thủ tướng Mette Frederiksen trả lời rằng, các tin nhắn sẽ tự động bị xóa sau 30 ngày.

Theo Giáo sư luật Frederik Waag của Đại học Nam Đan Mạch, điều này có thể là hành vi phạm tội, bởi tin nhắn văn bản của lãnh đạo sẽ được coi như thông thường, nếu xóa đi sẽ là việc làm bất hợp pháp. Sau khi sự việc được các phương tiện truyền thông khuấy lên, bà Mette Frederiksen cam kết rằng sẽ cố gắng khôi phục các tin nhắn đã bị xóa. Tuy nhiên, Đài phát thanh Đan Mạch đã thu được tin nhắn văn bản cho thấy, “cánh tay phải” của bà Frederiksen là Ngoại trưởng Barbara Bertelsen đã gây sức ép với một quan chức tại Bộ Thực phẩm là ông Henrik Studsgaard để sau đó khiến cựu Bộ trưởng Mogens Jensen đứng ra nhận trách nhiệm về việc này. “Cơ hội duy nhất để Bộ trưởng xoay chuyển tình thế là chấp nhận nó một cách chân thành và hết lòng. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đẩy trách nhiệm cho người khác - bao gồm cả chính phủ và Thủ tướng - sẽ ảnh hưởng đến ông ấy nhiều hơn” - Ngoại trưởng Berthelsen gửi và các dòng tin nhắn này vẫn còn nguyên trên điện thoại của ông Studsgaard.

Thủ tướng Frederiksen cùng một số bộ trưởng và quan chức chính phủ chủ chốt sẽ ra điều trần trong cuộc điều tra của quốc hội, nhằm xác định liệu chính phủ khi ra quyết định tiêu hủy 15 triệu con chồn vào tháng 11-2020 có cố ý vi phạm luật hay không. Dự kiến Thủ tướng Đan Mạch sẽ ra điều trần vào ngày 9-12. Phe đối lập hy vọng rằng, cuộc điều tra cuối cùng sẽ dẫn đến một phiên tòa luận tội Frederiksen. Hầu hết các đảng phái trong quốc hội vẫn cho rằng quyết định vào thời điểm đó là đúng đắn. Nhưng động thái này đã làm tổn hại đến uy tín của chính phủ vốn được cho là đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng. Cuộc điều tra cũng sẽ làm rõ việc chính phủ ứng phó thế nào khi phát hiện ra rằng việc tiêu hủy chồn sống là trái luật. Những người nuôi chồn hương ở Đan Mạch sau đó đã nhận được tổng số tiền bồi thường là 3 tỷ USD.

Năm ngoái, câu chuyện khơi lên một tình tiết nghiệt ngã khác, đó là các con chồn sau khi bị chôn xuống sâu khoảng 1m bắt đầu lộ ra. Năm nay, công việc đào bới và xử lý những xác chồn bị thối rữa đã được hoàn thành. Hiện các chuyên gia sẽ điều tra xem loại xác động vật này có gây hủy hoại môi trường hay không và liệu có cần phải hành động thêm hay không.