Thu phí tự động không dừng: Đốc thúc, chỉ đạo chán chê vẫn ì ạch

ANTD.VN - Nhà đầu tư BOT kém mặn mà, thậm chí là âm thầm dây dưa, kéo dài triển khai thu phí không dừng. Chủ xe chậm trễ dán thẻ, khi dán thẻ lại bị gây khó khăn...

Chỉ đạo dồn dập vẫn chậm như rùa

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng phương án bàn giao để thực hiện thu phí điện tử tự động không dừng.

“Chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn xây dựng quy trình tổ chức, quản lý thu phí sau khi chuyển giao để thực hiện hình thức thu phí điện tử tự động không dừng (ETC). Tuy nhiên, đến nay, mới có Công ty thu phí tự động VETC và 3 nhà đầu tư dự án BOT gửi văn bản trả lời”- văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu.

Theo đó, đơn vị này yêu cầu các nhà đầu tư dự án BOT sớm xây dựng phương án bàn giao, tiếp nhận nhân sự và tài sản phục vụ công tác thu phí, gửi nhà đầu tư dự án thu phí điện tử tự động không dừng. Các bên cũng cần sớm thống nhất phương án bàn giao, tiếp nhận nhân sự và tài sản.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị các nhà đầu tư dự án ETC xây dựng quy chế phối hợp quản lý, vận hành công tác thu phí gửi các nhà đầu tư dự án BOT; ban hành và thống nhất phương án bàn giao, tiếp nhận nhân sự và tài sản với các nhà đầu tư BOT.

Về tiến độ thực hiện phương án bàn giao, quy chế phối hợp... các nhà đầu tư dự án BOT cần gửi các Cục Quản lý đường bộ trước ngày 25/9/2019. Cục Quản lý đường bộ gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết quả rà soát phương án bàn giao, tiếp nhận và giải quyết lao động, tài sản do các nhà đầu tư dự án BOT trước ngày 7/10/2019.

Việc triển khai thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT vẫn rất chậm chạp dù đã có nhiều chỉ đạo

Trong khi đó, theo tiến độ mà Chính phủ đưa ra mới đây, chậm nhất đến ngày 31/12/2019, các trạm BOT phải triển khai thu phí ETC. Thời hạn theo quy định chỉ còn hơn 3 tháng, nhưng đến nay, tỷ lệ xe dán thẻ Etag cũng như các trạm có thể triển khai ETC vẫn là không nhiều, đặc biệt là các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các công việc để tiến hành thu phí ETC đến nay vẫn đang được gấp rút triển khai. Về việc dán thẻ Eteg cũng như cách nạp tiền vào thẻ, lãnh đạo đơn vị này hy vọng, hết tháng 9 này sẽ hoàn thành thử kiệm nạp tiền qua Vietel Pay thì việc thanh toán sẽ nhanh hơn, thuận tiện hơn, kéo theo số lượng xe dán thẻ Etag cũng tăng mạnh hơn.

Nhiều bất cập

Tuy vậy, theo Công ty VETC (đơn vị triển khai thu phí ETC giai đoạn 1 tại 28 trạm BOT), đến nay, mới có khoảng 800.000 xe ô tô dán thẻ Etag, chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.

Còn đối với các trạm BOT giai đoạn 1, hầu hết 24 trạm đã lắp đặt xong thu phí ETC, chờ ký kết bàn giao giữa nhà đầu tư BOT và Công ty VETC. Tuy nhiên, đến nay cũng mới có 15-18 trạm chốt được chủ trương, còn phải thống nhất cụ thể mới tiến tới ký kết hợp đồng chính thức.

Theo VETC, một số tuyến cao tốc khó có thể hoàn thành việc lắp đặt ETC trong năm nay. Cụ thể, với tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng do Tổng công ty Đầu tư tài chính và Phát triển hạ tầng Việt Nam quản lý, theo tiến độ cập nhật, trong năm 2019 này chưa thể lắp đặt xong.

Còn các tuyến cao tốc do VEC quản lý như Nội Bài- Lào Cai, Cầu Giẽ- Ninh Bình, Long Thành- Dầu Giây, Đà Nẵng- Quảng Ngãi cũng chưa thể hoàn thành lắp đặt, trong năm nay mới chỉ lắp đặt được 15 làn ETC trên cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình.

Đề cập đến việc dán thẻ Etag của không ít chủ xe gặp khó tại các trung tâm đăng kiểm, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Chủ tịch HĐTV Công ty VETC cho biết, giai đoạn trước, việc dán thẻ Etag tại các Trung tâm Đăng kiểm được phía VETC trả công dán.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, doanh thu của VETC từ các trạm thu phí không dừng không đủ để vận hành, nên việc chi trả này phải cắt giảm. Tiền trả công dán thẻ không được tính vào chi phí đầu tư nên không thể sử dụng từ nguồn vốn vay.

Về than phiền của một số chủ xe đã dán thẻ Etag nhưng chưa phát huy được tác dụng, đi qua nhiều trạm  BOT vẫn phải mua vé thủ công, ông Dưỡng phân trần, trong số 800.000 xe đã dán thẻ Etag thì phần lớn ở Hà Nội và TP.HCM.

Trên thực tế, tại các trạm BOT ra vào Hà Nội hầu hết chưa được triển khai thu phí ETC, mới có mỗi trạm trên quốc lộ 1 đoạn Hà Nội- Bắc Giang.

Liên quan đến kỳ vọng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam sau thời điểm thử nghiệm Viettel Pay thì số lượng xe dán thẻ Etag và sử dụng sẽ tăng mạnh, ông Dưỡng cho rằng, không đặt quá nhiều hy vọng vào việc này.

“VETC đã liên kết với 5 ví điện tử để nạp tiền vào tài khoản Etag. Quan trọng vẫn là chủ trương, chính sách được thực hiện nhất quán và nghiêm túc”- ông Dưỡng bày tỏ.