Thu được bao nhiêu thuế từ thương mại điện tử liên quan Facebook, Google, YouTube?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 08 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế.

Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản trao đổi, đối thoại và hướng dẫn các Nhà cung cấp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thực hiện kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế Việt Nam.

Theo số liệu tại hệ thống quản lý thuế thì hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 08 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế. Số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Đối với các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... từ năm 2018 đến hết tháng 9/2021 thì các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền khoảng 4.099,68 tỷ đồng. Trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.576,72 tỷ đồng; Google là 1.529,25 tỷ đồng; Microsoft là 533,01 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế đề nghị Facebook, Google, YouTube... thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế

Tổng cục Thuế đề nghị Facebook, Google, YouTube... thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế

Theo đó, năm 2020 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt khoảng 1.143,8 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 1.017,38 tỷ đồng, bằng 88,95% năm 2020.

Hiện tại, Tổng cục Thuế đang tiếp tục có các văn bản đề nghị các công ty này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Cơ quan thuế cũng cho biết, triển khai thực hiện quy định tại Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, ngày 29/09/2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

Tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC đã có một chương riêng quy định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (Chương IX, từ Điều 73 đến Điều 81).

Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nếu có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam thì trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế với cơ quan thuế Việt Nam.

Việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài được thực hiện bằng phương thức điện tử trên Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế từ 01/01/2022 khi Thông tư số 80/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành.

Về cách thu thuế và mức thu, việc quản lý thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài được thực hiện theo nguyên tắc tự tính, tự khai, tự nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế và bình đẳng như các doanh nghiệp trong nước.

Cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, ngân hàng thương mại và cơ quan thuế các nước để thực hiện các biện pháp quản lý thuế đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài.

Mức thu (thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp) được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật về thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành.