Thông xe 2 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam gồm Mai Sơn- quốc lộ 45 và Dầu Giây- Phan Thiết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay, 29/4, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bình Thuận chính thức tổ chức khánh thành và thông xe 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Dự án cao tốc Mai Sơn- quốc lộ 45 có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km đi qua các tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa.

Dự án có điểm đầu (Km274+111,86) tại nút giao Mai Sơn kết nối với Đường tỉnh 477 (trùng với điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối (Km337+478,11 trùng với điểm đầu dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Cao tốc Mai Sơn- quốc lộ 45 được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 120km/h, tuy nhiên giai đoạn đầu phân kỳ vận tốc 80km/h. Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe, làn dừng khẩn cấp được bố trí theo từng đoạn.

Tổng mức đầu tư cao tốc Mai Sơn- quốc lộ 45 là 12.111 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành cắt băng khánh thành cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết vào sáng nay, 29/4 (ảnh Đoàn Bắc)

Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành cắt băng khánh thành cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết vào sáng nay, 29/4 (ảnh Đoàn Bắc)

Cao tốc Mai Sơn- quốc lộ 45 hoàn thành, đưa vào khai thác rút ngắn hành trình di chuyển, đẩy nhanh thời gian kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, cũng như từ Bắc vào Nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến.

Bên cạnh đó, việc hoàn thành đưa vào khai thác dự án sẽ khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1A đoạn qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá.

Cao tốc Mai Sơn- quốc lộ 45 giúp rút ngắn quãng đường di chuyển từ TP Hà Nội đến Thanh Hóa

Cao tốc Mai Sơn- quốc lộ 45 giúp rút ngắn quãng đường di chuyển từ TP Hà Nội đến Thanh Hóa

Còn cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết có chiều dài 99 km đi qua các tỉnh: Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai. Cao tốc này được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A vận tốc thiết kế 120km/h, giai đoạn phân kỳ 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết là 12.577,5 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước.

Theo Bộ GTVT, cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1A.

Dù vậy, giai đoạn phân kỳ tuyến cao tốc Mai Sơn- QL45 mới được đầu tư 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến

Dù vậy, giai đoạn phân kỳ tuyến cao tốc Mai Sơn- QL45 mới được đầu tư 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến

Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ; cũng như từ Bắc vào Nam.

Hướng đến mục tiêu có 3.000km cao tốc vào 2025

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ thông xe sáng nay, 29/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết dự án cao tốc Bắc- Nam trong đó có 2 dự án thành phần Mai Sơn- quốc lộ 45 và Phan Thiết- Dầu Giây được thi công trong bối cảnh khó khăn như dịch bệnh, chiến sự, lạm phát tăng cao tác động đến giá nguyên vật liệu…

Nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng các cấp ngành và nỗ lực của doanh nghiệp cùng sự chia sẻ của nhân dân chúng ta đã hoàn thành 2 dự án thành phần, đưa vào thông xe, và tháng 5 tới đây sẽ có thêm một dự án thành phần nữa hoàn thành.

Cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết cũng đã được thông xe vào sáng nay, 29/4

Cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết cũng đã được thông xe vào sáng nay, 29/4

“Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, với tinh thần khó đến đâu giải quyết đến đó, vướng mắc ở đâu giải quyết ở đó, khó khăn vướng mắc cấp nào thì cấp đó giải quyết…”- Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng nhìn nhận, các dự án cao tốc khánh thành ngày hôm nay có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của các tỉnh trong khu vực. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp các Bộ, ngành tổ chức giao thông trên tuyến cho phù hợp và phát huy hiệu quả của dự án, sớm hoàn thiện các hạng mục còn lại trên tuyến.

Đặc biệt, Bộ GTVT cần bám sát chỉ đạo sâu sát đưa các đoạn tuyến còn lại của dự án cao tốc Bắc- Nam vào khai thác, nhất là tuyến Vĩnh Hảo-Phan Thiết.

Cũng theo Thủ tướng, thời gian qua nhiều công trình giao thông hiện đại đang được tích cực xây dựng tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lợi thế và khai thác hiệu quả hơn về nguồn lực đất đai và phát triển kinh tế.

Theo Nghị quyết đại hội Đảng đã đưa ra, đến năm 2025 chúng ta phải có 3.000km cao tốc và đến năm 2030 phải có 5.000km cao tốc.

Trong khi đó, từ năm 2000, chúng ta bắt đầu xây dựng đường cao tốc, đến năm 2020 mới có 1.000km. Từ năm 2021 đến 2025 chúng ta phải hoàn thành 3.000km cao tốc, như vậy trong 5 năm phải hoàn thành số lượng gấp đôi 20 năm qua; và đến 2030 phải hoàn thành 5.000km cao tốc, khối lượng gấp 4 lần 20 năm về trước.

“Đây là nhiệm vụ hết sức thách thức và khó khăn. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân nơi có dự án đi qua chúng ta mới có thể làm được.

Những yêu cầu mục tiêu đặt ra còn rất lớn, chúng ta còn phải phấn đầu nhiều hơn trong thời gian tới đây. Hành lang vận tải Bắc Nam đóng vai trò quan trọng, tuyến xương sống để phát triển kinh tế xã hội của cả nước, do vậy nhiệm vụ dù khó đến đâu chúng ta cũng phải cố gắng hoàn thành”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công).

Phương án tổ chức giao thông 2 tuyến cao tốc

Bộ GTVT đã phê duyệt Phương án tổ chức giao thông hai tuyến cao tốc để sau lễ khánh thành tổ chức ngày 29/4/2023, các phương tiện giao thông sẽ được phép lưu thông trên 2 đoạn tuyến cao tốc theo các quy định cơ bản như sau:

- Đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô, các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường ô tô cao tốc: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc (ngoại trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc).

- Người, phương tiện thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường cao tốc.

- Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm được Chính phủ quy định trong Nghị định 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 chỉ được lưu thông trên đường cao tốc khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

- Người lái xe tham gia giao thông trên đường cao tốc phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, các quy tắc tham gia an toàn theo quy định pháp luật hiện hành (Không cho xe chạy vào nơi dừng đỗ khẩn cấp và phần lề đường; không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường; người lái xe trên đường cao tốc khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe khẩn cấp người lái xe phải đưa xe ra làn dừng xe khẩn cấp đặt các vật báo hiệu và thông báo đường dây nóng hỗ trợ...)