Thông điệp hòa bình cho năm mới 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau một năm 2022 đầy biến động, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước trên thế giới trong năm 2023 đặt hòa bình làm trọng tâm trong mọi lời nói và hành động.

“Xung đột” là từ khóa “nóng” nhất trên các công cụ tìm kiếm

Trong video thông điệp Năm mới, ông Guterres nhấn mạnh: “Năm 2023, chúng ta hãy đặt hòa bình làm trọng tâm trong mọi lời nói và hành động của mình. Năm 2023, chúng ta cần hòa bình hơn bao giờ hết. Hòa bình với nhau, thông qua đối thoại để chấm dứt xung đột. Hòa bình với thiên nhiên và khí hậu, để xây dựng một thế giới bền vững hơn”.

Tổng thư kỳ LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh ưu tiên đặt hòa bình làm trọng tâm trong năm 2023

Tổng thư kỳ LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh ưu tiên đặt hòa bình làm trọng tâm trong năm 2023

Việc người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh nhấn mạnh nhu cầu hòa bình trong năm 2023 không phải ngẫu nhiên, bởi thế giới đang đứng trước nhiều bất ổn. Không sai nếu nói rằng “xung đột” là từ khóa “nóng” nhất trên các công cụ tìm kiếm, truyền thông chính thống, mạng xã hội, từ những cuộc thảo luận giữa lãnh đạo cấp cao, quan chức ngoại giao, giới nghiên cứu tới câu chuyện bên ly cà phê của người dân trên toàn thế giới.

Tháng 2-2022, cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn đã làm bùng phát cuộc xung đột lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai ở Ukraine. Đến nay, xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 10 tháng, tác động nặng nề tới an ninh, chính trị toàn cầu, dẫn đến những cuộc khủng hoảng năng lượng và khí đốt trên thế giới. Giao tranh ác liệt tàn phá nhiều khu vực Ukraine, khiến hơn 14 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn.

Người dân Syria phải đi tị nạn do xung đột vũ trang

Người dân Syria phải đi tị nạn do xung đột vũ trang

Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, triển vọng đàm phán hòa bình vẫn mờ mịt bởi tư duy muốn giành ưu thế bằng chiến thắng trên chiến trường vẫn lấn át. Tuy nhiên, diễn biến trên thực địa cho thấy cuộc xung đột đang đi vào ngõ cụt. Mùa đông băng giá, mặt đất biến thành bùn, chiến sự trở nên khó khăn. Nga tăng cường phòng thủ, các cuộc tấn công nhỏ lẻ của Ukraine thì không đủ sức giành lại các khu vực đã mất. Theo các nhà phân tích, xung đột Nga - Ukraine sẽ tiếp tục làm nóng tình hình thế giới trong năm 2023 và có thể tới năm 2024.

Năm 2022, thế giới còn chứng kiến nhiều mối đe dọa, thách thức an ninh truyền thống như căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, vấn đề vũ khí hạt nhân của Iran, những diễn biến bất ngờ trên Biển Đông, quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan... Những điểm nóng dai dẳng ở Trung Đông và châu Phi như căng thẳng giữa Palestine và Israel, xung đột ở Syria, Ethiopia, CHDC Congo, Yemen… vẫn chưa hạ nhiệt. Hệ quả từ các cuộc xung đột trên cùng nạn cháy rừng, hạn hán và nghèo đói là hơn 100 triệu người trên thế giới đã phải đi lánh nạn.

Xung đột ở Syria vẫn là một trong những điểm nóng của thế giới trong năm 2023

Xung đột ở Syria vẫn là một trong những điểm nóng của thế giới trong năm 2023

Trong khi đó, cuộc chạy đua vũ trang đang có dấu hiệu gia tăng. Theo con số thống kê, chi phí quân sự toàn cầu đã chạm mức hậu Chiến tranh Lạnh là 2,1 nghìn tỷ USD. Với việc một loạt các quốc gia tuyên bố tăng chi tiêu quân sự, con số này nhiều khả năng sẽ vượt mức 2,3 nghìn tỷ USD. Đứng đầu là Mỹ với 778 tỷ USD, gần bằng 40% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Tiếp đó là Trung Quốc với 230 tỷ USD, Ấn Độ hơn 75 tỷ USD và Anh với gần 70 tỷ USD.

Năm 2022 còn chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt hiện tượng khí hậu dị thường khắp thế giới, từ lũ lụt ở Pakistan, mùa hè nóng nhất châu Âu trong 500 năm đến các trận bão lớn tại Philippines, Cuba, Mỹ hay Việt Nam. Thỏa thuận tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) hay Hội nghị của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) là đáng hoan nghênh, song nó cũng cho thấy còn đó nhiều khác biệt giữa các quốc gia trong ứng phó với các thách thức chung này. Nó đòi hỏi thế giới phải nỗ lực để thực hiện điều mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh: “Hòa bình với thiên nhiên và khí hậu, để xây dựng một thế giới bền vững hơn”.

Chung tay hành động thì thế giới mới có hòa bình

Nhìn lại bức tranh tổng thể trong năm 2022, có thể nói có rất nhiều lý do để bi quan, tuyệt vọng. Nhưng theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres, đó không phải là một lựa chọn. Ông Guterres cho rằng: “Không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ là những giải pháp thiết thực đang tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa cho cuộc sống của mọi người. Những giải pháp phải đưa chúng ta đến con đường hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, yên bình hơn”.

Lấy ví dụ cụ thể, Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ ra rằng, ở Ethiopia, việc chấm dứt chiến sự và thực hiện các thỏa thuận đã được đưa ra. Trong khi tại CHDC Congo, các nỗ lực ngoại giao do Angola và Cộng đồng Đông Phi dẫn đầu đã tạo ra một khuôn khổ đối thoại chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông nước này. Thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen cũng mang lại lợi ích thực sự cho người dân khi các chuyến bay dân sự đã nối lại từ Thủ đô Sanaa và các hàng hóa quan trọng cuối cùng cũng đã được lưu thông qua cảng Hodeidah.

Không những thế, ngay cả khi vẫn còn tồn tại những thách thức căng thẳng như cuộc xung đột Nga - Ukraine, nỗ lực của cộng đồng quốc tế vẫn có thể đưa đến kết quả tích cực như việc ký kết Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen giữa Nga với Ukraine thông qua trung gian hòa giải của Tổng thư ký Liên hợp quốc và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ thỏa thuận này, xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga và Ukraine đã được thực hiện ngay trong bối cảnh xung đột đang diễn ra. Hơn 14 triệu tấn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác đã được vận chuyển từ các cảng Biển Đen ở Ukraine. Trong khi đó, các hoạt động xuất khẩu lúa mì của Nga cũng đã tăng gấp 3 lần. Nhờ đó, chỉ số giá lương thực đã giảm trong 8 tháng liên tiếp (ở mức khoảng 15%) và điều này đã giúp hàng triệu người trên toàn cầu thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực.

Thế giới có thể hy vọng về chuyển biến trong năm 2023 theo hướng tích cực còn bởi hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn trên thế giới. Thêm vào đó, thế giới đang trong quá trình chuyển đổi, dù trật tự đa cực chưa định hình rõ nét nhưng tình trạng đơn cực đã không còn quá chi phối. Sức mạnh của Mỹ không còn vượt trội để áp đặt nước khác theo ý chí của riêng mình, so sánh lực lượng ngày càng có xu hướng “cân bằng”, buộc các nước phải “cân nhắc” hành vi của mình khi sức mạnh không còn áp đảo. Nó cho phép các nước nhỏ có sự lựa chọn, không phải chọn bên mà chọn lẽ phải, chọn chân lý trước những vấn đề tranh chấp toàn cầu để tránh bị cuốn vào đối đầu, xung đột.

Cũng cần thấy rằng quá trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế thế giới tuy gặp nhiều khó khăn do chủ nghĩa bảo hộ tái hiện nhưng vẫn diễn ra mạnh mẽ với sự xuất hiện của các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Điều này cho thấy các nước đều mong muốn có hòa bình để phát triển kinh tế, giải quyết thách thức đói nghèo. Trên thực tế, các nước đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng tâm.

Vấn đề còn lại là phải chung tay hành động thì thế giới mới có hòa bình, đúng như Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres khẳng định: “Chúng ta không thể chấp nhận mọi thứ như hiện tại. Chúng ta cần tìm kiếm giải pháp và hành động”.