Thông điệp “công lý và lẽ phải” của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc người đứng đầu Chính phủ nước ta tới thăm trụ sở chính của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại thành phố La Haye của Hà Lan thể hiện thông điệp của Việt Nam về ủng hộ hòa bình, trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Một bước tiến quan trọng trong hội nhập quốc tế

Nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào chiều 11-12 (giờ địa phương) đã đến thăm trụ sở chính của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại Cung điện Hòa bình ở thành phố The Hague, Hà Lan. Đây là chuyến thăm trụ sở PCA lần đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và gặp lại Tiến sĩ Marcin Czepelak - Tổng Thư ký PCA - sau chưa đầy 1 tháng.

Ngày 21-11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak trong lần đầu tiên thăm Việt Nam trên cương vị lãnh đạo cơ quan này, đồng thời để khai trương Văn phòng đại diện của PCA tại Hà Nội và gắn biển tên “Ngôi nhà Hòa Bình” cho trụ sở Văn phòng. Việc người đứng đầu Chính phủ nước ta thăm trụ sở của PCA tại La Haye không lâu sau khi Tổng Thư ký cơ quan này khánh thành Văn phòng PCA ở Hà Nội - văn phòng thứ 5 của tổ chức chức này trên toàn thế giới - cho thấy sự phát triển nhanh chóng và tích cực của mối quan hệ hợp tác song phương.

Tiến sĩ Marcin Czepelak - Tổng Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm trụ sở chính của Tòa Trọng tài Thường trực tại Cung điện Hòa bình ở thành phố The Hague, Hà Lan

Tiến sĩ Marcin Czepelak - Tổng Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm trụ sở chính của Tòa Trọng tài Thường trực tại Cung điện Hòa bình ở thành phố The Hague, Hà Lan

PCA được thành lập năm 1899 tại thành phố The Hague theo Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1899 (Công ước 1899) và Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1907 (Công ước năm 1907), hiện là một tổ chức quốc tế liên Chính phủ với 122 quốc gia thành viên, có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với pháp nhân nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế - đầu tư. PCA cho tới nay đã hỗ trợ giải quyết hơn 200 tranh chấp quốc tế trên những lĩnh vực như biên giới, lãnh thổ, phân định biển, kinh tế - đầu tư; trong đó, hơn 40% số vụ việc do PCA thụ lý hiện nay liên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một trong những vụ việc tiêu biểu là Vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc vào năm 2016. Phán quyết của PCA đưa ra ngày 12-7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines có tác động rất lớn tới giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Theo đó, PCA khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và thực tiễn để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông theo yêu sách “Đường lưỡi bò”, mọi đòi hỏi của quyền của Trung Quốc tên vùng biển này là phi pháp và phi lý.

Sau khi Việt Nam tham gia PCA năm 2011, quan hệ hợp tác hai bên đã có những phát triển tích cực, PCA duy trì các chuyến thăm và làm việc đến Việt Nam, trong đó có chuyến thăm của Tổng Thư ký PCA tháng 6-2014 với việc hai bên ký Hiệp định nước chủ nhà và Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và PCA. Việt Nam cũng đã cử 4 trọng tài viên tham gia danh sách trọng tài viên của PCA.

Việc PCA thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam trong khi có nhiều quốc gia khác có ý định thành lập văn phòng của tổ chức này tại nước họ cho thấy vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng lớn đối với cộng đồng quốc tế; đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hội nhập quốc tế cũng như thể hiện thái độ của Việt Nam đối với luật quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương trên thế giới. Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các Hiệp định thương mại đa phương này bên cạnh những thuận lợi, lợi ích cũng có thể tiềm ẩn những nguy cơ tranh chấp giữa các quốc gia thành viên, nên PCA sẽ là một thiết chế quan trọng để có thể giải quyết tranh chấp giữa các bên với nhau.

Ủng hộ hòa bình, trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế

Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11 vừa qua đã đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh, với việc ủng hộ và hỗ trợ khai trương Văn phòng PCA tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam tiếp tục thể hiện cam kết và tinh thần trách nhiệm, đóng góp thúc đẩy thực thi luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và PCA tiến triển nhanh chóng và tích cực bởi dựa trên nền tảng những điểm tương đồng rất quan trọng, đó là cùng ủng hộ hòa bình, trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết hoà bình tranh chấp. Việt Nam với những đóng góp và hành động có trách nhiệm đã minh chứng là quốc gia yêu chuộng hòa bình, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn đề cao chủ nghĩa đa phương, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Việt Nam hiện đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả, trong đó có hội nhập về luật pháp. Vì vậy, Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với PCA trong tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ xử lý các tranh chấp trong quá trình hội nhập quốc tế.

Gặp lại Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak sau chưa đầy 1 tháng và nhất là tại trụ sở của tổ chức này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định trong quá trình hội nhập quốc tế, với tinh thần tuân thủ các cam kết quốc tế, Việt Nam sẵn sàng giải quyết các tranh chấp quốc tế với các đối tác nước ngoài tại các cơ quan trung gian, hòa giải và trọng tài quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Thủ tướng đề nghị PCA thông qua Văn phòng đại diện tại Hà Nôi tích cực hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam về kinh nghiệm ứng xử với các vấn đề về lãnh thổ, kinh tế, thương mại…

Tổng Thư ký Marcin Czepelak cùng với việc bày tỏ tình cảm đặc biệt với Việt Nam, đã khẳng định tôn chỉ của PCA cũng chính là định hướng mà Việt Nam đang theo đuổi “không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải”. Nhà lãnh đạo PCA đồng thời đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Tổng Thư ký PCA nhân dịp này cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ Việt Nam quan tâm, dành nguồn lực hỗ trợ PCA mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội, thể hiện sự tin tưởng của Việt Nam đối với PCA. Ông khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực; thông báo PCA đang tuyển dụng chuyên gia Việt Nam cho hoạt động của Văn phòng đại diện tại Việt Nam.