Thỏa hiệp để thoát hiểm

(ANTĐ) - Trái với những lo ngại trước đó, Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã vượt qua được các mâu thuẫn gay gắt để đi đến thỏa hiệp. Xem ra trước nguy cơ xuất hiện cơn bão táp khủng hoảng toàn cầu, không ai dám mạo hiểm với những giải pháp đơn phương.

Thỏa hiệp để thoát hiểm

(ANTĐ) - Trái với những lo ngại trước đó, Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã vượt qua được các mâu thuẫn gay gắt để đi đến thỏa hiệp. Xem ra trước nguy cơ xuất hiện cơn bão táp khủng hoảng toàn cầu, không ai dám mạo hiểm với những giải pháp đơn phương.

5.000 tỷ USD chấn hưng kinh tế toàn cầu

Ngày 3-4, Thủ tướng Anh Gordon Brown tiết lộ, các nguyên thủ quốc gia dự Hội nghị G20 đã cùng tuyên thệ từ nay đến cuối năm 2010 sẽ đầu tư 5.000 tỷ USD để chấn hưng nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông Gordon Brown, quyết định này tuy không giúp giải quyết ngay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng “có thể rút ngắn thời kỳ suy thoái”. Trước mắt, các thành viên G20 đã nhất trí đầu tư 1.000 tỷ USD, và các nước trên thế giới có thể thông qua IMF để xin viện trợ. Ngay sau khi lời tuyên thệ này được công bố, thị trường thế giới đã có phản ứng tích cực. Các chỉ số của thị trường cổ phiếu châu Âu tăng 5%, chỉ số Dow Jones và Nasdaq của Mỹ tăng lần lượt 3,6% và 4%.

Hội nghị cấp cao G20 đã bế mạc thành công ngày 2-4 (theo giờ London). Theo đánh giá của lãnh đạo các quốc gia tham dự, hội nghị đã đạt được những thành quả lớn hơn dự kiến. 

Bảo Trâm

 (Theo Chinanews)

Có thể nói hiếm khi trong lịch sử, các cường quốc kinh tế lại nặng lời với nhau đến vậy. Lớn tiếng nhất là các nước châu Âu, đứng đầu là Pháp và Đức. Trong con mắt của châu Âu, mầm mống của cuộc khủng hoảng hiện nay là sự sụp đổ của nền kinh tế ảo ở Mỹ mà nguyên nhân là do thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả hệ thống tài chính. Chính vì thế, lối thoát phải được bắt đầu từ việc “đại tu” hệ thống các nguyên tắc tài chính, trước hết là ở Mỹ.

Đã chẳng biết lỗi, Mỹ lại ép các nước khác chấp thuận giải pháp của mình. Washington cho rằng các nước cần “bơm tiền” kích cầu nền kinh tế, việc làm mà theo châu Âu là khó đưa đến kết quả cụ thể, chỉ làm phức tạp thêm tình hình tài chính quốc gia. Mâu thuẫn căng thẳng đến mức Tổng thống Pháp N. Sarkozy cảnh báo sẽ không ký tuyên bố chung nếu những đề xuất của nước này không được chấp nhận.

Thế nhưng hội nghị còn chưa kết thúc, một giải pháp tổng thể đã được các nước G-20 đưa ra. Theo Thủ tướng Anh G. Brown, đại diện nước chủ nhà, các giải pháp này gồm việc áp dụng những biện pháp cần thiết để khôi phục việc làm và tăng trưởng; chỉnh đốn hệ thống tài chính thế giới để bảo đảm lòng tin của người dân vào hệ thống này; củng cố các thể chế tài chính toàn cầu; phản đối chủ nghĩa bảo hộ và cam kết chi 1,1 nghìn tỷ USD để giúp khôi phục kinh tế thế giới.

Không khó để có thể tìm được lời giải thích cho cú đột phá này. Chưa bao giờ nền kinh tế toàn cầu lại lâm bệnh nặng như hiện nay. Ngay cả người lạc quan nhất cũng chỉ dám dự đoán kinh tế thế giới có thể khởi sắc vào cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010. Còn người bi quan cảnh báo nguy cơ đại suy thoái có thể kéo dài 5, thậm chí là 10 năm nữa. Hệ thống tín dụng tê liệt sẽ đưa nền kinh tế thế giới vào vòng lẩn quẩn: Địa ốc, đầu tư, tiêu thụ tụt dốc, nạn thất nghiệp bùng nổ và các thị trường chứng khoán “rớt” liên tục...

Dù mâu thuẫn gay gắt nhưng cả Mỹ và châu Âu đều hiểu rằng, trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, khi các nền kinh tế ràng buộc chặt chẽ với nhau, chẳng nước nào có thể tránh được cơn bão táp khủng hoảng toàn cầu một khi nó nổi lên. Tất cả đều như đang trên cùng một con thuyền trước cơn sóng dữ, không đồng tay chèo thì chỉ có chết chìm. Phải thỏa hiệp là lối thoát duy nhất để thoát khỏi hiểm họa.

Điều đó giải thích vì sao thỏa thuận mà G-20 thông qua tại hội nghị lần này là sự kết hợp giữa giải pháp “bơm tiền” của Mỹ và đòi hỏi “thiết lập các quy định tài chính mới” của châu Âu. Sẽ có 1,1 tỷ USD được “bơm” vào các nền kinh tế nhưng cũng sẽ có các ràng buộc như kiểm soát chặt hơn việc chi trả tiền lương hay tiền thưởng của các ngân hàng, áp dụng quy định chặt chẽ hơn với các quỹ đầu cơ và tổ chức xếp hạng tín dụng...

Dù mới chỉ là thỏa thuận trên giấy nhưng có thể nói kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này là bước đi thiết thực đầu tiên trong nỗ lực đa phương ngăn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hoàng Sơn