Thờ ơ với… đăng ký thông tin thuê bao trả trước

(ANTĐ) - Chỉ còn 2 ngày nữa, ngày 31-12, những thuê bao di động trả trước chưa đăng ký thông tin cá nhân sẽ bị khóa và nhà mạng thu hồi lại. Đến thời điểm này, thuê bao trả trước chưa đăng ký thông tin cá nhân không nhiều, nhưng nan giải nhất là thuê bao đã được “khai sinh” khống nằm ở đại lý bán lẻ.

Thờ ơ với… đăng ký thông tin thuê bao trả trước

(ANTĐ) - Chỉ còn 2 ngày nữa, ngày 31-12, những thuê bao di động trả trước chưa đăng ký thông tin cá nhân sẽ bị khóa và nhà mạng thu hồi lại. Đến thời điểm này, thuê bao trả trước chưa đăng ký thông tin cá nhân không nhiều, nhưng nan giải nhất là thuê bao đã được “khai sinh” khống nằm ở đại lý bán lẻ.

Các đại lý viễn thông cấp 1, cấp 2 thực hiện nghiêm việc đăng ký thông tin thuê bao (ảnh minh họa)
Các đại lý viễn thông cấp 1, cấp 2 thực hiện nghiêm việc đăng ký thông tin thuê bao (ảnh minh họa)

Khách hàng không quan tâm

Khi được hỏi về địa điểm đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao trả trước, chủ thuê bao 092.72xxxxx của mạng Vietnammobile ngạc nhiên: “Đăng ký gì cơ? Tôi mua sim trên đường Nguyễn Hoàng Tôn và chỉ việc lắp vào nghe, gọi”. Được nghe lý giải cặn kẽ về quy định buộc phải đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao di động trả trước, khách hàng này lập luận: “Có thể mạng này ít người dùng, còn nhiều số nên chưa phải đăng ký”.

Theo ghi nhận của PV ANTĐ, không ít khách hàng của các mạng di động khác: Vinaphone, Mobifone, Viettel… đều mù mờ về quy định này. Anh X. hành nghề “xe ôm” tại đầu đường Trần Khát Chân cho biết: “Cứ hết tiền trong tài khoản là tôi ra cửa hàng ở gần đây mua sim mới về dùng. Mua sim khuyến mại rẻ hơn mua thẻ”. Cũng theo anh X., vào bất kỳ cửa hàng bán sim, thẻ nào, anh đều có thể mua được sim “chỉ việc dùng” và anh không biết điểm nào có thể đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao di động trả trước.

Không biết phải đăng ký thông tin ở đâu, không hiểu đăng ký thông tin cá nhân chính xác có vai trò quan trọng như thế nào, điều đó chứng tỏ nhận thức của một bộ phận người dân về quy định này còn thấp. Thêm vào đó, họ được người bán hàng giúp hộ khâu đăng ký nên họ càng thiếu quan tâm.

Khó xử lý vi phạm

Trước ngày hết hạn đăng ký, vi phạm chủ yếu vẫn xảy ra đối với những chiếc sim chưa được sử dụng, trong đó phần lớn là sim 11 số. Không khó để tìm thấy sim đã được “khai sinh” nhưng vẫn “nguyên đai nguyên kiện” tại các cửa hàng tạp hóa, sạp báo. Nhiều cửa hàng còn công khai “dàn hàng” sim trong tủ kính cho khách hàng thoải mái lựa chọn. Tuy nhiên, những điểm bán sim lẻ chỉ là nơi phân phối đến tay người tiêu dùng, rất ít trong số đó làm công việc đăng ký hàng loạt sim. Chị P., bán lẻ sim trên phố Giảng Võ phân trần: “Chúng tôi mua sim đã kích hoạt về bán lại cho khách. Sim đã đăng ký mua, bán đều dễ dàng hơn sim chưa đăng ký. Khách hàng sẽ bỏ đi hàng khác nếu bán sim “cỏ” cho họ mà chưa đăng ký”.

Trong khi đó, kết quả khảo sát tại các đại lý cấp 1, cấp 2 của các doanh nghiệp viễn thông cho thấy, họ thực hiện nghiêm túc và tương đối chính xác công việc đăng ký; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng nhất cho khách hàng. Như vậy, sai phạm phát sinh chủ yếu được xác định là ở các cửa hàng lớn kinh doanh sim, thẻ (có thể chưa được công nhận là đại lý cấp 2 hoặc cấp 3). Tuy nhiên, việc kiểm tra để “chỉ mặt đặt tên” đại lý làm sai và xử phạt họ không hề đơn giản. Nếu chỉ xử lý người bán lẻ bằng cách thu hồi và phạt tiền thì vi phạm chưa bị khử tận gốc!

Được biết, Viettel đang là mạng dẫn đầu về xử phạt các đại lý vi phạm việc đăng ký với hơn 10.000 đại lý bị xử lý và tổng số tiền phạt lên tới vài chục tỷ đồng. Các mạng Vinaphone, Mobifone cũng ráo riết kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo một khách hàng, các mạng nên theo dõi bằng cách: khi thuê bao mới bắt đầu thực hiện giao dịch, nhân viên chăm sóc khách hàng gọi kiểm tra thông tin và báo lại với nhà mạng để có biện pháp xử lý kịp thời nếu thông tin đăng ký chưa chính xác.

Vân Hằng