Thiệt hại nặng nề bởi Covid-19, doanh nghiệp xin cơ chế hoạt động

ANTD.VN - Dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ, đóng cửa nhưng nếu được "tiếp sức" kịp thời, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phục hồi rất nhanh.

Thiệt hại nặng nề bởi Covid-19, doanh nghiệp xin cơ chế hoạt động ảnh 1

Doanh nghiệp tìm cơ trong nguy sẽ nhanh chóng khôi phục kinh tế

Doanh nghiệp thua lỗ vì Covid-19

Báo cáo tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2020 diễn ra sáng nay (9-5), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào cảnh “ngủ đông” trong suốt 3 tháng qua.

Trong tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp phải đối mặt với “khó khăn kép”: vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như: may mặc, da giầy, điện tử, điện thoại, sản xuất ô tô.

Doanh thu của các doanh nghiệp trong quý I năm 2020 và dự báo cả năm năm 2020 bị sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các quý, năm tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Bộ KH-ĐT thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao. Gần 58% số doanh nghiệp bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Doanh thu quý I năm 2020 của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số doanh nghiệp  đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp liên quan đến lao động: gần 30% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương lao động. Thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I năm 2020 cũng bị giảm cả về số lượng và tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tuy nhiên, gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục  những tác động tiêu cực của  dịch bệnh như: áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh...

Đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, cứu trợ doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế”

Đồng quan điểm cho rằng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhưng ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho hay, khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực hiện cuối tháng 4, đầu tháng 5 của VCCI cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp đã tốt lên rất nhiều so với cuộc khảo sát thực hiện hồi đầu tháng 3-2020.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI kiến nghị Chính phủ miễn giảm 1 số sắc thuế, nới zoom tín dụng… giúp doanh nghiệp.

“Cần thúc đẩy nhanh, mạnh, hiệu quả gói cứu trợ. Nhanh một ngày doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp không còn thì hà hơi tiếp sức  cũng không có tác dụng. Trong nguy có cơ, chống dịch nhưng nhiệm vụ sản xuất vẫn phải phát triển”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh: “biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế”. Cụ thể, là cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy đầu tư công để kích hoạt đầu tư tư nhân; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao khả quản trị của doanh nghiệp;

Đặc biệt là đẩy mạnh cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “người Việt Nam tự hào về hàng Việt Nam” đến hết năm 2020.

Có như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay có thể đạt được.