Thi xong, ai về nhà nấy

ANTĐ - Kết thúc SEA Games 26, các VĐV được nghỉ xả hơi vài tuần, trước khi tập luyện trở lại để chuẩn bị cho các giải đấu sắp tới. Trong khi các đội tuyển thuộc nhóm thể thao giải trí sẽ phải đối mặt với nguy cơ xóa sổ.

Số phận các đội tuyển thể thao giải trí

thường bấp bênh sau mỗi kỳ SEA Games

Đi thi vì niềm đam mê

SEA Games thường bị coi như “ngày hội làng” mà ở đó, nước chủ nhà đưa nhiều môn sở trường của mình vào thi đấu nhằm tăng số lượng huy chương. Song ở khía cạnh tích cực, đó lại là cơ hội cho nhiều VĐV các nước (trong đó có Việt Nam) được tập luyện, thi đấu và giao lưu tại các môn thể thao yêu thích. SEA Games vừa qua, đoàn TTVN có 9 môn đi theo hình thức xã hội hóa (tự bỏ tiền túi hoặc kêu gọi tài trợ). Ngoài các môn có sự hỗ trợ của Nhà nước như bóng rổ, shorinji kempo thì nhóm môn thể thao giải trí như dù lượn, bóng chày, leo tường, patin, bowling đều phải tự túc kinh phí.

Điểm đặc biệt là các VĐV nhóm này đều có chung sở thích, tự tập luyện, thành lập đội tuyển và du đấu chỉ với mục đích thỏa mãn niềm đam mê thể thao. Và thực tế là ngoài tấm HCB của Phan Thanh Nhiên (leo tường), các môn còn lại đều không đạt thành tích cao trong lần đầu tiên tham dự. VĐV Lương Hoàng Hà chia sẻ: “Chuyện thành tích chỉ là thứ yếu, bởi với các thành viên tuyển dù lượn Việt Nam, việc được thỏa niềm đam mê bay lượn trên không trung và giao lưu với các nước trong khu vực mới là quan trọng”.


Bài toán hậu SEA Games

Trong số gần 10 môn lần đầu tiên được chủ nhà Indonesia đưa vào SEA Games, đa phần chỉ mang tính giải trí khó duy trì đều đặn tại sân chơi lớn nhất khu vực. Do cơ sở vật chất thiếu thốn nên nhiều khả năng, chủ nhà đại hội tới là Myanmar sẽ chỉ đưa vào thi đấu hơn 20 môn (xấp xỉ con số 25 môn tại SEA Games 2009 - Lào). 2 nhóm ưu tiên là các môn Olympic và môn phổ biến châu Á tất nhiên không thể thiếu, trong khi nhóm còn lại gồm các môn giải trí từng góp mặt tại đại hội vừa qua sẽ bị cắt bỏ khá nhiều. Bài toán đặt ra là sau SEA Games 26, các VĐV của 9 môn xã hội hóa kể trên sẽ giải tán hay tiếp tục duy trì tập luyện để chờ (ít nhất 4 năm nữa) có cơ hội thi đấu?

Phó GĐ Sở VH-TT&DL TP.HCM (đơn vị góp 95% lượng VĐV) Mai Bá Hùng cho biết: “Ngoài Kempo, bóng rổ thì đa phần VĐV các môn xã hội hóa còn lại sẽ trở về các hiệp hội, CLB sinh hoạt và chờ khi nào có giải mới tập trung trở lại. Việc giải tán đội tuyển hay tiếp tục duy trì hoạt động còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố”. Thời gian qua, nhiều môn thể thao giải trí đã thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Đơn cử như tại SEA Games 26, leo tường được kênh Let’s Việt lo toàn bộ tiền đi thi đấu, bóng chày nhận 40.000 USD từ Tập đoàn HAGL cho một năm hoạt động… Quan trọng là phải xây dựng một chiến lược cụ thể, từ đó phát triển các môn ra các tỉnh thành khác.

Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành khẳng định: “Ngành thể thao chủ trương khuyến khích các tổ chức xã hội đầu tư kinh doanh các môn thể thao giải trí. Tổng cục TDTT sẽ đóng vai trò hoạch định chiến lược, tư vấn và điều chỉnh các hoạt động này theo hướng hiệu quả nhất”. Cũng theo ông Thành, việc phát triển các môn thể thao giải trí là xu hướng tất yếu của thế giới. Và nếu Việt Nam thực hiện hiệu quả, các đội tuyển sẽ có nhiều sân chơi khác để lựa chọn và không phải ngay ngáy nỗi lo… giải tán sau mỗi kỳ SEA Games.