Thị trường xe máy năm 2021 ghi nhận ba vụ triệu hồi đều của Honda

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, trong năm 2021 chỉ ghi nhận 3 lần triệu hồi phương tiện đối với xe máy. Đáng chú ý, cả ba vụ triệu hồi này đều là những dòng xe của Honda.

Cụ thể, cuối tháng 5/2021, Honda Việt Nam thông báo triển khai chiến dịch triệu hồi đối với tổng cộng 1.332 xe SH thuộc phiên bản SH300i nhập khẩu từ Ý. Các xe thuộc diện triệu hồi được sản xuất trong thời gian từ tháng 6/2018 đến 5/2020.

Mục đích của đợt triệu hồi để hãng xe Nhật công bố lắp thêm phụ tùng kiểm soát hơi xăng Canister cho xe.

Cụ thể, theo quy định tại thị trường châu Âu, xe Honda SH300i bán tại đây không cần kiểm soát bay hơi nhiên liệu, nên xe thay đổi thiết kế và không trang bị hệ thống kiểm soát bay hơi xăng canister. Chính vì vậy, Honda SH300i chưa đáp ứng được yêu cầu về bay hơi nhiên liệu theo QCVN77:2014/BGTVT tại Việt Nam và cần triệu hồi để bổ sung.

Tiếp đó, vào giữa tháng 7/2021, Honda Việt Nam tiếp tục triển khai một đợt triệu hồi khác liên quan đến xe CBR1000RR-R.

Dòng Honda SH300i nhập khẩu từ Ý bị triệu hồi vào tháng 5/2021

Dòng Honda SH300i nhập khẩu từ Ý bị triệu hồi vào tháng 5/2021

Theo thông tin công bố từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, đợt triệu hồi lần này của hãng xe Nhật được triển khai với tổng cộng 6 chiếc Honda CBR1000RR-R, sản xuất tại Nhật Bản trong khoảng thời gian từ ngày 3/2/2020 đến tháng 6/2020, nhằm kiểm tra và thay thế tấm nối giảm xóc sau.

Cụ thể, theo lý giải từ Cục Đăng kiểm, tấm nối giảm xóc sau trên xe có tác dụng truyền lực tác động từ mặt đường lên khung xe, triệt tiêu và giảm xóc cho xe.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra nhận thấy rằng trong quá trình lắp ráp tại nhà máy, do sơ xuất nên nhân viên đã lắp tấm nối giảm xóc sau trên những chiếc CBR1000RR-R nói trên sai tiêu chuẩn.

Với trạng thái lắp sai, tấm nối giảm xóc bị cố định vào khung xe không đúng cách. Vì vậy, khi có tải trọng lớn đột ngột, phần trục nối tác động lên bề mặt của tấm nối, gây tăng lực uốn và ứng suất trên thân của chi tiết. Điều này có thể dẫn đến gãy tấm nối giảm xóc sau thời gian dài sử dụng, gây nguy hiểm cho người sử dụng xe.

Và lần cuối cùng là vào cuối tháng 10/2021, Honda tiếp tục triệu hồi hơn 300 chiếc, thuộc bộ 3 xe phân khối lớn, gồm CBR500R, CB500F và CB500X.

Cụ thể, có 89 chiếc CBR500R, sản xuất từ tháng 8.2019 đến 1.2020; 39 chiếc CB500F sản xuất trong thời gian từ tháng 11.2019 đến 1.2020; và 198 chiếc CB500X xuất xưởng từ 7/2019 đến 1/2020 nằm trong danh sách triệu hồi.

Nguyên nhân được xác định do bộ điều biến ABS (thiết bị phân phối dầu phanh của hệ thống phanh ABS, làm nhiệm vụ kiểm soát, cung cấp và tạo áp suất dầu phanh từ tay phanh hoặc chân phanh đến má phanh, nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng) trên xe đã điều chỉnh lượng mỡ không theo tiêu chuẩn trong quá trình bảo dưỡng máy bôi mỡ cho bộ điều biến.

Trong quá trình sử dụng, lượng mỡ dư di chuyển theo đường dầu và kẹt lại tại van thoát dầu làm kênh bi, hở đường thoát dầu, dẫn đến giảm áp suất phanh, khiến hành trình của tay phanh trước tăng và giảm lực phanh.

Theo đó, khi người lái giảm tốc bằng tay phanh trước, sẽ nhận thấy lực tác động lên tay phanh giảm và nhẹ hơn bình thường dẫn đến hành trình tay phanh tăng bất thường khiến hiệu quả phanh giảm và quãng đường phanh có thể tăng lên. Hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của khách hàng trong quá trình vận hành xe.