Thị trường tài chính thế giới chao đảo sau khi Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Thị tài chính thế giới đã chao đảo sau quyết định này.

Hôm 21/9 (rạng sáng 22/9 giờ Việt Nam), Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 3% - 3,25%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tổng cộng từ đầu năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 5 lần.

Dù mức tăng lãi suất nằm trong dự liệu của thị trường và nhiều nhận định cho rằng nó đã được phản ánh vào giá, song những thông tin trong báo cáo của Fed lại cho thấy khả năng cơ quan này sẽ kéo dài thêm tiến trình thắt chặt của mình. Điều này chính là nguyên nhân khiến thị trường biến động mạnh.

Cụ thể, họp báo sau phiên họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận các hậu quả kinh tế mà việc thắt chặt có thể gây ra. "Không ai biết liệu quá trình này có dẫn đến suy thoái hay không và nếu có thì sẽ nghiêm trọng đến mức nào", ông nói.

Bản cập nhật dự báo kinh tế do Fed công bố hôm qua cho thấy các quan chức Fed kém lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình tại Mỹ được dự báo lên 4,4% năm tới, cao hơn đáng kể so với 3,7% hiện tại. Tốc độ tăng GDP cũng được điều chỉnh về 0,2% năm nay.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – cũng được dự báo lên 4,5% năm nay và 3,1% năm 2023.

Các số liệu công bố hôm qua cho thấy Fed dự báo lãi suất còn ở mức cao trong nhiều năm nữa. Dự báo lãi suất tham chiếu trung bình tại Mỹ được điều chỉnh lên 4,4% năm nay và 4,6% năm tới. Sang năm 2025, con số này sẽ là 2,9%. Trước đó, các dự đoán cho rằng quá trình nâng lãi suất của Fed sẽ kết thúc vào giữa năm 2023.

Nhìn chung, các dự báo mới cho thấy rủi ro “hạ cánh cứng” đang ngày càng tăng. Các chính sách thắt chặt tiền tệ từ nhiều tháng qua đã bị cảnh báo có thể đẩy Mỹ vào suy thoái. Giới phân tích cho rằng Fed sẵn sàng chấp nhận "đau đớn" về kinh tế để hạ nhiệt lạm phát hiện vẫn ở mức cao nhất 4 thập kỷ.

Các quan chức Fed cũng bày tỏ quyết tâm đưa lạm phát Mỹ về mục tiêu 2% và "sẽ bám lấy mục tiêu này đến khi hoàn thành".

Đa phần thị trường tài chính diễn biến tiêu cực sau khi Fed tăng lãi suất

Đa phần thị trường tài chính diễn biến tiêu cực sau khi Fed tăng lãi suất

Trước đó, nhiều dự đoán cho rằng chứng khoán sẽ tích cực nếu Fed nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, vì điều này đã được phản ánh vào giá. Nhưng với những phát biểu có xu hướng “diều hâu” hơn, thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua đã biến động dữ dội, làm “đau tim” nhà đầu tư.

Đã có lúc, chỉ số blue chip Dow Jones (DJIA) tăng hơn 314 điểm, nhưng sau đó gần như rơi tự do. Khoảng cách giữa đỉnh và đáy của Dow Jones trong phiên 21/9 lên tới 839 điểm. Chốt phiên, cả 3 chỉ số chủ chốt là DJIA, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm 1,7%.

Trong khi đó, giá vàng ban đầu xuống sát đáy 2 năm tại 1.655 USD sau thông báo của Fed, nhưng sau đó nhanh chóng đảo chiều, tăng 1% lên sát 1.690 USD chỉ trong 1 giờ. Chốt phiên, kim loại quý tăng hơn 8 USD và ở mức trên 1.673 USD/ounce.

Tuy nhiên đến sáng nay, kim loại quý đang diễn biến tương đối xấu tại thị trường châu Á và hiện chỉ còn giao dịch quanh 1.655 USD/ounce.

Trong khi đó, chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – đã tăng vọt lên mức cao nhất mới trong vòng 20 năm, là 111,63 và chốt phiên với mức tăng 1,1% lên mức 111,42 điểm.

Đồng euro, thành phần lớn nhất trong chỉ số DXY, giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm với mức giảm cuối phiên là 1,3% so với phiên liền trước, xuống 0,9837 USD.

Tương tự, các đồng tiền khác là yên Nhật, đô la Canada, bảng Anh, nhân dân tệ… đều giảm giá khá mạnh so với đồng USD.

Trên thị trường tiền điện tử, việc Fed tăng lãi suất đã "giáng một đòn" mạnh vào đồng bitcoin, đẩy đồng tiền điện tử lớn nhất này xuống dưới ngưỡng tâm lý 19.000 USD, và hiện chỉ còn giao dịch quanh 18.442 USD.