Thị trường mũ bảo hiểm: Khách đông nhưng không tăng giá

ANTĐ -  Các cửa hàng chuyên doanh mũ bảo hiểm có đông khách tới xem và mua hàng hơn nhưng giá cả vẫn ổn định. Trong khi đó, một số sạp bán mũ bảo hiểm di động lại “nhạy cảm” hơn khi có khách hỏi mua mũ giá rẻ. 

Cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân phân biệt mũ thật và mũ rởm

Cất giấu mũ không hợp quy chuẩn

Sáng 2-7, tại nhiều tuyến phố, mũ bảo hiểm giá rẻ đã thưa dần. Chị Nguyễn Ngọc Mười (Đông Anh- Hà Nội) cho biết: “Sáng nay đi từ Đông Anh sang Tôn Thất Tùng (Đống Đa), các sạp mũ bảo hiểm bán rong đã vắng hẳn. Cách đây 2 ngày, đường Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt vẫn đầy người bán mũ bảo hiểm và kính giá rẻ, giờ chỉ còn lác đác và cũng vắng khách mua. Do từ ngày 1-7, việc tuyên truyền dùng mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng đã được đẩy mạnh nên cả người bán và người mua đều đã ý thức hơn”. 

Tại ngã ba đường Nguyễn Trãi- Khương Đình (quận Thanh Xuân), sạp mũ bảo hiểm giá rẻ bên đường chỉ có vài chiếc, thay vì tràn ngập như mọi khi. Sạp hàng này vừa bán báo, vừa bán mũ bảo hiểm. Chính vì vậy, khi có khách hỏi mua mũ rẻ, mũ dùng 1 lần người bán hàng lập tức đi vào góc đường lấy ra vài mẫu cho khách chọn, giá bán 30.000 đồng/chiếc và không mặc cả. Thấy bị chụp ảnh, người bán hàng nhanh chóng thu dọn “đồ nghề”, cất mũ vào góc đường. 

Trái ngược với hình ảnh trên, các cửa hàng chuyên doanh mũ bảo hiểm lại đón lượng khách tăng lên so với ngày thường. Tại kiot số 2, 14C Thanh Xuân Bắc, gần 11h trưa 2-7 có vài khách xem và mua hàng. Cửa hàng này bán mũ chính hãng của BKtec, Song Long, Osakar… Trên mũ có dán tem hợp quy (CR), có nhãn mác ghi nơi sản xuất và kích cỡ mũ. Mũ cầm khá chắc tay và quai đeo chắc chắn.

Theo nhân viên cửa hàng 407 đường Trường Chinh, 2 ngày nay khách đến tăng lên. “Cửa hàng chỉ bán mũ chính hãng, có tem mác rõ ràng, giá thấp nhất là 120.000 đồng/chiếc. Hai ngày nay khách đông lên, nhưng không đột biến. Giá bán thì chúng tôi cố định rồi, cửa hàng phải giữ uy tín với khách”- nhân viên bán hàng nói.

Không khó để phân biệt mũ giả, mũ thật

Trên một số diễn đàn của “cư dân mạng”, nhiều ý kiến phản đối việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là “đẩy việc khó cho dân” hoặc viện cớ người dân khó phân biệt mũ rởm với mũ thật nên có thể bị nhầm lẫn mua phải mũ kém chất lượng. Ý kiến này là không có căn cứ, bởi lâu nay, thông tin tuyên truyền phân biệt mũ bảo hiểm không đạt chuẩn với mũ bảo hiểm “xịn” đã được nói đến rất nhiều. 

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ KHCN) nhấn mạnh: “Người dân có thể phân biệt được mũ bảo hiểm thật và mũ bảo hiểm rởm dựa trên các căn cứ sau: cấu tạo mũ “xịn” thì lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (rắn chắc, có tác dụng làm giảm chấn động tới đầu người đội) và quai đeo (có tác dụng giữ chắc chắn). Bề mặt phía ngoài của vỏ mũ và các bộ phận lắp vào mũ phải nhẵn, không có vết nứt, không có gờ và cạnh nhọn, sắc. Đầu đinh tán, bu lông không được cao hơn 2 mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ. Bên cạnh đó, nhãn mũ phải có đầy đủ các thông tin gồm: tên sản phẩm là “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất (hoặc tên và địa chỉ cơ sở nhập khẩu, xuất xứ - trong trường hợp là mũ nhập khẩu); cỡ mũ; tháng, năm sản xuất; dấu hợp quy CR”. 

Mặt khác, trên thực tế, người mua mũ hoàn toàn có thể phân biệt được mũ rởm và mũ thật bằng cảm quan và bằng giá cả. “Mặc dù không phải các loại hàng rẻ tiền đều chất lượng kém, nhưng phần lớn người mua đều biết “tiền nào của ấy”, chẳng qua người dân có nhận thức đúng về việc đội mũ bảo hiểm thật vì sự an toàn của chính mình hay chỉ đội mũ để đối phó, vì sợ bị phạt mà thôi”- chị Nguyễn Ngọc Mười chia sẻ.