Thị trường chứng khoán Việt Nam: Triển vọng lạc quan trong và sau dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán thế giới nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là ổn định, tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Các chuyên gia cho rằng với những chính sách mới, thị trường sẽ ngày càng hoàn thiện, tiếp tục phát triển ổn định.

Thị trường hồi phục mạnh, ít phụ thuộc khối ngoại

Sáng nay, 21/10, Tạp chí Kinh tế Chứng khoán đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19”.

Đánh giá chung về thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, năm 2020 là một năm đầy biến động của thị trường khi chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong quý 1 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, VN-Index giảm tới 33%.

Tuy nhiên, sang đến quý 2 và quý 3, thị trường có sự hồi phục tốt, có thể nói là tốt hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, gần như đã lấy lại những gì đã mất từ đầu năm. Tính đến nay, xét về chỉ số chúng ta đã ngang bằng mức cuối của năm 2019; giá trị vốn hóa thị trường từ chỗ giảm sâu, đến nay chỉ giảm còn giảm 1,8% so với cuối 2019, đạt 71,3% GDP.

Đáng nói, theo bà Bình, điểm quan trọng là thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không chỉ hồi phục về điểm số, quy mô mà còn là nội lực của nhà đầu tư trong nước. Nếu như những năm trước, những động thái đầu tư của dòng vốn ngoại ảnh hưởng mạnh mẽ đến TTCK Việt Nam, thậm chí diễn biến thị trường được đoán trước bởi TTCK thế giới thì nay đã khác.

Thị trường có biến động, nhưng không bị phụ thuộc vào diễn biến của khối ngoại cũng như dòng vốn ngoại.

Ông Vũ Kim Thành, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Chứng khoán phát biểu khai mạc Tọa đàm

Ông Vũ Kim Thành, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Chứng khoán phát biểu khai mạc Tọa đàm

Cùng chung nhận định, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán Chứng khoán (UBCKNN) cho biết, nếu nhìn vào chỉ số hiên tại thì hoàn toàn có thể thấy rằng TTCK Việt Nam không có gì thay đổi, thậm chí còn tốt lên so với cuối 2019, thanh khoản thị trường tăng hơn 27%, thị trường phái sinh tăng trên 90%...

"Nhìn vào đó, có thể thấy thị trường không chỉ tốt mà là rất tốt so với kì vọng" - ông Bùi Hoàng Hải nói.

Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận Covid-19 đã gây ra những bất lợi cho thị trường. "Nhìn vào việc huy động vốn có thể thấy tỷ lệ huy động vốn thông qua trái phiếu đạt 98% so với năm ngoái, cổ phiếu đạt 99%. Nhưng so với năm ngoái thì số lượng vốn huy động được thực sự chỉ bằng 61% năm ngoái.

Cuối năm 2019, chúng tôi thấy nhiều doanh nghiệp có chương trình bán cổ phiếu cho đối tác nước ngoài. Năm nay mặc dù thị trường không có gì quá thay đổi, có hiện tượng rút vốn ra những không đáng kể (khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng), nhưng nguồn vốn vào thông qua các nhà đầu tư dài hạn thì đang có vấn đề.

Việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu quốc tế đã giảm đáng kể, do Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài không thể vào Việt Nam để nghiên cứu thị trường làm lỡ nhiều dịp phát hành cổ phiếu lớn" - ông Bùi Hoàng Hải thông tin.

Cũng có cái nhìn lạc quan về thị trường trong gia đoạn dịch bệnh, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết, năm 2020 là năm đột biến về thanh khoản. "Bình quân 1 ngày thanh khoản thị trường đạt 7.000 - 10.000 tỷ đồng là điều hiếm có, kể cả những thời kì thị trường tăng trưởng tốt về chỉ số" - ông Sơn cho hay.

Tuy nhiên, đại diện VSD cũng chỉ ra một số khó khăn như huy động vốn cho doanh nghiệp năm 2020 thấp, ngoại trừ một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, còn lại khối sản xuất kinh doanh, khối bất động sản khó khăn; cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước gần như không thực hiện được.

Các khách mời tham gia buổi Tọa đàm

Các khách mời tham gia buổi Tọa đàm

Ở khía cạnh người tham gia thị trường, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phòng Phát triển năng lực đầu tư Công ty CP chứng khoán VPS cho rằng trong thời gian qua, mặc dù khối ngoại bán ròng nhưng ngược lại khối nội mua rất mạnh.

"Tôi nghĩ là thị trường sẽ quay lại trước Tết, tức là VN-Index có thể đạt 980 - 990 điểm, thậm chí quay lại mốc 1.000 điểm rất sớm. Chúng ta nhìn thấy tương lai tươi sáng của TTCK vì dư địa tăng trưởng là rất mạnh.

Trong đó, riêng thị trường phái sinh, lúc ra đời tháng 8/2017, phiên có khoảng 340 hợp đồng, đến nay đã đạt khoảng 200.000 – 300.000 hợp đồng/ngày. Nếu theo đà phát triển như các nước châu Á, tiềm năng phát triển là rất lớn. Các nhà đầu tư rất kỳ vọng với những sản phẩm mới, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng hơn của thị trường Việt Nam" - ông Khánh nói.

Triển vọng nâng hạng thị trường ra sao?

Về nhìn nhận của nhà đầu tư quốc tế đối với TTCK Việt Nam, ông Bùi Hoàng Hải cho biết, có thể căn cứ vào "hành động của họ" và tổng giá trị họ đầu tư trên TTCK Việt Nam.

Mặc dù hiện nay họ vẫn kêu về trình tự thủ tục còn nhiều khó khăn, nhưng nếu so sánh với các nước xung quanh thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên tổng giá trị vốn hóa của TTCK ta chỉ thấp hơn Singapore và Thái Lan, ngan bằng với Malaysia.

Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào nước ta rất nhiều. Trong năm 2020, mặc dù họ rút vốn ở các thị trường mới nổi rất nghiêm trọng thì tại thị trường Việt Nam lại rất ít. Điều này minh chứng thế giới vẫn đang đánh giá TTCK Việt Nam khá cao" - ông Hải nói.

Ngoài ra, một điểm tích cực nữa, theo ông Hải, là Việt Nam đang nằm trong danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE và MSCI.

Cũng theo đại diện UBCKNN, cơ quan quản lý rất coi trọng vấn đề nâng hạng thị trường với hy vọng uy tín thị trường tăng lên sẽ thu hút được dòng vốn nước ngoài. Theo tiêu chí của FTSE chúng ta đã đáp ứng đc 7/9 tiêu chí để nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2.

Hai tiêu chí chưa đáp ứng là tiêu chí về chu kỳ thanh toán (T+2), đang được đánh giá hạn chế vì quy định thị trường chỉ chấp thuận giao dịch khi tài khoản có sẵn tiền; và tiêu chí “tỷ lệ các giao dịch thất bại hiếm” được FTSE đặt ở trạng thái “N/A” vì chưa đủ thông tin để đánh giá.

Ông Bùi Hoàng Hải cũng thông tin, hiện UBCKNN đang xây dựng những quy định mới, tiến tới việc áp dụng hệ thống thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho các giao dịch cổ phiếu. Điều này sẽ giải quyết phần nào các vấn đề về yêu cầu ký quỹ 100% trước giao dịch.

Trả lời câu hỏi "bao giờ TTCK Việt Nam được nâng hạng?", bà Tạ Thanh Bình cho biết, đây là vấn đề mà chúng ta không thể quyết, vì "nó phụ thuộc vào cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài".

"Ngay cả khi chúng ta hoàn thiện chính sách để đáp ứng toàn bộ 9/9 tiêu chí của họ cũng không có nghĩa là chúng ta được nâng hạng ngay. Nhà đầu tư nước ngoài cần thời gian để hấp thụ chính sách, họ cảm nhận như thế nào...

Ngoài ra, không phải mọi thông tin họ có được từ phía Việt Nam đều chính xác và điều quan trọng là làm thế nào để họ nhận định một cách chính xác nhất về các chính sách của Việt Nam. Còn về chính sách, những trở ngại lớn nhất đối với việc nâng hạng thị trường, chúng tôi đã và đang khắc phục" - bà Bình cho hay.

Ông Bùi Hoàng Hải: Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

Đối với cơ quan quản lý, năm qua chúng tôi tập trung xây dựng chính sách, cơ chế mới tại Luật Chứng khoán. Các vấn đề thay đổi lớn như sau:

Thứ nhất, đối với mảng phát hành chào bán công khai: Chỉnh sửa chi tiết hóa quyết định phát hành chứng chỉ lưu ký ở nước ngoài, có thể mang tới cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn ở nước ngoài.

Thứ hai, sửa chính sách chào mua công khai: Hiện nay quy định chúng ta đã có rồi nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên vẫn chưa có công ty nào chào mua công khai được.

Thứ ba là về tổ chức thị trường, với sự ra đời của CCP, cơ cấu thị trường sẽ có sự thay đổi lớn, xuất hiện thành viên bù trừ, kỳ vọng sẽ bỏ được pre-funding (ký quỹ 100%), thị trường sẽ hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, năm 2021 dự kiến Thủ tướng Chính phủ có thể sẽ ký quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, kỳ vọng phân mảng thị trường sẽ tốt hơn, ra mắt nhiều sản phẩm tốt hơn.

Cùng với đó, lần đầu tiên chúng ta xây dựng cơ chế phòng ngừa và ứng phó rủi ro cho thị trường, tạo cơ sở pháp lý cho các giải pháp chính thức ứng phó khi xảy ra tình trạng biến động thị trường mạnh, như trong giai đoạn Covid-19 hiện nay.

Ngoài ra, trong 2021, dự kiến phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường thông qua gói thầu hệ thống công nghệ đồng bộ cho toàn thị trường (gói thầu KRX) sẽ giúp hiện đại hoá, tạo nên đột phá cho thị trường.