Thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng ở sự phục hồi phía trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kinh tế vi mô toàn cầu đầy khó khăn, chứng khoán thế giới diễn biến bất lợi, trong nước những thông tin tiêu cực liên quan đến một số doanh nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư. Hiếm khi nào, thị trường chứng khoán Việt Nam cùng lúc gánh chịu nhiều khó khăn đến vậy.

Việt Nam nằm trong những thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh nhất

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã giảm điểm mạnh trong tháng 9-2022. Chỉ số đại diện sàn HoSE là VN-Index đã giảm tới hơn 11,5% trong tháng, xuống còn 1.132,11 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2021 đến nay. Đây cũng là mức giảm mạnh thứ 3 từng ghi nhận vào các tháng 9, sau các đợt lao dốc vào tháng 9-2001 và 9-2008. Mức giảm khốc liệt trên đã đưa chứng khoán Việt Nam rơi vào nhóm 8 thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 9. Vốn hóa HoSE bị “thổi bay” hơn 588.000 tỷ đồng (xấp xỉ 25 tỷ USD) trong tháng. Tương tự, vốn hóa sàn HNX cũng mất gần 40.000 tỷ đồng, sàn UPCoM mất hơn 110.000 tỷ đồng. Như vậy, trên cả 3 sàn, vốn hóa các cổ phiếu đã giảm tổng cộng hơn 738.000 tỷ đồng (khoảng 31 tỷ USD) trong tháng.

Nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng nề trên sàn chứng khoán

Nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng nề trên sàn chứng khoán

Chưa dừng lại ở đó, những phiên đầu tháng 10-2022, đà giảm của thị trường tiếp tục nới rộng. Thậm chí, trong phiên giao dịch ngày 11-10, chỉ số VN-Index có thời điểm xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm và đóng cửa ở mức 1.006,2 điểm, giảm tới 32,8% so với thời điểm đầu năm và giảm 34,5% kể từ đỉnh 1.536,45 điểm. Việc thị trường liên tục đi xuống, liên tục xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ khiến nhà đầu tư đi từ thất vọng này đến thất vọng khác.

Những lần “xuống tiền” với kỳ vọng “bắt đáy” thị trường lại trở thành những lần “bắt dao rơi” khi hết đáy này đến đáy khác bị thủng. Những phiên giao dịch mà đến 1/2, rồi 2/3, thậm chí toàn bộ danh mục phủ sắc xanh lơ không còn quá xa lạ với nhà đầu tư. Điều này khiến nhà đầu tư cạn kiệt tiền, đồng thời như “chim sợ cành cong”, không dám bước tiếp dù nhiều nhận định cho rằng thị trường đang ở mức định giá hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái bị call margin (đòi nợ ký quỹ), force sell (bán thanh lý chứng khoán), dẫn đến thua lỗ khá nặng nề, âm 50 - 70% tài khoản.

Tâm lý bi quan bao trùm, dòng tiền chán nản rời bỏ thị trường khiến thanh khoản giảm mạnh so với mức đỉnh lên tới trên dưới 50.000 tỷ đồng trong những tháng đầu năm. Trên sàn HoSE ghi nhận giá trị giao dịch trung bình tháng 9 chỉ còn gần 13.400 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với tháng 8, trong đó, giá trị khớp lệnh chưa đến 11.900 tỷ đồng/phiên, mức thấp thứ hai kể từ đầu năm 2021 đến nay. Trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10, thị trường đã ghi nhận một số phiên giá trị khớp lệnh sàn HoSE xuống dưới 10.000 tỷ đồng. Diễn biến này diễn ra bất chấp chu kỳ thanh toán đã được rút ngắn xuống T+2 và HoSE cho phép giao dịch lô lẻ.

Thị trường chứng khoán lại biến động theo dòng tiền nên giá cổ phiếu diễn biến tiêu cực

Thị trường chứng khoán lại biến động theo dòng tiền nên giá cổ phiếu diễn biến tiêu cực

Áp lực tứ bề

Có thể thấy, trong lịch sử hơn 22 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam hiếm có khi nào chịu nhiều áp lực đến vậy, dù trên thực tế kinh tế vĩ mô trong nước đang khá tích cực. Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất khiến thị trường giảm sút là do dòng tiền. CEO WiGroup Trần Ngọc Báu cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2022 rất tích cực khi tăng trưởng tốt và lạm phát thấp, nhưng dòng tiền lại xấu do việc tăng mạnh lãi suất và gây áp lực lên tỷ giá VNĐ, dòng vốn chảy ra nước ngoài. Thị trường chứng khoán lại biến động theo dòng tiền nên giá cổ phiếu diễn biến tiêu cực.

Tiềm năng tăng trưởng cùng với sự tăng trưởng tích cực của kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường. Thống kê cho thấy, trong số doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính bán niên (đã soát xét) năm 2022, có 864/994 công ty báo cáo có lãi, chiếm 87%, bằng cùng kỳ năm 2021. Nếu tính riêng các công ty niêm yết, có 582/647 công ty báo cáo có lãi, chiếm 90% số công ty đã thực hiện báo cáo. Tổng doanh thu thuần của các công ty này 6 tháng đầu năm 2022 tăng 19,5% so với cùng kỳ, vượt mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 là 17,6%. Tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 29% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 là 77,5%. Ngoài ra, so sánh tương quan của một số thị trường trên thế giới và khu vực, hiện tại, mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý và dự báo sẽ góp phần thu hút dòng tiền tham gia khi các rủi ro ngắn hạn dịu bớt.

Còn ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc SSI Research thì nhận thấy không chỉ điểm số mà thanh khoản trên thị trường chứng khoán cũng sụt giảm do dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân giảm và có xu hướng rút tiền ra, dù số lượng tài khoản tăng lên. “Cá nhân trong nước mua ròng từ tháng 10-2020 đến tháng 3-2022. Nhưng giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8, nhà đầu tư cá nhân liên tục rút ròng với giá trị khoảng 6.000 tỷ do dòng tiền bị thắt chặt, lãi suất tăng” - ông Đào Minh Châu nói.

TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, ngoài các yếu tố vĩ mô kém thuận lợi, xung đột giữa các nước trên thế giới… thì dòng tiền sụt giảm cũng là nguyên nhân khiến thị trường đi xuống. Năm 2021 hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, kênh đầu tư bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng thấp, người dân đổ tiền nhàn rỗi vào thị trường chứng khoán, nhờ đó thị trường tăng vọt. Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường nên dòng vốn được san sẻ sang các kênh đầu tư khác.

Nhìn lại thị trường từ đầu năm đến nay, các chuyên gia chỉ ra một số nguyên nhân chính như sau: Nguyên nhân đầu tiên là việc FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) liên tục tăng lãi suất dưới áp lực lạm phát đã kéo theo hàng loạt ngân hàng Trung ương buộc phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm hơn, dòng tiền cũng có xu hướng trở lại những thị trường có lãi suất cao. Trong nước, hồi cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng ngay lập tức vào cuộc tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay tăng theo.

Việc tăng lãi suất huy động trong bối cảnh thị trường đang không tích cực cũng đã phần nào kéo dòng tiền ra khỏi chứng khoán. Với lãi suất cho vay, khi tăng lên sẽ làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến triển vọng lợi nhuận ảnh hưởng không nhỏ… Nguyên nhân thứ hai, theo các chuyên gia, thời gian gần đây tâm lý của nhà đầu tư lại chịu thêm tác động bởi một số thông tin về các sự việc liên quan tới sai phạm cá nhân và doanh nghiệp cụ thể trên thị trường.

Có thể kể đến việc ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Louis Holdings cùng đồng phạm bị bắt vì hành vi thao túng chứng khoán; ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cùng nhiều người liên quan bị bắt vì hành vi thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các đồng phạm bị bắt để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan các đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” Tân Hoàng Minh. Và mới đây nhất là các thông tin liên quan tới trường hợp sai phạm tại Công ty An Đông của bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… Cùng với những sai phạm này, một số lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch chứng khoán cũng đã bị xử lý kỷ luật.

Những sự việc này đã thêm một “cú bồi” vào niềm tin của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư F0 - vốn là những người tâm lý yếu, trước đây FOMO (đầu tư theo trào lưu) vào những cổ phiếu “nóng” - chiếm tỷ lệ quá lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc thua lỗ, hoảng sợ, dẫm đạp lên nhau tháo chạy, cộng với tỷ lệ margin (vay ký quỹ) cao khiến tài khoản nhiều nhà đầu tư bị force sell đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh hơn nhiều so với đà giảm của các thị trường khác trên thế giới.

Kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc

Kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc

“Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”

Ba phiên gần đây, thị trường chứng khoán có sự phục hồi khá tốt, điều này chưa thể khẳng định gì nhiều, song cũng đã nhen nhóm kỳ vọng đối với nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, tháng 10 là thời điểm các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh với nhiều triển vọng khả quan dự kiến sẽ hỗ trợ cho thị trường. Đặc biệt, thời điểm này, nhiều chuyên gia đã nghĩ đến kịch bản “trong nguy có cơ”, đây có thể là thời điểm tốt cho những nhà đầu tư trung và dài hạn khi hầu hết tất cả những rủi ro đã phản ánh vào giá cổ phiếu.

Các chuyên gia cho rằng, với khả năng FED và nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng có thể vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, dòng tiền cũng chưa thể hổi phục. Nhưng tiềm năng tăng trưởng cùng với sự tăng trưởng tích cực của kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường.

Thống kê cho thấy, trong số doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính bán niên (đã soát xét) năm 2022, có 864/994 công ty báo cáo có lãi, chiếm 87%, bằng cùng kỳ năm 2021. Nếu tính riêng các công ty niêm yết, có 582/647 công ty báo cáo có lãi, chiếm 90% số công ty đã thực hiện báo cáo. Tổng doanh thu thuần của các công ty này 6 tháng đầu năm 2022 tăng 19,5% so với cùng kỳ, vượt mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 là 17,6%. Tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 29% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 là 77,5%. Ngoài ra, so sánh tương quan của một số thị trường trên thế giới và khu vực, hiện tại, mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý và dự báo sẽ góp phần thu hút dòng tiền tham gia khi các rủi ro ngắn hạn dịu bớt.

Theo ông Lưu Chí Kháng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), với việc thị trường giảm mạnh thời gian qua, mức P/E (giá/thu nhập cổ phiếu) hiện tại của VN-Index về mức dưới 11 lần, mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư dài hạn trong 2 - 3 năm. “So với P/E của tiền gửi hiện nay (với lãi suất 7%-8%) nằm trong khoảng 12,5 - 14,3 lần, thì tỷ suất sinh lợi của kênh đầu tư chứng khoán đang cao hơn so với lãi suất gửi ngân hàng khoảng 16 - 26,5%” - vị chuyên gia tính toán.

Nỗ lực đảm bảo ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiêu cực, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn nhấn mạnh sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo sự vận hành và phát triển ổn định của thị trường chứng khoán. Theo đó, cơ quan quản lý đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai các giải pháp tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình; tăng cường quản lý, giám sát thị trường…Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian trên thị trường chứng khoán thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…Đối với hệ thống công nghệ thông tin KRX, hiện các đơn vị liên quan đang đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện để đưa vào vận hành.

Liên quan đến những vụ việc bị xử lý hình sự gần đây, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, mức độ sai phạm và biện pháp xử lý sẽ được các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục làm rõ theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý sẽ nỗ lực đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khuyến cáo nhà đầu tư: “Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan liên quan đã và sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo sự vận hành và phát triển ổn định của thị trường chứng khoán; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có liên quan. Vì thế, nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích cụ thể rủi ro và tiềm năng cơ hội trên thị trường chứng khoán để ra quyết định đầu tư hiệu quả”.

Cảnh giác trước tin đồn trên thị trường chứng khoán

Cơ quan công an làm việc với đối tượng đăng tin đồn thất thiệt

Cơ quan công an làm việc với đối tượng đăng tin đồn thất thiệt

Cùng với những vụ việc gần đây thì thời gian qua, hàng loạt tin đồn liên quan đến các cá nhân, doanh nghiệp trên thị trường cũng đã tác động không nhỏ, khiến nhà đầu tư hoang mang, thậm chí bán tháo cổ phiếu. Nhiều doanh nghiệp đã phải bất đắc dĩ lên tiếng để “minh oan” cho mình và các cá nhân lãnh đạo bị dính tin đồn thất thiệt. Nhưng trong bối cảnh thị trường nhạy cảm như hiện nay, việc một số tin đồn đã thành sự thật và khiến giới đầu tư khó phớt lờ.

Trước tình trạng tin đồn tràn lan, cơ quan quản lý, cơ quan công an đã phải cùng vào cuộc. Mới đây nhất, Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp với các cục nghiệp vụ (Bộ Công an) làm việc với đối tượng Nguyễn Kiên Q (40 tuổi) vì đã đăng tin thất thiệt trên Facebook, gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc người dân đồng loạt rút tiền tại các ngân hàng. Công an TP.HCM mới đây cũng đã làm việc với một đối tượng là N.T.M.H về hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải bài viết có nội dung kêu gọi người dân rút tiền tại Ngân hàng SCB. Cũng đăng tải thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận về Ngân hàng SCB, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã tiến hành lập hồ sơ xử lý một cá nhân đăng tải nội dung Ngân hàng SCB vỡ nợ trên tài khoản facebook cá nhân.

Cách đây ít ngày, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Thuận làm rõ, xử phạt đối tượng P.D.K.H (TP.HCM) có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin thất thiệt, sai sự thật liên quan đến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Trước đó, hồi tháng 7, thị trường chứng khoán từng bị một phen chao đảo, cổ phiếu “họ Vin” bị bán mạnh trước tin đồn liên quan đến lãnh đạo các doanh nghiệp này. Phía Bộ Công an đã phải lên tiếng cho biết, cơ quan chức năng đã làm việc với người đưa tin thất thiệt, đồng thời nhận định tin này đã gây ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tác động xấu đến thị trường chứng khoán.

Trên thực tế, các tin đồn xấu thường được lan truyền chóng mặt trong các hội nhóm chat về chứng khoán. Không ít “đội lái” đã sử dụng tin đồn để dẫn dắt hành vi mua - bán chứng khoán của nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới, thiếu hiểu biết về thị trường. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với tin đồn, dễ bị điều chỉnh mạnh, tạo ra cú sốc lớn ngắn hạn. Điều này không chỉ ở thị trường Việt Nam mà ngay cả các thị trường phát triển cũng xảy ra. Do đó, nhà đầu tư cần phải thật sự bình tĩnh trước tin đồn.

Bởi vì tin đồn có thể đúng hoặc sai, nếu chúng ta đưa ra quyết định trong lúc hoảng loạn sau đó phát hiện tin thất thiệt thì đã bị thiệt hại. Ngay kể cả khi tin đồn trở thành sự thật, nếu chúng ta bình tĩnh thì thiệt hại có thể không quá lớn. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư khi tham gia thị trường cần có tâm lý vững vàng, tránh đầu tư FOMO, hạn chế đầu tư theo các “đội lái”, không đầu tư những cổ phiếu “nóng” nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh bết bát. Nếu cổ phiếu tốt, doanh nghiệp có sức khỏe tài chính và tiềm lực phát triển tốt thì sẽ có cơ hội phục hồi tốt hơn sau những giai đoạn khó khăn của thị trường.