Thị trường bất động sản gặp khó cuối năm, cơ hội cho người mua nhà để ở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau cơn sốt nóng hồi tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua, thị trường bất động sản đã “chùng” xuống. Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó trước rất nhiều áp lực, tuy nhiên đây có thể sẽ là cơ hội cho người có nhu cầu thực về nhà để ở.
Thị trường bất động sản đối mặt nhiều khó khăn những tháng cuối năm

Thị trường bất động sản đối mặt nhiều khó khăn những tháng cuối năm

Thị trường hạ nhiệt nhưng giá căn hộ bình dân vẫn tăng nhẹ

Theo Bộ Xây dựng, giá giao dịch bất động sản (BĐS) đối với nhà ở trong quý II tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với quý I cũng như cùng kỳ năm 2020. Đối với căn hộ chung cư, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM, giá giao dịch vẫn tăng khoảng 5-7% so với quý I. Cụ thể tại Hà Nội, một số dự án như: Sunshine Garden tăng khoảng 5,9%, Xuân Mai Complex tăng khoảng 4,5%, Hòa Bình Green City tăng khoảng 5,1%, Stellar Garden tăng khoảng 6,4%, Seasons Avenue tăng khoảng 5%... Căn hộ bình dân (mức giá từ 25-30 triệu đồng/m2) chỉ có tại một số ít các dự án thuộc khu vực xa trung tâm như: Le Grand tại quận Long Biên giá khoảng 28 triệu đồng/m2, Vinhomes Ocean Park tại huyện Gia Lâm giá khoảng 28 triệu đồng/m2; dự án XPHomestar tại huyện Đan Phượng có giá khoảng 20 triệu đồng/m2...

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung loại căn hộ này ngày một hạn chế trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều dẫn đến giá bán tiếp tục tăng. Đối với căn hộ chung cư trung cấp (mức giá khoảng 30-50 triệu đồng/m2) vẫn chiếm phần lớn nguồn cung mở bán mới trong quý II. Giá giao dịch căn hộ trung cấp có mức tăng cao tại một số khu vực như quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội)... Một số dự án căn hộ chung cư mở bán mới trong quý như: The Link345 Ciputra giá khoảng 40 triệu đồng/m2, Masteri West Heights Tây Mỗ (quận Bắc Từ Liêm) giá khoảng 40-50 triệu đồng/m2 tại Hà Nội.

Đối với căn hộ cao cấp (mức giá trên 50 triệu đồng/m2), tại Hà Nội và TP.HCM một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao như: dự án One Central Saigon (quận 1, TP.HCM) có mức giá bán dự kiến cao kỷ lục, khoảng 650-800 triệu đồng/m2; dự án The Grand Hàng Bài ở vị trí đất vàng của Hà Nội, với giá chào bán từ 570-700 triệu đồng/m2...

Đối với đất nền, hiện tượng tăng nóng cục bộ đã được kiểm soát sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Lượng giao dịch đất nền cũng có xu hướng giảm so với quý trước.

Nguồn cung giảm

Bộ Xây dựng cho biết, hiện nguồn cung BĐS vẫn tập trung chủ yếu là nhà ở trung cấp và cao cấp, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp còn rất hạn chế. Trong đó, nguồn cung nhà ở sơ cấp từ các dự án mở bán tiếp tục giảm so với năm 2020. Trong đó, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, trên cả nước có 69 dự án với 27.462 căn được cấp phép, tương đương số lượng dự án bằng 73% so với quý trước và chỉ bằng khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, có 1.119 dự án với 352.575 căn hộ đang triển khai xây dựng, số lượng dự án bằng 81% so với quý trước và bằng khoảng 79% so với cùng kỳ năm 2020. Có 34 dự án với 2.801 căn hoàn thành, số lượng dự án bằng khoảng 83% so với quý trước và chỉ bằng khoảng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số lượng dự án và căn hộ thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong quý II lại tăng nhẹ, với 92 dự án, tương đương 29.557 căn hộ, bằng khoảng 105% so với quý trước và bằng khoảng 98% so với cùng kỳ năm 2020 về số lượng dự án.

Cũng trong quý II, có 3 dự án nhà ở xã hội với với 1.766 căn được cấp phép mới; 94 dự án với 123.085 căn đang triển khai; có 2 dự án với 264 căn hoàn thành; 5 dự án với 1.855 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Về lượng giao dịch trên thị trường, sau khi đạt đỉnh trong tháng 3-2021, kể từ nửa cuối tháng 4-2021, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản (BĐS) đã có dấu hiệu sụt giảm cùng với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền. Qua thống kê của các sàn giao dịch bất động sản cho thấy, nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường BĐS đang có xu hướng giảm dần ở các thành phố lớn. Trong quý, toàn thị trường có gần 30.000 giao dịch bất động sản thành công; tổng lượng giao dịch bình quân tăng khoảng 18% so với quý trước và nhích nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tiêng tại tại Hà Nội chỉ có 1.094 giao dịch thành công (bằng khoảng 20% so với quý trước), tại TP.HCM có 3.002 giao dịch thành công (bằng khoảng 87% so với quý trước).

Thời điểm mua nhà để ở

Dự báo cuối năm và đầu năm 2022, các chuyên gia cho rằng thị trường BĐS sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn, chưa thể phục hồi. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội cho người mua nhà để ở khi áp lực thanh khoản khiến nhà ở trên thị trường thứ cấp có thể sẽ giảm, trong khi về dài hạn, các áp lực bủa vây sẽ đẩy giá tăng. Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm, dẫn tới nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán các sản phẩm BĐS do đó cũng bị áp lực giảm. Tuy nhiên, thực tế BĐS tương lai đang đối mặt với áp lực phải tăng giá do đất nền trải qua nhiều “cơn sốt” khiến mặt bằng giá tăng, giá đất khi đền bù giải phóng mặt bằng sẽ cao. Ngoài ra, khung giá đất ở rất nhiều địa phương bị điều chỉnh tăng lên 15%, các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50% cũng tác động đến giá bất động sản. Thêm vào đó, thủ tục phê duyệt dự án kéo dài do vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến tăng chi phí và chi phí cơ hội là rất cao.

Bên cạnh đó, các ngân hàng lại đang có xu hướng siết chặt hơn tín dụng BĐS cũng gây khó cho các doanh nghiệp. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 30-6-2021 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 672.224 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 5,5% so với đầu năm, thấp hơn nhiều mức tăng các năm trước (trừ năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19). Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) khẳng định, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn đang kiểm soát chặt tín dụng BĐS. NHNN đánh giá tín dụng BĐS vẫn còn nhiều rủi ro, không thể chủ quan, lơ là, vì vậy NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực này. Trong khảo sát xu hướng tín dụng mới đây của NHNN, các tổ chức tín dụng cũng cho biết dự kiến sẽ thắt chặt đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS. Ngay cả vay bất BĐS để ở cũng sẽ được các ngân hàng thắt chặt hơn các điều khoản, điều kiện cho vay.

Đồng quan điểm cho rằng thị trường BĐS từ nay đến cuối năm có thể là cơ hội cho người mua nhà thực hoặc đầu tư dài hạn, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, thị trường BĐS đang rơi vào 2 luồng đối nghịch. Nếu như thị trường thứ cấp, do tình hình dịch bệnh nên có nhiều người muốn thanh khoản căn hộ đang sở hữu, điều này tạo cơ hội để người mua nhà với giá thấp hơn so với thời gian trước từ 5-10%. Tuy nhiên, trên thị trường sơ cấp, giá căn hộ vẫn tăng trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua và cũng sẽ có xu hướng tăng tiếp tục trong thời gian tới do chi phí đầu tư, nguyên vật liệu, lãi vay, chi phí tài chính… đều tăng được tính vào giá bán sản phẩm. Do đó, vị chuyên gia cho rằng, nếu thực sự có nhu cầu về nhà ở hoặc đầu tư dài hạn thì tốt hơn hết nên mua thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm dành cho nhà đầu tư lướt sóng.