Theo sát diễn biến "nóng" trên thị trường chứng khoán
(ANTĐ) - Cùng với sự “nóng” lên của thị trường chứng khoán (TTCK), những vi phạm trong lĩnh vực này cũng ngày càng diễn biến phức tạp với số vụ việc bị phát hiện xử lý có dấu hiệu tăng mạnh.
Điều đáng quan tâm là, đối tượng vi phạm thường rơi vào trường hợp có điều kiện, lợi thế nhất định về quyền lực, thông tin và tiền bạc. Trong khi đó, hệ thống giám sát thị trường lại được đánh giá là còn nhiều khiếm khuyết khiến cho quyền lợi của nhiều nhà đầu tư nhỏ không được bảo vệ.
Những dư âm nặng nề
Đầu năm 2007, khi chứng khoán trở nên “nóng” nhất, cũng là lúc hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư bị phát hiện. Cụ thể, vào thời điểm giá thị trường CP SVC của CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) vào khoảng 170.000đ/CP, doanh nghiệp này đã đưa ra phương án phát hành 96 tỷ đồng CP mới, trong đó chủ yếu dành cho lãnh đạo và cán bộ nhân viên công ty với giá chỉ có 30.000đ/CP.
Chỉ riêng khoản chênh lệch giữa giá thị trường và giá bán nội bộ nói trên đã lên đến 130 tỷ đồng, gấp gần 3 lần lợi nhuận của cả năm 2006. Ngay lập tức, phương án này đã gây ra “làn sóng” phản đối của cổ đông ngoài công ty khi quyền lợi của họ bị đặt “ngoài rìa”.
Việc giám sát TTCK còn nhiều khiếm khuyết |
“Chuyện” của Savico chưa lắng xuống, hàng loạt vụ việc tương tự lại bị phát hiện. Như phương án phát hành của CTCP Vận tải xăng dầu (Vipco), trong đó cho Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam được mua hơn 9,1 triệu cổ phần với mức giá 15.000đ/cổ phần, các cổ đông hiện hữu khác được mua hơn 8,7 triệu cổ phần còn lại với mức giá 40.000đ/cổ phần; Hay CTCP Giao nhận vận tải và Thương mại (Vinalink) khi tăng vốn từ 36 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng đã đề ra phương án bán 162.000 cổ phiếu cho Công ty Giao nhận kho vận ngoại thương TP.HCM (Vinatrans) với giá bằng mệnh giá 100.000 đồng, trong khi đó, giá thị trường của Vinalink lên đến 1,5 triệu đồng/cổ phiếu...
Điểm đáng nói là, những phương án bất hợp lý trên vẫn được đại hội cổ đông thông qua, thậm chí với tỷ lệ biểu quyết rất cao, có trường hợp lên tới gần 100%. Rõ ràng, phần lớn những cổ đông bị gạt ngoài lề lợi nhuận không nắm được luật để phản đối; hoặc tiếng nói của họ quá yếu ớt trong doanh nghiệp. Chỉ đến khi, những sai phạm này được một số cơ quan báo chí thông tin, phản ánh, vụ việc mới được biết đến.
Và sau đó, phương án phát hành của Vipco bị UBCKNN “tuýt còi”. Còn Vinalink thì điều chỉnh lại phương án phát hành, nhưng giá bán cho Vinatrans chỉ được tăng lên thành 150.000đ/cổ phiếu, bằng 10% giá thị trường cùng thời điểm.
Gần đây là những “rùm beng” liên quan đến việc phát hành chứng chỉ quỹ VF1 của Công ty Liên doanh Quản lý Việt Nam (VFM). Trước sự phản đối của nhiều nhà đầu tư và sự vào cuộc của UBCKNN, VFM đã phải hủy phương án điều chỉnh giá nhưng rất nhiều nhà đầu tư đã kịp nhận lấy thiệt hại khi bán tháo chứng khoán này ít ngày trước đó.
Và thiệt hại hơn cả, đó là niềm tin của nhà đầu tư đã ít nhiều bị lung lay. Có thể nói, đây là sự tổn thất khó đong đếm, khi mà niềm tin trên thị trường chứng khoán được đánh giá là yếu tố sống còn.
Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết và có quy mô nhỏ hơn thì nhiều vi phạm liên quan đến quyền lợi của các cổ đông trong doanh nghiệp không được phát hiện, xử lý kịp thời và các cổ đông nhỏ chỉ còn biết “cắn răng” chịu thiệt.
Ngược lại, một số cá nhân đã lợi dụng kẽ hở pháp lý, thậm chí lạm quyền nhằm chiếm đoạt một phần tài sản doanh nghiệp. Thực tế không hiếm thành viên HĐQT và lãnh đạo doanh nghiệp có được những ưu tiên về quyền mua cổ phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi với “chiêu” thu hút nhân tài cho doanh nghiệp.
Không chỉ liên quan đến các phương án phát hành sai luật, hàng loạt vụ việc vi phạm khác liên quan đến các thành viên tham gia thị trường được phát hiện thời gian qua đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, như hàng loạt các công ty chứng khoán (CTCK) bị xử phạt về các vi phạm liên quan đến nhập, xử lý lệnh; việc rắc rối trong bổ nhiệm Tổng Giám đốc và thông tin nhập nhèm của CTCK Thiên Việt...
Tuy nhiên, nhiều vụ việc cũng thể hiện sự khiếm khuyết trong xây dựng và áp dụng cơ chế pháp lý trong điều hành thị trường của cơ quan quản lý mà trước hết là UBCKNN. Đã có những hoài nghi vào sự điều hành của cơ quan quản lý này và e ngại sẽ có những tiền lệ xấu cho thị trường được đánh giá là còn non trẻ và đầy nhạy cảm này.
Sẽ khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống giám sát
Theo Chánh Thanh tra UBCKNN Hoàng Đức Long, thời gian gần đây, những vi phạm trên TTCK diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2007, Thanh tra Chứng khoán đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra, ban hành 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có 4 quyết định đối với các công ty chứng khoán và 1 quyết định đối với giao dịch chứng khoán giả tạo để hợp thức quyền sở hữu chứng khoán.
Riêng trong tháng 7 vừa qua, ngoài trường hợp bị xử phạt là công ty chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân liên kết thao túng giá, còn có trường hợp công ty đại chúng vi phạm đăng ký theo quy định.
Trong đó, vụ việc gây chú ý gần đây nhất là 2 nhà đầu tư đã bị cơ quan này xử phạt 160 triệu đồng vì câu kết làm giá chứng khoán (giao dịch chứng chỉ quỹ VFMVF1), là ông Bùi Quang Thành, trú tại 270/60 Phan Đình Phùng, phường 1, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh và ông Huỳnh Thanh Minh, trú tại 3/33 tổ 148, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.
Nhằm tăng cường bảo vệ nhà đầu tư, ông Hoàng Đức Long - Chánh Thanh tra UBCKNN cho biết, thời gian tới đây, công tác thanh tra của cơ quan quản lý này sẽ tập trung vào việc công bố thông tin của một số tổ chức niêm yết và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, nhằm đảm bảo việc công bằng, công khai đối với các nhà đầu tư.
Cùng với đó, các nhà đầu tư có dấu hiệu thao túng trên thị trường cũng là đối tượng “nhắm” đến của cơ quan này. Để thực hiện được điều đó, UBCKNN cũng sẽ có những cuộc đào tạo để thanh tra được tốt hơn trong các báo cáo gian lận tài chính, những thông tin sai sự thật như lỗ biến thành lãi…
Theo ông Long, để phát hiện dấu hiệu nghi vấn, cơ quan thanh tra phải theo dõi, kiểm chứng dữ liệu các giao dịch diễn ra trong thời gian ít nhất một tuần, được theo dõi và kiểm chứng dữ liệu.
“Như trường hợp vi phạm của hai cá nhân liên quan đến việc thao túng giá chứng chỉ quỹ VFMVF1 để ra được kết luận thanh tra, chúng tôi đã phải theo dõi các giao dịch mua-bán giữa hai bên diễn ra liên tục và lặp lại trong thời gian dài và quy mô lớn. Trong đó, giao dịch của riêng 2 nhà đầu tư này có những phiên chiếm tới 45% lượng giao dịch chứng chỉ VF1 trên thị trường” - ông Long kể.
Thời gian tới đây, cơ quan này cũng sẽ điều tra những giao dịch khả nghi của một số tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ông Long cũng lường trước, sẽ gặp không ít khó khăn bởi phải lần tìm dấu vết trong số trên 250.000 tài khoản hiện có, trong khi lực lượng Thanh tra Chứng khoán lại mỏng và còn những khó khăn trong công nghệ. Có trường hợp, Thanh tra phải làm việc tới 2 giờ sáng để tìm các chứng cứ liên quan.
“Điểm mà chúng tôi lo ngại là những vi phạm có liên quan đến công tác kiểm toán. Trên thực tế Thanh tra Chứng khoán cũng đã phát hiện trường hợp kiểm toán không chính xác hoặc không đầy đủ, thậm chí doanh nghiệp cấu kết với kiểm toán để vi phạm. Đây thực sự là một lo ngại” - ông Long nói.
Đánh giá về mức xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, ông Long giải thích, chỉ có một số hành vi vi phạm được quy định trong Luật Chứng khoán, còn lại áp dụng theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Để xử lý vấn đề này, đơn vị Thanh tra UBCKNN đang phối hợp với Bộ Công an xây dựng Thông tư Liên tịch hướng dẫn việc điều tra xử lý một số hành vi liên quan. Theo đó, sẽ tách một số hành vi bị xử phạt theo Luật Chứng khoán, một số hành vi xử lý theo Luật Hình sự.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Đoan Hùng - Phó Chủ tịch UBCKNN nhận định, TTCK Việt Nam mới ra đời nên khó tránh khỏi những vấn đề như gian lận, lỗ hổng thông tin, giao dịch nội gián. Bên cạnh những lỗ hổng nhất định trong hành lang pháp lý, ông Hùng cũng thừa nhận, hệ thống giám sát thị trường hiện nay còn những khiếm khuyết.
Trong đó, có nguyên nhân khách quan là việc giám sát lâu nay được thực hiện còn rất thủ công khiến cho công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. “Ở nhiều nước trên thế giới, cơ quan giám sát, quản lý có hệ thống cho phép xem xét lại toàn bộ lịch sử giao dịch của một tổ chức hay một cá nhân, một tài khoản nào đó. Việt Nam cũng đang nỗ lực để hoạt động giám sát được chặt chẽ, hiệu quả hơn” - ông Hùng cho biết.
Ngoài ra, cũng theo ông Hùng, nhân sự là một vấn đề lớn, nhất là trong bối cảnh thị trường bùng nổ, phát triển rất nhanh. Hiện hệ thống giám sát, thanh tra của UBCKNN chỉ có khoảng 20 người, trong khi lĩnh vực phải thanh tra rất lớn, không chỉ liên quan đến các giao dịch bất thường mà còn là hoạt động liên quan của các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng…
Theo quyết định mới của Chính phủ thì hiện nay đã có quyết định thành lập một ban giám sát thị trường. Ban này có nhiệm vụ giám sát toàn bộ các giao dịch bất thường, từ đó để có những biện pháp xử lý, khắc phục.
Bảo Nguyên